Chỉ sau hơn 1 năm từ khi nhận chủ trương đầu tư của Chính phủ và giấy chứng nhận đầu tư (tháng 2.2021), khu công nghiệp Liên Hà Thái (Green iP-1) đã dần hoàn thiện những hạng mục lớn. Hình hài một khu công nghiệp tiên phong, kiểu mẫu, thể hiện khát vọng “ly nông bất ly hương” của chính quyền, nhân dân và nhà đầu tư hạ tầng Green i-Park đang dần hiện ra trên quê lúa Thái Bình.

Kỳ tích từ công tác giải phóng mặt bằng

Dự án Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Liên Hà Thái (Green iP-1) nằm trong phạm vi quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Thái Bình đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 28.10.2019. Dự án có tổng diện tích 588 ha nằm trên địa bàn xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền do Công ty Cổ phần Green i-Park làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khoảng 3.885 tỷ đồng.

Để giải phóng gần 600ha đất dành cho việc xây dựng nhà xưởng, nhà máy… phục vụ cho mục đích công nghiệp không phải điều dễ dàng. Thế nhưng hiếm có dự án mà tốc độ giải phóng mặt bằng (GPMB) lại nhanh và nhận được sự đồng thuận cao của người dân như dự án khu công nghiệp (KCN) Green iP-1.

Nếu như tháng 5.2021 huyện Thái Thụy mới GPMB được 50ha thì đến hết tháng 5.2022 đã giải phóng được 512,08ha. Nhà đầu tư hạ tầng Green i-Park ứng kinh phí, Hội đồng GPMB huyện tiến hành chi trả bồi thường, hỗ trợ GPMB cho 3.297 hộ và 1 doanh nghiệp với tổng kinh phí hơn 600 tỷ đồng.

Một điều đáng ghi nhận là người dân hiểu được ý nghĩa, hiệu quả của KCN và vượt qua nhiều quan niệm, định kiến về tâm linh, tự nguyện di dời phần mộ của gia đình, dòng họ đến nơi khác, nhường đất cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng. Nhờ đó, huyện Thái Thụy đã hỗ trợ di chuyển được 1.058 ngôi mộ vô chủ và 323 ngôi mộ có chủ ra ngoài KCN mà không để xảy ra khiếu kiện kéo dài.

Nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho TGĐ Green i- Park vào khu Liên Hà Thái
Nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho TGĐ Green i- Park vào khu Liên Hà Thái

Để có được kết quả này, không thể không nhắc tới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh Thái Bình, huyện Thái Thụy cũng như vai trò, năng lực của nhà đầu tư hạ tầng - Công ty Cổ phần Green i-Park. Không chỉ có tiềm lực về tài chính, Green i-Park còn thể hiện quyết tâm đưa Green iP-1 trở thành điểm sáng kinh tế của huyện Thái Thụy nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung.

Ngay từ khi khởi công dự án, Green i-Park đã đẩy mạnh công tác đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, điện, nhà máy xử lý nước thải tập trung... GPMB đến đâu đầu tư hạ tầng ngay đến đó và xúc tiến đưa các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động không để đất chờ dự án gây lãng phí tài nguyên.

Để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài đến với KCN Liên Hà Thái, hiện nay nhà đầu tư hạ tầng cùng với huyện Thái Thụy tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng của toàn bộ KCN; trong đó ưu tiên giải phóng mặt bằng những diện tích có nhà đầu tư đang khảo sát, đặt vấn đề đăng ký đầu tư. Cùng với đó, các đơn vị thi công huy động nhân lực, máy móc thi công sớm hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật KCN như đường giao thông, cấp thoát nước, điện, nhà máy xử lý nước thải.

Đặc biệt, nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Liên Hà Thái được thiết kế với tổng công suất xử lý 15.000m3/ngày đêm được chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 có công suất 5.000m3/ngày đêm, sử dụng công nghệ xử lý hóa học kết hợp sinh học. Công ty Cổ phần Green i-Park đầu tư xây dựng 1 bể xử lý có tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

Nước thải sau xử lý xả ra môi trường đạt tiêu chuẩn chất lượng cột A, theo QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp bảo đảm an toàn cho hệ sinh thái và môi trường.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Green i-Park cho biết, Công ty đã chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị theo đúng thiết kế để có thể tổ chức vận hành chạy thử đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng trước khi chính thức đưa vào hoạt động phục vụ xử lý nước thải cho các dự án thứ cấp sản xuất.

Dự kiến sau khi xây dựng và hoàn thiện vào cuối quý III năm nay, nhà máy xử lý nước thải sẽ trở thành tiện ích hạ tầng nổi bật của Green iP-1, không chỉ giúp các doanh nghiệp trong khu công nghiệp yên tâm sản xuất mà còn góp phần thu hút các nhà đầu tư mới.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải xem mô hình khu Liên Hà Thái
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải xem mô hình khu Liên Hà Thái

Điểm sáng trong thu hút đầu tư

Sau khi nhận chủ trương đầu tư của Chính phủ và chứng nhận đầu tư, KCN Green iP-1 đã thu hút 5 nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có 4 nhà đầu tư đang triển khai xây dựng nhà máy trên thực địa, gồm: Nhà máy Lotes Thái Thụy Việt Nam, nhà máy Ohsung Vina, nhà máy Greenworks và dự án của Công ty TNHH quốc tế Nam Tài Thái Bình. Các dự án này dự kiến trong năm nay sẽ xây dựng xong nhà xưởng chính thức đi vào sản xuất.

Ngày 20.5.2022, GiP ký biên bản ghi nhớ với KoreaSMT (Hàn Quốc) cho thuê 3 ha để triển khai dự án sản xuất linh kiện điện tử, các loại bảng mạch in cho sản phẩm, thiết bị và linh kiện điện tử, vốn đầu tư 21 triệu USD. GiP đang hỗ trợ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và KoreaSMT dự kiến xây dựng vào cuối năm 2022. Khi đi vào hoạt động, Dự án sẽ thu hút 1.000 lao động.

Tháng 8.2022, GiP đã thu hút thêm 2 dự án thứ cấp đầu tư vào khu công nghiệp Liên Hà Thái gồm dự án JingYang Electric (nhà đầu tư Hàn Quốc) sản xuất bản mạch PCB với tổng vốn đầu tư 21 triệu USD; ký MOU với Công ty An Thái thuê 2ha thực hiện dự án sản xuất phụ tùng ô tô, nước mát, nước đạm phục vụ cho ô tô với dự kiến tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.

Tính chung năm 2021, Công ty CP Green i-Park đã thu hút được 4 dự án, tổng vốn 440 triệu USD, góp phần đưa Thái Bình đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố về thu hút FDI. Đến thời điểm tháng 8.2022, Green i-Park đã thu hút được 471 triệu USD.

Trong chuyến khảo sát, kiểm tra tình hình đầu tư, xây dựng, hoạt động của Khu kinh tế Thái Bình vào đầu tháng 5.2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Khu kinh tế Thái Bình cần xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, liên thông, đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước và hạ tầng xã hội như nhà ở công nhân, hạ tầng môi trường.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Bình phải xác định người dân là đối tượng được hưởng lợi từ Khu kinh tế chứ không phải bị ảnh hưởng, bảo đảm đời sống của người dân đã nhường mặt bằng cho dự án đến nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước. Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh triển khai tốt việc xây dựng Khu kinh tế Thái Bình để rút kinh nghiệm, mở rộng mô hình này.

https://daibieunhandan.vn/Kinh-te-phat-trien/ky-vong-o-lien-ha-thai-i299794/

Ngày đăng: 09:31 | 15/12/2022

Vương Tâm / Đại biểu nhân dân