Đô thị thông minh sẽ nâng cao chất lượng sống với giao thông công cộng tiện lợi, giảm thiểu tác động của ngập nước, an tâm khi sử dụng thực phẩm…

Chiều 8-11, HĐND TP HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề góp ý đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025".

Những mối lợi dễ thấy

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Dương Anh Đức cho biết tầm nhìn về đô thị thông minh của TP đến năm 2025 là TP HCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị. Đề án có 4 mục tiêu gồm bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức. Bốn mục tiêu phục vụ 4 chủ thể của đô thị: chính quyền - người dân - doanh nghiệp - các tổ chức xã hội.

ky vong gi vao do thi thong minh

Xây dựng đô thị thông minh sẽ giảm thiểu tác động của ngập nước Ảnh: GIANG ANH

Theo ông Đức, đô thị thông minh sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần bảo đảm một môi trường thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn. Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích: sử dụng năng lượng với chi phí thấp; hệ thống giao thông công cộng tiện lợi; giảm thiểu tác động của ngập nước; dịch vụ y tế tốt hơn; an tâm khi sử dụng thực phẩm; học sinh có thể học tại các trường học đạt chuẩn chất lượng tốt; không khí trong lành, nguồn nước sạch; tỉ lệ tội phạm thấp và các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng. Bên cạnh đó, năng suất lao động được nâng cao khi người lao động được cung cấp các dịch vụ hạ tầng cơ bản để bảo đảm khả năng cạnh tranh tốt trên thương trường thế giới.

Muốn làm được điều đó, ông Đức cho biết TP đã đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên thực hiện. Đó là xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho TP; xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; thành lập trung tâm an toàn thông tin TP. Ngoài ra, còn đề xuất khung công nghệ thông tin và truyền thông cho đô thị thông minh của TP; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về tài chính; nhóm giải pháp khuyến khích sự tham gia của người dân; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và các giải pháp chuyên ngành theo từng lĩnh vực.

Phải để người dân tham gia đề án

Đại biểu HĐND TP Trần Quang Thắng cho rằng muốn có đô thị thông minh thì cần có chính quyền thông minh và người dân thông minh. Do đó, để đề án thành công cần có sự tham gia của người dân. Trong khi đó, đại biểu Phạm Quốc Bảo nêu tầm nhìn đặt người dân là trung tâm của đô thị nhưng vấn đề nhận thức của người dân về đô thị thông minh còn chưa sâu. Theo ông Bảo, nên có cuộc điều tra khảo sát xã hội học về mức độ nhận thức của người dân, mong muốn của họ đối với đô thị thông minh cũng như cần có bộ tiêu chí đánh giá đề án. Ngoài ra, các đại biểu cũng lưu ý ban điều hành đề án cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy được mình là trung tâm đô thị, tham gia giám sát quá trình xây dựng...

Làm rõ các vấn đề đại biểu HĐND TP đặt ra, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng nếu kinh tế - xã hội không phát triển tốt hơn thì đề án này không có ý nghĩa. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế - xã hội thì cần tổng hòa các giải pháp, trong đó đô thị thông minh là một giải pháp. Đô thị thông minh là một giải pháp công nghệ nhưng không thiếu đi nghĩa tình, không quên những tương tác giữa người với người, sự quan tâm của chính quyền một cách trực tiếp với người dân.

Ông Tuyến cũng khẳng định quá trình xây dựng, triển khai, nghiệm thu và tiếp tục phát triển đề án thì sự tham gia của người dân và xã hội là xuyên suốt, cần thiết và quyết định. Do đó, TP sẽ lắng nghe và trân trọng tất cả ý kiến đóng góp cho đề án. "Nếu không có sự góp ý, tương tác, tham gia trực tiếp của người dân thì đề án có hay, hiện đại và tốt thế nào đi chăng nữa thì cũng chỉ là một cỗ máy vô hồn, không phát huy được hiệu quả" - ông Tuyến nhấn mạnh.

TP HCM đang tụt hạng dần

Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM, cho rằng TP là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của cả nước nhưng so với các thành phố lớn trong khu vực vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách.

Cụ thể, khi so sánh với các đô thị khác trong khu vực Đông Nam Á trên 2 tiêu chí quan trọng là năng lực cạnh tranh và chất lượng sống, TP HCM đang đứng cuối bảng trong 12 thành phố. Trong phạm vi quốc gia, ông Đức cảnh báo vị thế dẫn đầu của TP cũng đang trên đà suy giảm. Bằng chứng là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP trong vài năm qua đang có dấu hiệu chững lại, tụt hạng dần so với các TP khác. "TP đang đối mặt với bài toán làm thế nào để tiếp tục duy trì cũng như phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước trong thời gian tới. Trong khi đó, quy hoạch, quản lý đô thị và kết cấu hạ tầng TP chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa, cải thiện dân sinh, bảo vệ môi trường. Chất lượng giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập" - ông Đức nói.

Theo ông Đức, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là TP đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Do đó, đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh sẽ xác định các thách thức chính hiện nay và đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách tận dụng thành tựu của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần giúp TP vượt qua các thách thức.

ky vong gi vao do thi thong minh Người dân TP HCM quản lý được chính quyền qua \'thành phố thông minh\'

Bí thư Thành ủy TP HCM nói, đô thị thông minh sẽ giúp lãnh đạo có tầm nhìn xa, còn người dân quản lý được ...

ky vong gi vao do thi thong minh Để TPHCM trở thành đô thị thông minh, tốc độ xây đường phải gấp 7 lần

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã khai mạc sáng 18.8. Ủy viên ...

http://nld.com.vn/thoi-su/ky-vong-gi-vao-do-thi-thong-minh-20171108215122462.htm

Ngày đăng: 08:50 | 09/11/2017

/ Phan Anh/nld.com.vn