Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội cho rằng, đợt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội lần này phải làm sao để có được một “bản giao hưởng quy hoạch chất lượng cao” góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
- PV: Sau 10 năm triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là QHC1259), Hà Nội đang lập điều chỉnh tổng thể Đồ án này, chủ trương này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới bức tranh đô thị của Hà Nội trong những năm tới, thưa ông?
- TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội: Trong quá trình triển khai thực tế, QHC1259 đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp nên việc điều chỉnh là cần thiết. Việc điều chỉnh này còn nhằm mục tiêu rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch sau 10 năm để rút ra bài học cần thiết và định hướng cho giai đoạn tiếp theo, gắn với bối cảnh xu thế phát triển mới. Việc nghiên cứu, điều chỉnh tổng thể lần này nhằm thực hiện định hướng đưa Hà Nội trở thành thành phố xanh - thông minh - hiện đại và cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2025.
Việc Hà Nội vừa tổ chức lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là quyết sách rất sáng tạo của Thành ủy, UBND TP. Điều chỉnh tổng thể QHC1259 sẽ tác động đến 5 nhóm vấn đề, bao gồm mô hình chùm đô thị, quy mô dân số, tốc độ đô thị hóa, khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật liên kết vùng. Mỗi yếu tố có mục tiêu nhất định, song tổng hòa được xem như bản giao hưởng quy hoạch chất lượng cao góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
- Sau gần 10 năm triển khai QHC1259, Hà Nội mới phê duyệt được quy hoạch 4 quận lõi (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng), dự báo trong năm 2022, việc thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu này có tạo ra được sự khởi sắc cho đô thị trung tâm Thủ đô?
- Trong định hướng phát triển, chúng ta đã khẳng định, phải xây dựng Hà Nội không chỉ là Thủ đô xứng tầm của cả nước mà còn phải là đô thị có vị trí ở khu vực và trên thế giới. Một đô thị muốn có sức cạnh tranh, muốn phát triển lớn mạnh không phải chỉ hòa đồng với các đô thị khác mà còn phải tạo ra được bản sắc riêng. Bản sắc riêng ở đây chính là một Hà Nội xanh, nhưng cái xanh không chỉ là nông nghiệp, lâm nghiệp mà còn phải thể hiện ở việc bảo tồn, phát huy giá trị của các khu nội đô cũ.
Sau gần 10 năm chờ đợi, Hà Nội đã có quy hoạch phân khu tại 4 quận “lõi” để tiến hành công tác đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế, đô thị, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, việc thực hiện quy hoạch phân khu nội đô lịch sử rất khó khăn, phức tạp. Các quy hoạch phân khu vừa được công bố đều có thời gian nghiên cứu dài, có quy hoạch đã được đề cập từ 20 năm trước như quy hoạch khu vực Hồ Gươm, khu phố cổ, khu phố cũ… nhưng chậm được phê duyệt
Các quy hoạch này đi vào cuộc sống sẽ giúp Hà Nội giải quyết được những thách thức lớn đang phải đối mặt. Đây sẽ là cơ sở để thành phố di dời cơ sở sản xuất, đào tạo, y tế không phù hợp. Từ đó, có thêm không gian để tái thiết, xây dựng các công trình công cộng, không gian xanh. Đồng thời kiểm soát các khu vực xây dựng cao tầng, sự gia tăng dân số cơ học… Đặc biệt, đồ án này sẽ giúp việc cải tạo các chung cư cũ thêm thuận lợi, giải quyết được “bài toán” khó tồn tại rất lâu ở Thủ đô.
Quy hoạch phân khu là cơ sở pháp lý ban đầu, sau đó chính quyền các quận phải triển khai tiếp những quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị tại các ô quy hoạch để cấp phép xây dựng, cụ thể hóa định hướng của quy hoạch phân khu.
- Hà Nội mong muốn có sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô trong khi dư luận còn nhiều ý kiến khác, quan điểm của ông về vấn đề này?
- Đồng ý cần xây dựng sân bay thứ hai nhưng việc lựa chọn vị trí phải nghiên cứu thấu đáo. Hà Nội từng đề xuất vị trí sân bay thứ hai Vùng Thủ đô ở huyện Ứng Hòa, các đề xuất khác như tại huyện Lý Nhân của tỉnh Hà Nam hay Thanh Miện và Bình Giang của Hải Dương đều vấp phải nhiều vướng mắc. Sân bay không thể đặt đâu cũng được mà còn phải phù hợp với đường bay trên trời; Phải kết nối với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đặc biệt còn phải tính đến việc bảo đảm an ninh, quốc phòng, đặc biệt là phải đảm bảo liên kết vùng và tầm nhìn lâu dài.
- Hà Nội sắp triển khai gấp rút nhiều công trình hạ tầng lớn trong thời gian tới như đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, đây sẽ là những điểm đột phá lớn đối với đô thị Hà Nội, thưa ông?
- Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được phê duyệt quy hoạch từ năm 2011. 10 năm qua, do rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thiếu nguồn lực nên dự án chưa thể triển khai, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của Hà Nội và Vùng Thủ đô.
Trong xu thế phát triển của đất nước, việc đẩy mạnh liên kết vùng và tạo các động lực để phát triển vùng là yêu cầu tất yếu. Việc xây dựng Vành đai 4, tiến tới đầu tư Vành đai 5 chính là lối thoát chiến lược, không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, tăng khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, mà còn giúp Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch; tạo điều kiện để Thủ đô và các địa phương đẩy mạnh phát triển cả khu vực đô thị và nông thôn, thu hút đầu tư mạnh mẽ.
- UBND TP Hà Nội vừa ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”, đây có thể xem là dấu mốc quan trọng để chấm dứt sự ì ạch của các dự án “nâng đời” tập thể cũ tại Hà Nội?
- Việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội suốt 2 thập kỷ qua diễn ra rất chậm. Các quy hoạch chung của Hà Nội qua nhiều thời kỳ đều đặt nhiệm vụ cải tạo chung cư cũ, song đến nay mới thực hiện được khoảng 1,2%. Nguyên nhân chính là do chưa thống nhất được lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 69/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Hà Nội cũng ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội” với mục tiêu đến năm 2045 sẽ cơ bản hoàn thành công tác này.
Với quy định mới, chủ căn hộ chung cư phải cải tạo, xây dựng lại sẽ được tái định cư, giải quyết chỗ ở tạm thời, lựa chọn hình thức bồi thường, yêu cầu chủ đầu tư thanh toán tiền chênh lệch bồi thường và rất nhiều quyền lợi khác. Những thay đổi về chính sách này được kỳ vọng gỡ được các nút thắt, phá thế “giậm chân tại chỗ” trong việc cải tạo chung cư cũ suốt 20 năm qua.
Tuy nhiên, để thay đổi diện mạo của Thủ đô, việc cải tạo chung cư cũ phải gắn liền với quy hoạch chung của thành phố kết nối với các khu chức năng đô thị hiện hữu, phát huy tối đa nguồn lực đất đai đô thị. Bên cạnh đó, trong số các khu chung cư được xây dựng giai đoạn 1955 - 1960 cũng có công trình có dấu ấn riêng về kiến trúc. Vì vậy, trong quá trình cải tạo, xây dựng lại, cần có sự quan tâm, nâng tầm giá trị bảo tồn di sản của Hà Nội.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Điều chỉnh quy hoạch Thủ đô Hà Nội - bức tranh đô thị sẽ thay đổi theo hướng nào?
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại ... |
Ngày đăng: 08:27 | 02/02/2022
/ www.anninhthudo.vn