Cho đến bây giờ, đã gần 4 năm trôi qua, nhưng Tổng giám đốc Nguyễn Quỳnh Lâm vẫn nhớ như in vào một ngày đầu tháng 2-2009, anh được Tổng giám đốc PVN Trần Ngọc Cảnh và anh Phùng Đình Thực, anh Đỗ Văn Hậu (khi đó là Phó tổng giám đốc) gọi lên để trao đổi về Dự án Biển Đông 01, đồng thời ngỏ ý muốn điều Lâm sang làm Tổng giám đốc Biển Đông POC.
Tình hình chung của dự án này thì Lâm chẳng lạ gì và anh cũng hiểu rất rõ cả “biển” khó khăn mà vì nó, những công ty sừng sỏ nhất thế giới như BP, Conoco Phillips cũng phải ra đi tay trắng. Nhưng trước quyết tâm của những người mà bấy lâu nay Lâm không chỉ coi các anh là lãnh đạo mà còn là những người Anh, người Thầy, Nguyễn Quỳnh Lâm đã nhận lời.
Tổng giám đốc Trần Ngọc Cảnh, anh Thực, anh Hậu thì chỉ cho Lâm có một quyền, ấy là được lựa chọn người cho dự án này. Có thể nói, đây là một quyết định rất táo bạo và thể hiện sự tin tưởng cao của lãnh đạo Tập đoàn đối với Lâm. Và cho đến bây giờ, khi mà dự án đã hoàn thành tới 99% công việc thì chưa có trường hợp nào Lâm đề xuất về nhân sự mà bị lãnh đạo từ chối.
Nguyễn Quỳnh Lâm được lãnh đạo Tập đoàn chọn lựa là bởi vì anh từng chỉ huy nhiều đơn vị mà công việc chính là thăm dò, khai thác và là thế hệ lãnh đạo trẻ của các đơn vị thành viên.
Tổng giám đốc Nguyễn Quỳnh Lâm |
Đội ngũ lãnh đạo trẻ này bên cạnh được đào tạo cơ bản tại các trường dầu khí danh tiếng thì họ có một ưu thế mà các thế hệ cha anh chưa có điều kiện, ấy là được tiếp xúc với những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới trong khoan, thăm dò, khai thác; được làm việc với các chuyên gia giỏi ở các liên doanh; giỏi ngoại ngữ. Họ còn có may mắn nữa là được truyền dạy nghề từ các cán bộ dầu khí thế hệ trước. Nguyễn Quỳnh Lâm cũng như nhiều lãnh đạo của các đơn vị chủ lực PVEP, PV Drilling, PTSC… bây giờ đều trưởng thành từ cơ sở và trước khi làm chỉ huy thì họ đều biết làm việc như một người thợ từ quét sơn, cạo gỉ, biết cách vặn một con bulong cho đúng, biết khuân vác những ống khoan…
Năm 2000, khi mới 34 tuổi, Lâm đã là Trưởng phòng Thăm dò của Tổng PVEP. Nếu nói PVEP là đơn vị chủ lực đảm nhiệm một trong năm lĩnh vực cốt lõi của PVN thì Phòng Thăm dò là phòng chủ lực của PVEP. 36 tuổi, anh được đề bạt làm Tổng giám đốc Công ty Điều hành chung Trường Sơn (Trường Sơn JOC). Khi 40 tuổi, anh được đề bạt là Giám đốc Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí PVEP và sau đó là Trưởng ban Khai thác Dầu khí của Tập đoàn.
Mấy ngày sau cuộc gặp đó, Tổng giám đốc Trần Ngọc Cảnh bay vào TP Hồ Chí Minh để trao quyết định bổ nhiệm Nguyễn Quỳnh Lâm làm Tổng giám đốc Biển Đông POC.
Có 3 người nữa cũng được đưa về từ những ngày đầu tiên là Trần Việt Dũng, Phó ban Thương mại Thị trường Tập đoàn - làm Phó tổng phụ trách Thương mại và Hợp đồng; Trần Hồng Nam, Phó phòng Khai thác Thăm dò của Liên doanh Cửu Long JOC - làm Phó tổng phụ trách Kỹ thuật; và Phan Văn Thiện - Kế toán trưởng. Hồi ấy, ở Tập đoàn, người ta nói vui về nhóm 4 người này là nhóm “Tứ tử trình làng”.
Trần Hồng Nam là Tiến sĩ Dầu khí. Trước đó, anh là giảng viên khoa dầu khí của một trường đại học ở Australia. Đang là giáo viên, mọi chế độ lương bổng, đãi ngộ cao ngất ngưởng, vợ và con cũng ở với chồng, mọi thứ ổn định, bạn bè cũng muốn anh ở lại, nhưng Nam đã từ bỏ để trở về Việt Nam và vào PVEP, rồi được đưa sang Cửu Long JOC.
Ngay sau khi nhận quyết định, 4 người đến văn phòng BP nhận tài liệu về đọc, khai thác và lên phương án.
(Bây giờ, anh Nguyễn Quỳnh Lâm là Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí VIỆT NAM, anh Trần Hồng Nam là TGĐ Biển Đông POC – N.N.P )
Phải mất hai tháng, đọc hàng chục ngàn trang tài liệu của BP để lại, Trần Hồng Nam mới thấy hết được bức tranh toàn cảnh khu mỏ mà BP đã vẽ ra là rất chân thực và những nỗi lo của BP trước đây là có lý. Về loại mỏ đặc biệt như thế này, khi Nam đi học và làm thầy giáo, hầu như không có tài liệu gì phục vụ cho giảng dạy. Lục tìm các kho tư liệu của các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới cũng chẳng thu được gì đáng kể. Lý do không có tài liệu là rất đơn giản, vì mỏ này có nhiệt độ và áp suất quá cao, sự rủi ro khi khai thác là vô cùng lớn cho nên trên thế giới, nếu gặp loại mỏ này là họ bỏ lại.
Nhận nhiệm vụ của lãnh đạo Tập đoàn giao cho, Nguyễn Quỳnh Lâm lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Nhưng sau khi cân nhắc, anh thấy khả năng là hoàn toàn làm được, nhưng với điều kiện phải có thêm chuyên gia giỏi. Tổng giám đốc Trần Ngọc Cảnh ngày ấy biết rất rõ điều đó nên đã “quyết” luôn cho cơ chế thu hút chuyên gia riêng. Dự án khởi động được một thời gian ngắn thì Tổng giám đốc Trần Ngọc Cảnh được nghỉ theo chế độ và việc chỉ đạo giao Tổng giám đốc Phùng Đình Thực. Ông là người tạo động lực cho cả guồng máy đang chạy hết công suất bằng cách tháo gỡ tất cả những rào cản của những chế độ, chính sách đã tồn tại từ lâu nay và không còn phù hợp với thực tế của dự án. Trực tiếp chỉ đạo dự án là Phó tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Thập chỉ đạo thực hiện các hợp đồng kinh doanh. Tổng giám đốc PVEP ngày ấy nay là Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn chỉ đạo về chuyên môn.
Lãnh đạo Tập đoàn cũng huy động vào đây những cán bộ, chuyên gia giỏi để giúp cho Ban Quản lý Dự án.
Chính vì vậy, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, đến tháng 6-2010 đã hoàn thành kế hoạch phát triển mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 21-6-2010: Lễ cắt tấm thép đầu tiên khởi công chế tạo các giàn đầu giếng tại công trường của Vietsovpetro và Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí - PTSC.
Ngày 12-7-2010, bắt đầu khởi công chế tạo giàn xử lý trung tâm tại cảng hạ lưu của PTSC.
Dồn dập trong một thời gian ngắn, các hợp đồng dịch vụ được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Các đơn vị như PV Drilling, PTSC, VPI, PV EIC, Petrosetco và “người Anh cả” của ngành Dầu khí Việt Nam là Vietsovpetro đã cung cấp các dịch vụ thiết kế tổng thể và chi tiết, dịch vụ đánh giá tác động của môi trường, cung ứng nhân lực, bảo hiểm và đăng kiểm...
Việc chế tạo giàn khoan Mộc Tinh được giao cho Vietsovpetro, còn Công ty Cổ phần Dịch vụ Dịch vụ Cơ khí Hàng hải (PTSC M&C) đảm nhiệm khối lượng công việc khổng lồ nhất là chế tạo giàn Hải Thạch và giàn xử lý trung tâm PQP-HT.
Nhận nhiệm vụ Tập đoàn giao cho, “người Anh cả” Vietsovpetro và PTSC M&C đã tập trung vào đây những chuyên gia giỏi nhất và những người thợ lành nghề nhất. Lãnh đạo các đơn vị này cũng đứng trước một thách thức chưa từng có - ấy là chế tạo giàn khoan ở độ sâu trên 140m nước.
Hàng chục năm qua, Vietsovpetro chế tạo giàn thường ở mức trên năm chục mét. Ở ngoài biển, cứ thêm một chục mét độ sâu là phải thay đổi hàng loạt vấn đề trong thiết kế và thiết bị. Một người đứng xuống biển, nước đến đầu gối thì khác, nhưng chỉ cần nước ngập đến thắt lưng là… đừng đùa! Không khéo chết đuối như chơi. Biển cả là thế đấy. Con người chưa bao giờ chế ngự được sóng biển, mà chỉ nghĩ kế chống chọi lại mà thôi.
PTSC M&C là một trong những tổng thầu EPCI (Engineering, Procurement; Construction and Installation - Installation là lắp đặt trên biển) hàng đầu của Việt Nam và của khu vực Đông Nam Á. Tập đoàn dầu khí lớn nhất Đông Nam Á là Petronas của Malaysia đã xếp PTSC M&C vào các công ty có trình độ chế tạo cơ khí đạt chuẩn quốc tế. PTSC M&C đã thực hiện 40 dự án lớn và hầu hết là trên biển, trong đó, đáng nể nhất là Dự án giàn Hải Sư Đen; giàn Thăng Long và Đông Đô của Thăng Long JOC; Dự án Sư Tử Đen Đông Bắc… rồi Dự án chế tạo Module máy nén khí cho mỏ Lan Tây của BP…
Lãnh đạo của PTSC và nhất là đơn vị chủ công PTSC M&C thì gần như bám trụ, ăn ngủ tại công trường chế tạo. Hình ảnh Giám đốc PTSC M&C Phan Thanh Tùng cùng các cộng sự quần quật suốt ngày đêm ngoài công trường đã in sâu trong trí nhớ của tất cả những ai đã tham gia Dự án Biển Đông 01.
Trong dự án này, phần việc giao cho PTSC M&C là nặng nhất, chiếm tới 3/4 khối lượng. Và mặc dù đã thi công nhiều công trình biển, từng làm nhiều giàn có khối lượng lên đến 2.000 tấn, hoặc như bộ chân đế cho mỏ Chim Sáo nặng 4.000 tấn, nhưng đối với giàn công nghệ xử lý khí thì đây là lần đầu tiên Việt Nam tự chế tạo. Trước đây, các giàn công nghệ đều do nước ngoài làm. Chính vì vậy, khi biết tin PVN tự chế tạo, lắp đặt giàn công nghệ, nhiều tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đã rất ngạc nhiên và thậm chí họ còn… thách đố.
Khi bắt tay vào làm, nhiều lãnh đạo PTSC M&C thấy choáng ngợp, bởi công trình này lớn quá, vĩ đại quá và là công trình chưa bao giờ các anh nghĩ chúng ta có thể làm được.
Để thực hiện dự án này, PTSC M&C đã đưa 50 kỹ sư sang Malaysia để cùng họ thiết kế. Đây là cách làm rất hay của lãnh đạo PTSC M&C, bởi vì các kỹ sư này, khi tham gia thiết kế từ đầu, lúc về họ lại chỉ huy thi công lắp đặt, như vậy anh em sẽ rất hiểu công việc. Ban Dự án Biển Đông 01 của PTSC M&C có 500 người, đảm nhiệm nhiều loại công việc khác nhau, nhưng tất cả đều có trình độ từ đại học trở lên.
Có những thời điểm mà trên công trường có tới 3.000 cán bộ, kỹ sư và công nhân lao động tay nghề cao làm việc suốt ngày đêm. Cũng phải nói thêm rằng, toàn bộ thiết kế chi tiết, mua sắm thiết bị và thi công chế tạo trên bờ do đội ngũ cán bộ, công nhân viên người Việt đảm nhiệm và trong khoảng thời gian là 30 tháng. Các chuyên gia và những người thợ tài ba của PTSC M&C đã có những giải pháp kỹ thuật hết sức tài tình trong việc gia cố mặt bằng sản xuất (nền bãi) để tăng sức chịu tải từ 4 tấn lên 53 tấn trên một mét vuông và đặt đường trượt hạ thủy chịu được tải trọng 1.720 tấn trên một mét chiều dài. Chỉ có nền bãi này, các cần cẩu có sức nâng 1.200 tấn mới nhấc được các khối thượng tấn nặng hàng ngàn tấn. Đây là một kỷ lục mà rất ít nhà thầu trên thế giới làm được.
Kỳ tích mới ở Biển Đông của PVN (Kỳ 2) Trở lại một chút lịch sử của dự án. Từ năm 1992, hãng dầu khí nổi tiếng thế giới BP của Anh đã phát hiện ... |
Kỳ tích mới ở Biển Đông của PVN (Kỳ 1) Sau gần 5 năm năm đi vào khai thác thương mại, tính đến 31/1/2018, Dự án Biển Đông 01 đã khai thác được hơn 8 ... |
Ngày đăng: 06:30 | 03/03/2018
Nguyễn Như Phong / Theo Đoạn trường tìm dầu