Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã ghép tạng thành công từ một người chết não, mang lại sự sống và ánh sáng cho nhiều bệnh nhân
Lần đầu tiên ca ghép phổi từ người chết não hiến tặng vừa được Bệnh viện (BV) Trung ương Quân đội 108 (TP Hà Nội) thực hiện thành công. Ca ghép này đánh dấu bước tiến lớn trong lĩnh vực ghép tạng và mở ra các hướng ghép khối tim - phổi, tử cung, ruột, khối chi thể... ở Việt Nam.
Hiến, ghép tạng thành công cho 6 người
Ngày 16-3, BV Trung ương Quân đội 108 thông báo thực hiện thành công ca ghép phổi lần đầu tiên tại Việt Nam. Nguồn tạng hiến là một người đàn ông 45 tuổi chết não, được gia đình đồng ý hiến tạng. Các bác sĩ đã thực hiện ca ghép phổi, ghép 1 quả thận và ghép giác mạc cho 4 bệnh nhân. Cùng đó, trái tim và quả thận còn lại được bảo quản, vận chuyển bằng máy bay vào TP HCM để ghép cho 2 bệnh nhân tại BV Chợ Rẫy.
GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV Trung ương Quân đội 108, cho biết ca ghép phổi được thực hiện vào ngày 26-2. Bệnh nhân Trần Ngọc Hanh - 54 tuổi, ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định - bị suy hô hấp nặng do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Tình trạng của bệnh nhân rất nghiêm trọng, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Ghép phổi là cơ hội duy nhất để giành lại sự sống cho người bệnh. Ca ghép phổi kéo dài gần 8 giờ bởi các giáo sư, y - bác sĩ BV Trung ương Quân đội 108 và sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu về ghép tạng của Pháp, Bỉ. Đến thời điểm này, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tự thở, huyết động ổn định, 2 phổi sáng. Bệnh nhân đã tự đi lại trong phòng. Bệnh nhân này cũng được miễn phí toàn bộ chi phí ghép tạng.
Gần 20 ngày kể từ khi ông Trần Ngọc Hanh được ghép 2 lá phổi, gia đình vẫn chưa hết ngạc nhiên trước kỳ tích mà các bác sĩ BV Trung ương Quân đội 108 tạo nên. Anh Nguyễn Hùng Mạnh, con rể của ông Hanh, cho biết trước khi được ghép phổi, bố anh bị suy hô hấp nặng do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối, thường xuyên thở ôxy và nhiều lần phải cấp cứu. "Lúc đầu, các bác sĩ đề cập ghép phổi, gia đình rất hoang mang nhưng đến nay, cả nhà đều thở phào vì bố tôi bảo sức khỏe đã ổn định. Cá nhân tôi cũng tự nhủ nếu chết đi hoặc chết não, tôi sẵn sàng hiến tạng" - anh Mạnh chia sẻ.
Các giáo sư, bác sĩ đánh giá sức khỏe bệnh nhân sau ca ghép phổi Ảnh: Khánh Anh
Sẽ ghép tử cung, chi thể
Ghép tạng tại Việt Nam đã có lịch sử 25 năm, các ca ghép thận, gan, tim, tụy, giác mạc... đã thành công; riêng ghép phổi vẫn là một thách thức rất lớn với nền y học Việt Nam. Theo GS-TS Mai Hồng Bàng, ghép một phần phổi từ người cho sống đã khó, ghép 2 lá phổi từ người cho chết não còn khó khăn hơn bởi tính chất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu, điều phối nhanh và chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Để chuẩn bị cho ca ghép phổi đầu tiên này, trong 3 năm, BV Trung ương Quân đội 108 đã cử các y - bác sĩ sang Pháp, Nhật, Hàn Quốc... để học hỏi kinh nghiệm và thực nghiệm trên 15 cặp động vật cho đến khi thành công. "Đây không chỉ là ca ghép phổi từ người cho chết não đơn thuần mà là trường hợp ghép đa tạng xuyên Việt cho nhiều người trong cùng một thời gian ngắn. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, quả tim và 1 quả thận đã được vận chuyển trên 2 chuyến bay khác nhau vào TP HCM ghép cho bệnh nhân tại BV Chợ Rẫy. Vì thời gian tốt nhất để ghép tim là 6 giờ nên khi đến sân bay Tân Sơn Nhất đã có CSGT dẫn đường để bảo đảm chất lượng quả tim ghép cho bệnh nhân được tốt nhất. Đến nay, sức khỏe cả 6 bệnh nhân được ghép tạng và nhận giác mạc đều tiến triển rất tốt" - GS-TS Bàng chia sẻ.
Thành công của ca ghép phổi đầu tiên lấy từ người cho chết não ở Việt Nam tại BV Trung ương Quân đội 108 là sản phẩm đặc biệt của đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia. GS-TS Mai Hồng Bàng cho biết sau thành công này, BV sẽ tiếp tục nghiên cứu hướng ghép tử cung, khối tim - phổi, ruột và khối chi thể trên người vào năm 2021. Ghép tử cung là mang lại cơ hội được làm mẹ cho nhiều phụ nữ không may. "Đây là kỹ thuật khó nhưng ý nghĩa nhân văn rất lớn. Chúng tôi sẽ nghiên cứu theo hướng tử cung của người đã mãn kinh khi ghép vào cơ thể người nhận vẫn có thể mang thai, sinh con bình thường. Cùng đó, kỹ thuật ghép khối chi thể là lấy chân hoặc tay của người cho chết não ghép cho người đã bị cắt cụt chi... Tuy nhiên, phần lớn người Á Đông quan niệm là phải "chết toàn thây" thì việc hiến một phần cơ thể sẽ gặp khó khăn nhưng chúng tôi hy vọng người dân sẽ nhận thức được tính nhân văn này. Chết không hẳn là hết mà đó sự sống được "gửi lại" cho những người khác" - GS-TS Bàng nói.
Một người chết não hiến tạng có thể cứu 10 người
Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt - BV Mắt trung ương, sau ca hiến giác mạc đầy cảm động của bé Hải An (7 tuổi, ở TP Hà Nội) qua đời vì bệnh ung thư, Ngân hàng Mắt liên tục nhận các ca đăng ký hiến giác mạc. Bên cạnh đó, có hàng ngàn người đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (đặt tại BV Việt Đức và BV Chợ Rẫy) đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác (gan ghép cho 2 người, giác mạc 2, thận 2, tim 1, phổi 1, ghép tụy 1, ghép ruột 1 và da 1).
Muốn tự nguyện hiến tạng, 17 triệu đồng xùy ra
Muốn hiến tạng mà không tốn tiền, bạn phải là người đã chết. Sự thật này có thể gây sốc, nhưng thực tế là vậy. ... |
Ca ghép phổi đầu tiên từ người chết não ở Việt Nam
Một người đàn ông chết não 45 tuổi hiến toàn bộ tạng, cứu sống 6 bệnh nhân đang đứng trước "cửa tử". |
Bé Hải An hiến giác mạc: “Thiên sứ” của tình yêu cuộc sống
Vào đầu năm mới Mậu Tuất, câu chuyện bé Hải An (Hà Nội) trước khi qua đời vì bệnh ung thư đã đồng ý hiến ... |
Bệnh nhân được ghép giác mạc: \'Tôi như sinh ra lần nữa\'
Hai bệnh nhân vừa được nhận giác mạc từ cùng một người hiến tặng, vỡ òa sung sướng khi một lần nữa được nhìn thấy ... |
Ngày đăng: 15:00 | 17/03/2018
/ https://nld.com.vn