Về phương án tổ chức kỳ thi giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GD-ĐT đề xuất sẽ chịu trách nhiệm chung, các địa phương chịu trách nhiệm toàn bộ trong tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định của Luật Giáo dục.
Đề xuất giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, phương hướng nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 đối với lĩnh vực GD-ĐT của Bộ GD-ĐT tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa qua, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tổng kết rút kinh nghiệm và xin ý kiến các sở GD-ĐT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án tổ chức kỳ thi giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, Bộ chịu trách nhiệm chung, các địa phương chịu trách nhiệm toàn bộ trong tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định của luật Giáo dục; cơ sở giáo dục ĐH tự chủ và chịu trách nhiệm về tuyển sinh theo quy định của luật Giáo dục ĐH. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; đề thi được điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu, hình thức tổ chức kỳ thi.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, thành viên tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục, cho rằng định hướng về kỳ thi là đúng nhưng giao cho địa phương theo hướng phân cấp, phân quyền trong tổ chức thi, còn việc ra đề thi Bộ vẫn nên chịu trách nhiệm trong 1 - 2 năm tới.
Theo ông Tùng Lâm, việc ra đề theo hướng chuẩn hóa, xây dựng đề dựa trên ma trận, đặc tả không thể nói là làm ngay được mà cần có nhân lực được đào tạo, tập huấn bài bản, cần có đủ thời gian chuẩn bị để mỗi địa phương có ngân hàng đề thi đủ lớn. “Năng lực ra đề không đồng đều ở các nhà trường, địa phương thì không thể dùng kết quả ấy để xét công nhận tốt nghiệp và có thể cả tuyển sinh ĐH, CĐ được vì đó là kết quả phản ánh không chính xác”, ông Tùng Lâm nói.
Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), cũng cho rằng Bộ vẫn nên đảm nhận việc ra đề thi trong giai đoạn chuyển tiếp này. Ông Ngọc đánh giá cao cách ra đề thi năm 2020 và cho rằng đó là hướng đi đúng với mục tiêu của kỳ thi này.
“Nếu giao ngay cho các sở GD-ĐT thì có phải sở nào cũng đủ nguồn lực để làm hay không? Nếu Bộ đang sẵn ngân hàng câu hỏi, đang sẵn nguồn lực để ra đề thì tại sao phải giao cho địa phương ra đề trong khi mục tiêu hướng tới là đề thi phải công bằng về độ khó, dễ trên cả nước?”, ông Ngọc nêu vấn đề.
Ông Ngọc cho rằng hoặc Bộ chịu trách nhiệm ra đề như hiện nay, hoặc các địa phương sử dụng ngân hàng đề do Bộ cung cấp.
Giữ ổn định thi trên giấy, thí điểm thi trên máy tính
Cũng theo báo cáo đề xuất của Bộ, hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn là thi trên giấy; đồng thời triển khai thí điểm để mở rộng dần thi trên máy tính. Đối với thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và có thể được các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu). Bộ sẽ tổ chức xây dựng và ban hành tiêu chuẩn tổ chức thi trên máy tính; tổ chức thẩm định và giám sát việc đảm bảo các quy định về tổ chức thi trên máy tính đối với các địa phương đáp ứng tiêu chuẩn.
Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; gồm 3 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, hoặc Khoa học xã hội. Hình thức thi kết hợp cả thi trên giấy như năm 2020 lẫn thi trên máy tính. Các địa phương được khuyến khích tổ chức thi trên máy tính khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện, ngân hàng câu hỏi, nhân lực, thiết bị, quy trình…
Bộ GD-ĐT đưa ra lộ trình thực hiện gồm 4 bước, trong đó năm 2020: Quyết định và công bố lộ trình triển khai để các bên liên quan biết, chủ động kế hoạch triển khai, nhất là đối với cơ sở giáo dục đào tạo và cơ sở giáo dục đại học.
Năm 2021, tổ chức thi ổn định như năm 2020.
Từ năm 2022, tổ chức thi cơ bản như năm 2020, từng bước triển khai thi trên máy tính (với các địa phương đủ điều kiện) và giao các địa phương đủ điều kiện xây dựng, sử dụng ngân hàng câu hỏi, đề thi phù hợp với điều kiện địa phương.
Từ năm 2023, chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, đề thi phục vụ cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2025 với các hình thức thi trên máy tính do địa phương chủ trì toàn diện.
Xét công nhận tốt nghiệp chỉ sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không kết hợp sử dụng kết quả học tập lớp 12 của thí sinh như trước đây.
PV (th)
Thí sinh Đà Nẵng đạt 30 điểm khối B, soán ngôi thủ khoa toàn quốc |
Công bố điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 2 từ 0h ngày mai 16/9 |
Một thí sinh tăng 22,5 điểm thi tốt nghiệp THPT sau phúc khảo |
Ngày đăng: 10:27 | 24/09/2020
/ Nghề nghiệp và cuộc sống