Giới trẻ Hàn Quốc học "liều mạng" để vào được trường đại học hàng đầu, đây là bước đệm để làm việc ở các tập đoàn lớn - mục tiêu cuối cùng với nhiều người Hàn Quốc.
Vào ngày 18/11 hàng năm, cả Hàn Quốc sẽ chìm trong bầu không khí trầm lặng và căng thẳng, bởi đây là ngày diễn ra sự kiện mang ý nghĩa trọng đại đối với cuộc đời của tất cả học sinh ở quốc gia này: Kỳ thi tuyển sinh đại học Suneung (CSAT).
Mỗi năm vào khoảng thời gian này, người thân của các thí sinh sẽ đổ về đền Jogyesa ở quận Jongno (Seoul) để cầu nguyện cho con cháu của họ thi cử đỗ đạt. Thông thường, thời gian cầu nguyện kéo dài tới 100 ngày - độ dài của nghi lễ phản ánh tầm quan trọng của kỳ thi.
Thời gian diễn ra kỳ thi này cũng đặc biệt dài, các học sinh phải làm một loạt bài kiểm tra tiếng Hàn, toán, tiếng Anh, lịch sử, khoa học,... trong 8 giờ.
Điểm số của các môn thi sẽ quyết định phần lớn cuộc sống của học sinh sau này - từ trường đại học họ theo học cho đến công việc, thu nhập và thậm chí cả đời sống tình cảm. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghi vấn về hiệu quả của kỳ thi này, cũng như những tác động tiêu cực của nó lên đời sống tinh thần của thanh thiếu niên.
Điểm số của các môn thi đại học sẽ quyết định phần lớn cuộc sống của học sinh Hàn Quốc sau này. (Ảnh: Reuters) |
Các nhà phê bình cho rằng Suneung ngày nay đã biến chất thành một thước đo về sự giàu có, dường như bài kiểm tra không còn chỉ đánh giá năng lực của học sinh mà còn là cuộc thi xem cha mẹ của ai có đủ kinh tế cho con theo học ở các lò luyện nổi tiếng. Cách ôn thi kiểu “học vẹt” cũng khiến học sinh bị thui chột tính sáng tạo.
Đồng thời, Suneung cũng bị cho là nguyên nhân tạo nên hệ thống phân loại “người chiến thắng” và “kẻ thua cuộc” ngay từ khi còn nhỏ ở Hàn Quốc. Trước áp lực đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi kỳ thi này thường liên quan đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần, thậm chí là các vụ tự tử, ở giới trẻ.
"Suneung đang phá hủy nền giáo dục trường học"
Tại Hàn Quốc, trong khi các trường học dạy theo chương trình giảng dạy do chính phủ quy định, thì kỳ thi Suneung lại bao gồm những nội dung riêng nằm ngoài chương trình học. Vì vậy, các bậc phụ huynh phải đầu tư mạnh cho con em theo học các cơ sở luyện thi bên ngoài, còn học sinh thì bỏ bê bài vở trên lớp để đi học thêm.
Học sinh lớp 12 ở Hàn Quốc thường kiếm cớ nghỉ học để dành thời gian luyện thi. Khi lên lớp thì các em lại mệt mỏi, buồn ngủ do phải học tới khuya. Thậm chí, nhiều học sinh còn bỏ học để tập trung ôn thi.
Theo Cơ quan Thống kê Giáo dục Hàn Quốc, trong số 509.821 thí sinh đăng ký thi Suneung năm nay, 14.277 em đã bỏ học hoặc không đi học thường xuyên.
“Suneung đang phá hủy nền giáo dục ở trường học”, bà Lee Yoon-kyoung, giám đốc Hiệp hội Phụ huynh Quốc gia Hàn Quốc, cho biết.
Người thân của các thí sinh đến đền Jogyesa ở quận Jongno (Seoul) để cầu nguyện cho con cháu của họ thi cử đỗ đạt. (Ảnh: SCMP) |
Không chỉ học sinh khổ, các bậc phụ huynh cũng phải gồng gánh đủ loại tiền học thêm đắt đỏ, nhiều người còn dành tất cả tiền lương để cho con đi học.
Năm ngoái, ngành giáo dục tư nhân của Hàn Quốc trị giá lên tới 9,3 nghìn tỷ won (tương đương 7,9 tỷ USD). Có khoảng 5,35 triệu học sinh ở quốc gia này đang theo học các cơ sở giáo dục tư nhân ngoài trường học.
Nhưng khoản đầu tư đó có thực sự hiệu quả khi mà các em phải học theo cách nhồi nhét, để rồi “rơi” hết kiến thức sau khi thi xong?
“Em nghĩ rằng hầu hết học sinh học chỉ để làm đúng các câu hỏi trong bài kiểm tra và để đỗ đại học chứ không phải để tiếp thu những kiến thức mà họ thích hoặc khám phá điều mới. Những điều mà chúng em học thuộc để thi là loại thông tin sẽ rời khỏi não bộ của chúng em ngay sau khi bài kiểm tra kết thúc”, Yoon Cho-eun, một học sinh 18 tuổi tại Hàn Quốc, cho biết.
Học sinh lớp 12 ở Hàn Quốc thường kiếm cớ nghỉ học để dành thời gian luyện thi. (Ảnh: AP) |
Quá tải áp lực
Hệ thống giáo dục đề cao điểm số thường được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở giới trẻ.
Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Dù trong những năm gần đây, tỷ lệ này đã giảm đối với hầu hết các nhóm tuổi từ 30-80, các vụ tự tử ở những người từ 9-24 tuổi vẫn tăng đều đặn. Năm 2019, có tới 876 vụ tự tử thuộc nhóm tuổi này, tức là cứ 100.000 thanh thiếu niên thì có 9,9 người tự tử.
Kỳ thi Suneung bị coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ tự tử do áp lực “phải thi được điểm cao” quá lớn. Hầu hết học sinh “liều mạng” vì Suneung là do các em sẽ không vào được các trường đại học hàng đầu nếu không có điểm tốt, đây là bước đệm để làm việc cho các tập đoàn lớn - mục tiêu cuối cùng đối với nhiều người Hàn Quốc.
“Chúng ta cần loại bỏ khía cạnh cạnh tranh trong giáo dục. Điều quan trọng nhất là giúp những học sinh không làm bài tốt trong ngày kiểm tra ngừng tự coi mình là kẻ thất bại”, bà Lee nói.
Bà Lee hy vọng kỳ thi Suneung sẽ loại bỏ việc cho điểm và chỉ đánh giá qua/trượt. Bà tin rằng điều này sẽ giảm bớt phần nào áp lực cho học sinh.
“Chúng ta cần hủy bỏ hệ thống đã dạy con cái chúng ta dẫm đạp lên nhau để đạt đến những tầm cao hơn”, giám đốc Hiệp hội Phụ huynh Quốc gia kêu gọi.
Ngày đăng: 07:16 | 20/11/2021
/ vtc.vn