Làng Địch Vĩ, xã Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội) có tục thờ chó đá từ hàng trăm năm nay.
Khu vực di tích lịch sử văn hóa đình, chùa Địch Vĩ (làng Địch Vĩ, Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội) tồn tại bức tượng chó đá tạc thô sơ, cao khoảng 1 mét, xung quanh là 16 con chó nhỏ. Người dân nơi đây gọi bức tượng là ‘quan Hoàng Thạch’.
|
|
Tượng chó đá được thờ trong khu vực quần thể đình, chùa Địch Vĩ |
Việc thờ cúng, hương khói cho chó đá đã trở thành phong tục không thể thiếu ở đây. Đặc biệt, vào các dịp ngày Rằm, mùng 1 và lễ Tết, người dân thường ra cầu khấn, xin cho gia đình sức khỏe và bình an.
Theo những bậc cao niên trong làng, tượng chó đá đã tồn tại hơn 400 năm nhưng nguồn gốc, tục thờ xuất phát từ đâu, chưa có tài liệu nào ghi chép rõ. Ông Phạm Văn Hùng, (SN 1964) trưởng thôn Địch Vĩ cho biết, truyền thuyết tục thờ linh vật chó đá của làng có khá nhiều dị bản.
|
|
Trưởng thôn Phạm Văn Hùng |
Tuy nhiên, từ nhỏ ông hay được người lớn kể điển tích về anh em Ngọc Trì và Hoàng Thạch sống ở làng Hát Môn (Đan Phượng).
Năm đó, người anh Ngọc Trì ra trận đánh giặc, nhờ em trai chăm sóc nhà cửa, ruộng vườn và vợ của mình.
Giặc tan, Ngọc Trì trở về, thấy vợ mang thai. Anh sinh nghi, cho rằng vợ tư tình với em trai. Trong cơn tức giận, người anh vung kiếm giết em, bỏ xuống sông. Sau đó, vợ Ngọc Trì ở nhà trở dạ sinh ra 1 vật có hình thù kỳ dị.
Lúc này, nỗi oan khuất của Hoàng Thạch được rửa sạch. Thi thể người em hóa thành khối đá và trôi dạt khắp nơi. Người ta thấy vật thể lạ, hiếu kỳ hò nhau ra vớt lên. Lạ thay, bao nhiêu trai tráng khỏe mạnh đều không khiêng nổi bức tượng.
Chỉ đến khi trôi đến địa phận làng Địch Vĩ, 4 người đàn ông ở đây ra vớt thử, chẳng ngờ tượng nhẹ bẫng.
Biết là điềm lành, dân làng Địch Vĩ đưa bức tượng đặt lên gò đất cao, lập hương án thờ cúng, suy tôn là thần Cẩu. Mặt tượng quay sang làng Hát Môn, nhìn về phía Tây. Trải qua thời gian, khu vực thờ chó đá được tu tạo, sửa chữa khang trang.
|
|
Ban thờ quan Hoàng Thạch được xây dựng khang trang |
“Làng tôi vẫn giữ lệ, mỗi khi các gia đình có đám tang, rước linh cữu qua tượng chó đá phải ngừng thổi kèn, đánh trống cách 50m.
400 năm nay, người dân 2 làng Hát Môn và Địch Vĩ cũng có lời nguyền, trai gái hai làng không được phép lấy nhau. Vì cho rằng con cháu hai làng là có máu mủ. Nếu lấy nhau sẽ phát sinh nhiều bất trắc…", ông Hùng kể.
Được biết, làng Địch Vĩ có gốc tích là làng chài Vạn Vĩ, được lập vào đầu thế kỷ thứ 17.
“Làng có 3 cụ khai sinh lập địa, trong có có cụ tổ nhà tôi. Lập làng xong, 80 năm sau mới xây dựng chùa, 50 năm sau mới xây đình.
Quần thể đình, chùa Địch Vĩ được UBND TP Hà Nội công nhận là di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng vào năm 1991”, ông Hùng cho biết thêm.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Khăng (Phó Chủ tịch UBND xã Phương Đình) cho biết: Tục thờ chó đá đã có từ lâu đời, xuất hiện ở nhiều làng quê Việt Nam, không riêng gì làng Địch Vĩ.
Tục thờ chó được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Người Việt thường chôn chó đá trước cổng với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ. Tục thờ chó đá ở địa phương tôi cũng tương tự như vậy.
Việc trai gái 2 làng Hát Môn, Địch Vĩ không lấy nhau là có. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, cũng có vài cặp đôi đã kết hôn. Theo ghi nhận của tôi, các cặp vợ chồng vẫn hạnh phúc, sinh con đẻ cái bình thường, khỏe mạnh”, ông Khăng khẳng định.
|
|
Ông Nguyễn Xuân Khăng - Phó Chủ tịch UBND xã Phương Đình |
Cách làng Địch Vĩ 2km, còn có một ngôi làng khác cũng thờ chó đá đó là làng Trung Hiền (xã Thượng Mỗ, Đan Phượng).
|
|
Tượng chó đá trong khuôn viên đình Trung Hiền. |
Ông Phạm Bá Giáp (SN 1952 - Bí thư chi bộ làng Trung Hiền) cho biết, đình làng Trung Hiền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 2004. Thờ 4 vị là Hải thần, Nhật thực, Chàng út và thần Cẩu với mong muốn các vị thần phù hộ cho mọi điều tốt đẹp đến với nhân dân.
Trong đó, thần Cẩu được gọi là quan Hoàng Thạch đặt trên bệ thờ ở góc trái của sân đình. Tượng chó tạc bằng đá xanh ở tư thế ngồi, hai chân sau áp sát xuống đất. Bệ thờ xây bằng gạch, trát xi măng, giữa đặt một hòn đá tảng chân cột của ngôi đình cũ.
|
|
Tượng chó đá |
Đều đặn mỗi ngày ông Đỗ Văn Bủng (SN 1945) người trông coi đình quét dọn chính điện và ban thờ tượng chó đá.
"Chúng tôi coi đây là vị thần canh giữ bình yên, bảo vệ cho làng. Việc thờ cúng chó đá được truyền từ đời này sang đời khác. Chúng tôi có trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn như một nét văn hóa", ông nói.
Kỳ lạ ngôi làng \'quý lợn khác thường\', ngày ăn cháo trắng tối ngủ mắc màn
Mỗi “ông lợn” trong lễ rước ở làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) sẽ được chăm sóc theo chế độ riêng. Trong đó, thức ... |
Ngôi làng kỳ lạ với hơn 800 ngôi nhà thông liền nhau
Hiện đại là vậy nhưng Trung Quốc vẫn còn lưu giữ nhiều ngôi làng có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Đây quả thật ... |
Ngôi làng bán hàng chục tấn cá chép đỏ dịp Tết ông Táo
Những ngày này, hàng chục ôtô và thương lái xếp hàng ở làng Thuỷ Trầm (Phú Thọ) chở cá đi khắp các tình phía Bắc. |
Ngày đăng: 14:26 | 18/02/2019
/ http://vietnamnet.vn