Như việc đẽo những chiếc xuồng độc mộc sử dụng trên sông, đối với cộng đồng Xê Đăng ngay ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, khi người trong làng mất thì người ở lại phải cố gắng đục đẽo chiếc quan tài bằng thân gỗ rừng để tiễn đưa…
“Rừng ma” hay khu nhà mồ xã Măng Ri mà A Dưk chỉ cho tôi.
Song khác với các dân tộc khác tại Tây Nguyên, đối với một số ít người có uy tín hiện đang còn sống trong cộng đồng Xê Đăng điều kỳ lạ là họ cũng đã chuẩn bị cho mình chiếc quan tài độc mộc như sẵn sàng phương tiện để đưa họ về với thiên nhiên núi rừng.
Hành trình đến khu rừng ma của cộng đồng Xê Đăng
Người ta thường gọi các khu nhà mồ của cộng động Xê Đăng sống tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum là “rừng ma” xuất phát từ nỗi sợ hãi cùng với niềm tin sự linh thiêng của người nằm xuống. Cộng đồng Xê Đăng xem họ không phải chết mà chỉ là cởi bỏ quan hệ, những vướng mắc buôn làng để đi về nơi yên nghỉ với núi rừng…
Bất chấp lời năn nỉ cả buổi sáng của tôi, anh bạn A Dưk, làng Long Hy 1, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông chỉ đồng ý dẫn đường đến bên ngoài khu nhà mồ của buôn làng vì sợ linh hồn trách phạt. Họ xem đây là khu rừng ma nên không ai dám đến đây nếu không vào dịp lễ của buôn làng.
A Dưk lý giải: “Tao rất quý mày nhưng không dám tự ý đến đó đâu. Tao chỉ dẫn mày đến bên ngoài khu rừng rồi đợi bên ngoài. Mày muốn thì cứ vào nhưng phải xin già làng A Mok trước đã”.
Lời từ chối và căn dặn của A Dưk càng khiến tôi tò mò về khu rừng ma nên tìm đến nhà già làng A Mok xin phép được đến để tìm hiểu. Vốn quen biết nhau đã nhiều năm nay và dân làng Long Hy 1 rất quý tôi nên già làng A Mok đồng ý và cắt cử chú A Tuyn cùng A Dưk dẫn tôi đến khu nhà mồ của buôn làng. Già A Mok còn dặn A Tuyn khi đưa tôi đến không được nói lớn tiếng hay có bất kỳ động thái gì ảnh hưởng đến khoảnh khắc yên nghỉ của những linh hồn.
“Mày đưa nhà báo vào khu nhà mồ nhưng đừng làm gì động đến họ, mày nói nhỏ đừng để con ma theo mày về lại làng. Làng mang vạ là tao bắt tội đó” - lời căn dặn của già làng A Mok với chú A Tuyn và cậu thanh niên A Dưk trước khi dẫn tôi đi phần nào cũng khiến tôi thoáng chút ngại ngần…
Sau hơn 1 giờ đồng hồ len lỏi giữa những quãng đồi với cây cối xanh rậm rịt, A Dưk đưa tay chỉ cho tôi khu nhà mồ của làng Long Hy 1 nằm phía lưng đồi bên kia đồng thời từ chối dẫn đi vào bên trong mà cương quyết ở lại phía ngoài để chờ đợi.
“Mày đi với A Tuyn đi. Tao chỉ dẫn mày đến đây và đợi mày. Tao không đi nữa” - biết không thể năn nỉ người bạn Xê Đăng của mình, tôi đành tiếp tục đi cùng chú A Tuyn nhưng suốt cả buổi đi cùng, A Dưk lâu lâu còn nói chuyện chứ A Tuyn thì bặt nhiên im lặng, chỉ chăm chú đi trước dẫn đường…
Những chiếc quan tài rỗng và hồn thiêng núi rừng
Len lỏi phía sau mặc dù đã rất mệt nhưng sợ lạc bước giữa khu rừng hoang vắng tôi đành cố gắng hết sức bám sát theo lưng chú A Tuyn – người dẫn đường lớn tuổi nhưng bước chân vẫn thoăn thoắt đi như nhảy giữa cây cối rậm rạm. Phải mất hơn nữa giờ chúng tôi mới đến được khu nhà mồ - còn được gọi là “rừng ma” của cộng đồng Xê Đăng. Những ngôi mộ được dựng lên như những ngôi nhà sàn nhỏ nằm thâm u, trầm mặc dưới tán rừng.
Vẫn giữ thái độ im lặng theo lời dặn của già làng, chú A Tuyn chỉ cho tôi một dãy nhà mồ trống, có dựng sàn như nhà ở đặc trưng của đồng bào Xê Đăng. Điều khác biệt là ngay trên sàn nhà mồ có những chiếc quan tài chưa được đậy nắp, phía dưới sân đất cũng có lác đác vài chiếc quan tài được đẽo bằng thân cây gỗ duy nhất và cũng để trống. Trước những gì đập ngay vào mắt khi vừa bước vào, tôi thoáng chút rùng mình.
Nhìn thấy vẻ lo lắng của tôi, người dẫn đường A Tuyn chỉ mỉm cười nhẹ và nắm tay tôi kéo thẳng vào khu nhà mồ. Ngay giữa ngôi nhà mồ lớn và như vừa được dựng lên cách đây vài tháng, một thân gỗ lớn với đường kính khoảng 1,2m, dài hơn 2m được đục rỗng bên trong để trống. Tôi ngạc nhiên, bất ngờ đến không biết nên hỏi, nên nói được điều gì.
Chú A Tuyn sát đầu vào vai tôi nói rất nhỏ: “Đây là quan tài của già A Mok được dân làng dựng lên tặng cho già. Cả làng Long Hy 1 chỉ có 3-4 người được bà con kiếm gỗ, đục làm quan tài, dựng nhà mồ tặng trước khi mất để bày tỏ lòng kính trọng, thương yêu”.
Cũng theo A Tuynh, cộng đồng Xê Đăng chọn khu nhà mồ nằm dưới tán rừng và cách xa buôn làng để tránh việc người nằm xuống còn vương vấn, nhớ nhung sẽ quay về lại quấy nhiễu cuộc sống dân làng. “Rừng ma” được chọn vị trí xa buôn làng, giữa đồi núi, rừng trập trùng. Người dân trong làng cũng không thể tự ý đến đó khi chưa được già làng cho phép. Nếu vi phạm điều này họ sẽ bị linh hồn theo về quấy nhiễu buôn làng, chịu phạt vạ vì vi phạm luật tục.
Có lẽ vì vậy, nhiều nhà mồ tại “rừng ma” Măng Ri xiêu vẹo, muốn đổ sập xuống theo thời gian như đang đối nghịch với những nhà mồ mới dựng, một số ít quan tài bằng thân gỗ duy nhất được chuẩn bị sẵn chờ người nằm xuống.
Điều khác biệt đó thể hiện rõ quan điểm của cộng đồng Xê Đăng về người tốt (được yêu thương kính trọng) và người xấu (bị ghẻ lạnh, xa lánh) không chỉ trong lúc sống mà ngay cả khi gửi linh hồn, thể xác nằm xuống mong vào sự che chở của núi rừng...
Những bí ẩn rợn người trong khu rừng ma ám đáng sợ nhất thế giới Khu rừng ma ám đáng sợ nhất thế giới ở Romania là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách tò mò và ưa mạo ... |
Dồn sức giữ rừng (*): Biệt đội rừng xanh Nhiều khu rừng tự nhiên vốn tàn lụi qua bom đạn chiến tranh, do con người xâm hại hoặc thiên tai tàn phá, khi được ... |
Ngày đăng: 17:30 | 10/12/2017
/ Lao động