Khu hang động nằm cheo leo trên đỉnh một ngọn núi, bên trong hang chứa rất nhiều chiếc quan tài đã rỗng hoặc mục nát. Theo người dân bản địa, hang động này được phát hiện hàng chục năm về trước, tuy nhiên, không rõ những cỗ quan tài bên trong có từ bao giờ.
Khu hang động nằm cheo leo trên đỉnh một ngọn núi, bên trong hang chứa rất nhiều chiếc quan tài đã rỗng hoặc mục nát. Theo người dân bản địa, hang động này được phát hiện hàng chục năm về trước, tuy nhiên, không rõ những cỗ quan tài bên trong có từ bao giờ.
Hang quan tài (hay còn gọi là Hang Ma, Hang Phi) nằm trên đỉnh núi Phi (thuộc khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa), cách trung tâm thành phố Thanh Hóa gần 200km về phía tây. Đây là địa điểm kỳ bí, nổi tiếng của huyện miền núi Quan Hóa, nơi đây luôn tạo nên sự tò mò không chỉ đối với các du khách mà cả những người dân bản địa.
Hang quan tài (điểm khoang đỏ) nằm trên khu vực gần đỉnh núi. Ảnh: Quách Du |
Để lên được hang động này, cần phải đi thuyền qua con sông Lò hung dữ tới khu vực chân núi Phi. Từ đây, tiếp tục trải qua hàng trăm bậc thang và đu mình qua các vách núi hiểm trở mới tiếp cận được khu vực cửa hang.
Là người dẫn đường cho đoàn khám phá hang động trên, bà Hà Thị Mân – cán bộ văn hóa thị trấn Hồi Xuân (huyện Quan Hóa) cho biết, hang quan tài được người dân thường gọi là Hang Ma hoặc Hang Phi, địa điểm này rất kỳ bí và hiểm trở, khách tham quan và người dân địa phương trước khi lên hang thường chuẩn bị một ít đồ lễ (như bánh kẹo, hương) để thắp hương cho những người đã khuất.
Để lên được cửa hang, du khách phải leo qua vách núi hiểm trở. Ảnh: Quách Du |
“Những năm trước đây, đường lên hang động rất khó khăn, phải trèo lên độ cao cả trăm mét và vượt qua các mỏm đá lởm chởm bên vách núi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, địa điểm này được đầu tư xây dựng tuyến đường với hàng trăm bậc thang dẫn lên khu vực gần cửa hang, nên việc tham quan, khám phá thuận tiện hơn” – chị Mân nói.
Ông Hà Văn Thắng (57 tuổi, trú tại khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa), một thầy mo trên địa bàn cho biết, hang động trên được người dân phát hiện vào năm 1980, đến nay, đã gần 40 năm trôi qua, tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn không hiểu, bằng cách nào mà người xưa có thể đưa những cỗ quan tài nặng hàng tạ lên trên đỉnh núi.
Ông Hà Văn Thắng, không hiểu bằng cách nào mà người xưa đưa được những cỗ quan tài lên trên đỉnh núi. Ảnh: Quách Du |
"Ban đầu khi phát hiện, bên trong những chiếc quan tài này còn sót lại ít các mảnh xương, tuy nhiên đến nay, chỉ còn trơ lại các chiếc quan tài mục rỗng. Hầu hết, những chiếc quan tài được làm bằng các cây gỗ lớn, bên trong đục rỗng. Đây được xem là cách an táng người chết phổ biến của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn trước đây, có thể người xưa đưa quan tài lên cao để an táng với mục đích, mong người chết sớm được siêu thoát” – ông Thắng nói.
Theo quan sát của PV Báo Lao Động, bên trong khu vực hang động được chia làm 3 khu, mỗi khu có hàng chục chiếc quan tài đã bật nắp, với đủ các kích cỡ to nhỏ, nằm chồng lên nhau. Một số khác được đặt trên các giá đỡ, nằm cheo leo trên vách hang động.
Bên trong khu vực hang, có rất nhiều các cỗ quan tài xếp chống lên nhau. Ảnh: Quách Du |
Ông Lữ Đình Bưu – Chủ tịch UBND thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, hang quan tài đã được huyện Quan Hóa đưa vào quy hoạch và xây dựng để trở thành địa điểm du lịch tâm linh.
“Vừa qua, một tuyến đường dẫn lên khu vực hang đã hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi để bà con, du khách đến tham quan, khám phá. Tời đây, một số hạng mục, công trình khác cũng sẽ được đầu tư, sớm đưa khu hang quan tài trở thành điểm du lịch tâm linh trên địa bàn”- ông Bưu nói.
Quách Du 08/12/2019 | 14:03
Ngày đăng: 16:09 | 08/12/2019
/ laodong.vn