Chắc chắn với nhiều người Việt Nam, Kurash vẫn là cái tên rất xa lạ. Nhưng bằng những tấm huy chương Vàng liên tiếp hiện diện trên bảng tổng sắp, ngay trước ngày khai mạc SEA Games 31, giá trị của Kurash, môn võ thuật ngàn năm có xuất xứ từ Trung Á đã tìm được chỗ đứng đúng nghĩa trong lòng giới mộ điệu.
Môn thể thao 16 năm tuổi ở Việt Nam
Thực tế, Kurash không phải lần đầu tiên xuất hiện ở SEA Games. Bộ môn này cũng không hề chập chững một cách non trẻ đến với thể thao Việt Nam trong ngày một ngày hai. Chính xác, từ tháng 7/2006, Kurash đã bắt đầu du nhập vào Việt Nam, một cách âm thầm và ít tiếng vang khi ấy. Kurash thực tế là môn võ thuật có lịch sử niên đại lên đến 3.000 năm tại Uzbekistan. Bộ môn này ghi dấu ấn lớn trong nhiều lĩnh vực, từ xã hội, văn hóa đến quân sự ở quốc gia thuộc vùng Trung Á.
Từ thế kỷ thứ X, một triết gia Uzbekistan có tên Avicenne, người được xem là tiên phong cho y học hiện đại khẳng định Kurash sẽ giúp cho cơ thể và tinh thần được khỏe mạnh hơn. Theo dòng chảy thời gian, Kurash trở thành một thứ văn hóa phi vật thể của Uzbekistan. Tất nhiên, quốc gia Trung Á này muốn đem bản sắc của mình lan tỏa sang nhiều đất nước khác. Và như đã nói, tháng 7/2006 trở thành cột mốc đánh dấu sự hiện diện của Kurash tại Việt Nam. Ủy ban Olympic Uzbekistan đã sang làm việc với Tổng cục Thể dục Thể thao, và đề nghị được gặp riêng ông Nguyễn Hữu An - lúc ấy là Trưởng bộ môn Judo khi đó. Họ ngỏ ý muốn phát triển Kurash ở Việt Nam. "Sau khi nghiên cứu về kỹ thuật, luật thi đấu, tôi thấy có thể tham gia được", ông An kể lại.
Hãy để ý đến “từ khóa” Judo. Do có sự tương đồng với môn võ này mà lực lượng tiên phong tập luyện và thi đấu Kurash là những võ sỹ của Judo Việt Nam. Cũng ngay trong năm 2006, các võ sỹ của Việt Nam đã sang Ukraine để tranh tài ở bộ môn này. Sau lần đầu bỡ ngỡ với luật thi đấu và chưa có được huy chương thì ngay 1 năm sau đó, tại giải vô địch thế giới ở Mông Cổ, Kurash Việt Nam đã giành huy chương Đồng. Đến năm 2019, Kurash Việt Nam đã hiện diện ở Đại hội Võ thuật châu Á tại Thái Lan và Đại hội Thể thao Trong nhà và Võ thuật châu Á (AIMAG) tại Việt Nam đều đưa kurash vào thi đấu. Năm 2013, tại giải vô địch thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ, võ sĩ Đào Lê Thu Trang giành HCV hạng dưới 48kg. Đến năm 2019, Việt Nam lần đầu tổ chức giải Vô địch các CLB Kurash toàn quốc.
“Mỏ vàng” của Việt Nam tại SEA Games
Nói như thế để thấy được rằng, Kurash Việt Nam không hề non trẻ hay vô danh trên bản đồ thế giới. Tại Đông Nam Á, trong 2 kỳ SEA Games liên tiếp, Kurash cũng đã và đang làm nên tên tuổi và gặt hái huy chương Vàng cho Việt Nam.
3 năm trước ở Philippines, Việt Nam đứng nhất toàn đoàn môn Kurash với 7 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ. Tiếp nối thành tích có được ở SEA Games 30 khi ấy, Kurash Việt Nam đặt mục tiêu có 5 HCV, trên tổng số 10 nội dung gồm: 5 hạng cân cho nam (60kg, 66kg, 73kg, 81kg, 90kg) và 5 hạng cân dành cho nữ (48kg, 52kg, 57kg, 70kg, 87kg) ở Đại hội diễn ra trên sân nhà năm nay. Và chỉ trong 3 ngày thi đấu, mục tiêu ấy đã đạt được. Cụ thể, trong ngày thi đấu đầu tiên của bộ môn này ngày 10/5, Việt Nam đã giành 4 HCV. Tô Thị Trang, Á quân châu Á 2022 đã “mở hàng” huy chương Vàng cho Đoàn Việt Nam tại SEA Games 31. Thừa thắng xông lên, trong ngày hôm đó, Kurash Việt Nam có thêm 3 HCV nữa của Phạm Nguyễn Hồng Mơ, Bùi Minh Quân, Trần Thương.
Một ngày sau đó, chiến thắng của Lê Công Hoàng Hải hạng -60kg và Lê Đức Đông hạng -66kg giúp Kurash Việt Nam đoạt tổng cộng 6 HCV tại SEA Games 31, qua đó vượt chỉ tiêu ban đầu đặt ra. Nên nhớ, Kurash sẽ còn tranh tài vào ngày 14/5, với 3 bộ huy chương ở các hạng -73kg nam, -57kg và -70kg nữ. Đó sẽ là cơ sở để Kurash Việt Nam tiếp tục gặt hái thêm những huy chương Vàng vào Bảng tổng sắp cho Đoàn Thể thao nước nhà.
Chờ Kurash phát triển mạnh mẽ hơn
Với những gì đã và đang thể hiện ở SEA Games 30 và 31, Kurash Việt Nam có quyền để tự hào và mạnh dạn nghĩ đến việc phát triển lớn hơn trong thời gian tới. Thực tế, Kurash Việt Nam chỉ chính thức được thành lập cách đây vài năm và họ còn chưa có một liên đoàn của mình. HLV Nguyễn Quốc Thắng, người có nhiều năm lăn lộn với cả Judo lẫn Kurash Việt Nam cho rằng nếu có một liên đoàn riêng biệt thì bộ môn này sẽ còn phát triển hơn nữa.
Hay như Văn Ngọc Tú, võ sỹ giàu thành tích bậc nhất làng Judo Việt Nam cũng kỳ vọng: “Trên thực tế, các quốc gia khác cũng lấy VĐV kurash từ Judo như Việt Nam. Nhưng các VĐV nhà mình có vẻ linh hoạt hơn các đối thủ khác trong khu vực. Tôi tin đội Kurash Việt Nam sẽ tiến ra tầm châu lục”.
Khi ấy, Kurash sẽ không còn phải rơi vào cảnh “tầm gửi” vào Judo, bộ môn mà suốt cả 1 thập kỷ qua vẫn hỗ trợ VĐV sang thi đấu.
Kurash giống Judo thế nào?
Judo và kurash có rất nhiều nét tương đồng, từ trang phục thi đấu, dáng dấp của các võ sĩ cho đến cách thức tính điểm. Judo có 4 bậc điểm thì kurash có 3. Và đòn thắng điểm tuyệt đối của Kurash (có tên là khalol) và của Judo (có tên là ippon) của Kurash hoàn toàn tương tự. Liên quan đến luật thi đấu, Kurash khác Judo một chút ở đòn tay, khi việc nắm áo dễ dàng hơn. Nhưng đòn tay của Kurash, vì vậy, cũng chủ động hơn so với judo. Còn lại, có thể nói cả hai môn này gần tương tự nhau. HLV khi chọn VĐV từ đội judo sang kurash vì vậy sẽ chú ý vào những võ sĩ có thế mạnh là đôi cánh tay chắc khỏe.
Ngoài ra, khác biệt lớn nhất của Kurash với Judo là không có địa chiến, chỉ đấu đứng. Thêm vào đó, khi hết nửa thời gian mà chưa bên nào có điểm hoặc ưu thế, thì hai VĐV sẽ vào tư thế Chazo: dùng hai tay nắm đai nhau và bắt đầu đấu trong tư thế đó sau hiệu lệnh của trọng tài, để quyết định người thắng.
Ngày đăng: 08:23 | 13/05/2022
Nguyên An / Công an nhân dân