Hình ảnh mới nhất về tinh vân hành tinh NGC 2371/2 do NASA công bố vào tuần trước cho thấy tàn dư của một ngôi sao đang chết.

Tinh vân hành tinh NGC 2371/2 được giải phóng từ ngôi sao đang chết dần. Ảnh: UPI.

Hai đám mây phát quang khổng lồ (nằm góc phía trên bên phải và góc phía dưới bên trái của ảnh chụp) trông giống như hai vật thể riêng biệt, nhưng thực chất đó là các phần của tinh vân hành tinh NGC 2371/2, thứ bị trục xuất bởi một ngôi sao đang chết trong chòm sao Song Tử, cách Trái Đất khoảng 4.400 năm ánh sáng. Hình ảnh được ghi lại bởi kính viễn vọng không gian Hubble của NASA.

Tinh vân hành tinh NGC 2371/2 trên thực tế không liên quan gì đến hành tinh giống như tên gọi, mà được hình thành từ một ngôi sao khổng lồ đỏ giống như Mặt Trời (ở trung tâm bức ảnh). Trong giai đoạn cuối cùng của ngôi sao, nó giải phóng lớp vỏ bên ngoài vào không gian, tạo thành đám mây phát quang. Hiện tượng chỉ diễn ra khoảng vài chục nghìn năm, tương đối ngắn so với tuổi đời thông thường lên tới hàng tỉ năm của một ngôi sao.

Theo các chuyên gia tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), tinh vân hành tinh NGC 2371/2 sẽ tiếp tục thay đổi trong vài nghìn năm tới trước khi biến mất hoàn toàn. Ngôi sao sẽ nguội đi và mờ dần, cuối cùng trở thành một sao lùn trắng.

Đoàn Dương (Theo UPI)

 

NASA điều tra vụ phạm tội đầu tiên trên Trạm Vũ trụ Quốc tế
Hai thiên hà va chạm cách Trái Đất 424 triệu năm ánh sáng
Phát hiện hố đen lớn gấp 40 tỷ lần Mặt Trời
Ngôi sao bay hơn 1.000 km/h sau khi "trốn" khỏi siêu hố đen

Ngày đăng: 10:47 | 28/08/2019

/ vnexpress.net