Nền kinh tế Việt Nam được cho là đang “ngược dòng” ngoạn mục so với nền kinh tế thế giới và khu vực khi tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 giữa lúc các tổ chức quốc tế có những dự báo hạ mức tăng trưởng toàn cầu năm 2022 so với dự báo đưa ra hồi đầu năm.
Việt Nam đang là điểm đến an toàn và hấp dẫn của dòng vốn FDI |
Sự “ngược dòng” ngoạn mục của Việt Nam
Trong báo cáo kinh tế thường niên Triển vọng Phát triển châu Á 2022 mới nhất mang tên Bổ sung Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2022 công bố ngày 21-7, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương xuống còn 4,6% trong năm nay do mức tăng trưởng chậm hơn của Trung Quốc, việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế phát triển và hậu quả từ cuộc xung đột tiếp diễn giữa Nga và Ukraine. Triển vọng này thấp hơn so với mức dự báo 5,2% của ADB hồi tháng 4. Ngân hàng cũng nâng dự báo lạm phát trong khu vực, trong bối cảnh giá lương thực và nhiên liệu cao hơn.
Theo ADB, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và lớn nhất khu vực là Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4% trong năm nay, thấp hơn khá nhiều so với mức 5% trong dự báo trước đây. Định chế tài chính lớn nhất khu vực này cũng hạ thấp triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ từ 7,5% xuống còn 7,2% trong bối cảnh lạm phát cao hơn dự kiến và thắt chặt tiền tệ. Lý giải về nguyên nhân đưa ra dự báo tăng trưởng mới với khu vực châu Á, ADB cho biết, nhiều quốc gia đang nới lỏng các hạn chế đi lại, giúp gia tăng hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng bị chậm lại ở Trung Quốc do sự gián đoạn vì các lệnh phong tỏa mới do dịch Covid-19, cũng như nhu cầu toàn cầu suy yếu do xung đột, lạm phát. Ông Albert Park - Kinh tế trưởng của ADB nhận định rằng, tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 đã giảm trên hầu hết khu vực châu Á, nhưng khu vực còn xa mới đạt được trạng thái phục hồi hoàn toàn và bền vững. Bên cạnh tăng trưởng chững lại của Trung Quốc, hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine đã làm gia tăng áp lực lạm phát, khiến các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới phải tăng lãi suất, từ đó kìm hãm tăng trưởng. Điều quan trọng là giải quyết tất cả những bất ổn toàn cầu này vốn là thứ đang tiếp tục tạo ra nguy cơ đối với công cuộc phục hồi của khu vực.
Trong bối cảnh nhiều bất lợi với kinh tế của khu vực cũng như toàn cầu đó, ADB vẫn có những đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam khi giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, như được công bố trong ADO hồi tháng 4 năm nay. Đây là mức tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á. ADB nhận định, tăng trưởng của Việt Nam được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công. ADB khuyến cáo, giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao, đặc biệt là giá dầu toàn cầu, sẽ làm tăng áp lực lạm phát ở Việt Nam. Tuy nhiên, định chế tài chính này vẫn lạc quan cho rằng, nguồn cung lương thực dồi dào trong nước sẽ giúp giảm lạm phát ở Việt Nam trong năm 2022. Do vậy, dự báo lạm phát ở Việt Nam năm 2022 vẫn là không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4 vừa qua là ở mức 3,8% trong năm 2022 và 4 % cho năm 2023.
Giống như ADB, nhiều định chế tài chính và tổ chức kinh tế lớn của khu vực và thế giới cũng đưa ra những đánh giá tích cực về triển vọng tăng trường kinh tế của Việt Nam. Ngân hàng HSBC (trụ sở ở London - Anh) và United Overseas Bank (trụ sở tại Singapore) trong đánh giá vào đầu tháng 7 cũng đều nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%, thay vì mức 6,6% trước đây. Theo HSBC, như nhiều quốc gia khác, những rủi ro về biến chủng Omicron đang dần qua đi và các hạn chế được nới lỏng đã tạo cơ sở để Việt Nam trở lại trạng thái bình thường.
Việt Nam là thị trường tốt nhất hiện nay
Những dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh kinh tế nước ta đang phục hồi nhanh sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh, mở cửa trở lại với toàn bộ hoạt động du lịch trong nước cũng như quốc tế. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta so với cùng kỳ năm 2021 đạt mức khá cao với 6,42%, trong đó GDP quý II/2022 tăng tới 7,72%, mức tăng cao nhất của quý II so với cùng kỳ từ năm 2011 đến nay. Để có sự phục hồi được nhìn nhận là rất tích cực trong bối cảnh có những yếu tố không thuận từ khu vực và thế giới, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đề ra, Chính phủ ngay đầu tháng 1-2022 đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Đến cuối tháng 1 lại tiếp tục ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Thực hiện các Nghị quyết trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Có thể khẳng định, dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh của nước ta hiện đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Ông Craig Martin - Chủ tịch Dynam Capital, đơn vị chủ quản của Quỹ đầu tư Vietnam Holding Limited (VNH) - đánh giá, Việt Nam nổi bật với mức tăng trưởng GDP đáng kinh ngạc hơn 7,7% cho quý II vừa qua, vượt quá kỳ vọng và xếp hạng cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác trên thế giới, bao gồm cả khu vực G20 chỉ tăng 0,7%, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển (OECD). Việt Nam tiếp tục phục hồi trên diện rộng đã khiến một số tổ chức tài chính quốc tế nâng cấp dự báo tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm 2022 khi các lĩnh vực khác nhau trong nước lấy lại động lực trước đại dịch Covid-19.
Ngân hàng HSBC cho rằng, một điểm sáng giúp Việt Nam có thể tự vệ trước những rủi ro bên ngoài chính là dựa vào nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định, tạo điểm tựa cho cán cân cơ bản. Trên đà động lực, nguồn vốn FDI mạnh có thể bù lại thâm hụt tài khoản vãng lai trong những quý trước. Cụ thể, FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng, phản ánh sự quan tâm và niềm tin vững chắc của nhà đầu tư vào những điều kiện cơ bản bền vững của Việt Nam. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 14,03 tỷ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đã có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 và còn nhiều tập đoàn, công ty đang tiếp tục xúc tiến để đầu tư vào Việt Nam, điểm đến an toàn và hấp dẫn dòng vốn đầu tư hiện nay ở khu vực và thế giới.
Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand hồi cuối tháng 6 vừa qua nhận định, Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế mạnh nhất trong khu vực và là một lựa chọn tốt cho các nhà xuất khẩu nước này. Ông Joseph Nelson - Ủy viên Thương mại New Zealand nêu rõ, Việt Nam dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng trưởng GDP, tất cả các thị trường ở Đông Nam Á đang tăng trở lại khá mạnh, nhưng Việt Nam chắc chắn là thị trường hoạt động tốt nhất hiện nay.
https://www.anninhthudo.vn/kinh-te-viet-nam-tang-truong-manh-nhat-dong-nam-a-post511452.antd
Ngày đăng: 08:17 | 22/07/2022
PV / An ninh thủ đô