Chứng khoán chạm đáy, tăng trưởng thấp nhất gần một thập kỷ đang tạo thêm gánh nặng cho lãnh đạo Trung Quốc, trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ.
Ngày 18/10, chỉ số Shanghai Composite trên sàn chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) xuống đáy 4 năm vì bị bán tháo. Giá đồng Nhân dân tệ cũng xuống đáy 2 năm, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ giá NDT tham chiếu thêm 0,25% so với USD. Giới phân tích nhận định ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy đồng tiền này có thể phá vỡ ngưỡng 7 NDT một USD - mốc chưa từng đạt từ trước khủng hoảng tài chính 2008.
Cùng hôm đó, Tổng thống Mỹ - Donald Trump tiếp tục đưa cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sang chiến trường mới, khi tuyên bố rút khỏi một hiệp ước về bưu chính, mà họ cho là giúp công ty Trung Quốc có lợi thế không công bằng so với doanh nghiệp Mỹ. Mỹ có thể không rút đi nếu tái đàm phán được theo hướng có lợi hơn. Tuy nhiên, động thái này có thể vẫn ảnh hưởng đến các công ty Trung Quốc, khi làm tăng giá vận chuyển hàng đến Mỹ qua đường bưu điện.
Đến sáng hôm qua (19/10), Trung Quốc chính thức công bố GDP quý III, với tốc độ tăng trưởng chỉ 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái – thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009. Để trấn an tâm lý hoảng loạn ngày càng tăng trên thị trường chứng khoán, giới lãnh đạo tài chính Trung Quốc, từ Thống đốc, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm, đến Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, đều đồng loạt ra thông báo kêu gọi nhà đầu tư bình tĩnh.
Người dân mua đồ tại một khu chợ ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AFP |
Giới hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc giờ chẳng khác nào đang đi trên dây. Để củng cố vị thế đàm phán của nước mình trong thương mại với Mỹ, họ cần chặn đứng đà bán tháo đã khiến chứng khoán nước này mất 3.000 tỷ USD trong 6 tháng qua, đồng thời kích thích tăng trưởng nội địa mà không được từ bỏ mục tiêu giảm đòn bẩy trong nền kinh tế.
“Trung Quốc đang chịu sức ép trên nhiều mặt trận”, Michael Every – Giám đốc Nghiên cứu các thị trường tài chính châu Á tại Rabobank nhận xét, “Nói một cách logic thì tất cả những việc này sẽ ép Trung Quốc phải đạt được một thỏa thuận. Nhưng tôi không cho rằng họ sẽ làm thế đâu”.
Đầu phiên hôm qua, chỉ số Shanghai Composite đi xuống sau thông tin về GDP. Dù vậy, đến phiên chiều, nó đã bật tăng trở lại và đóng cửa tăng 2,6%. Nhà đầu tư cho rằng một số quỹ có sự hỗ trợ của chính phủ đã nhảy vào thị trường để hiện thực hóa tuyên bố can thiệp của các nhà hoạch định chính sách.
Dù vậy, thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn là tệ nhất thế giới năm nay, khi vốn hóa đã mất gần bằng Brazil, Ấn Độ và Nga cộng lại. Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm chủ yếu do lo ngại về thương mại và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đà giảm tháng này mới tăng tốc do làn sóng bán tháo của nhà đầu tư trước áp lực giải chấp.
Báo cáo GDP quý III càng khiến nhà đầu tư lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc. Sản lượng công nghiệp yếu và “tình hình thế giới trầm trọng” là các yếu tố chính khiến tăng trưởng quý III chậm lại.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng Trung Quốc vẫn còn lý do để lạc quan. Tăng trưởng doanh số bán lẻ tháng 9 bất ngờ cao hơn dự báo. Cộng với hàng loạt biện pháp kích thích gần đây của Trung Quốc, như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng, nó có thể kéo tăng trưởng lên cao trở lại. Các chính quyền địa phương cũng đang huy động 1.350 tỷ NDT từ trái phiếu để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang phải nhượng bộ nỗ lực giảm đòn bẩy trong nền kinh tế.
Ngoài các vấn đề trong nước, thách thức bên ngoài với Trung Quốc cũng đang tăng lên. Hồi đầu tháng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, lần đầu tiên trong hơn 2 năm. Nguyên nhân là rủi ro từ tăng thuế nhập khẩu đã bắt đầu xuất hiện.
Lãi suất tại Mỹ tăng, đồng đôla mạnh lên và tiền tệ các nước mới nổi biến động mạnh càng khiến Trung Quốc lúng túng, trong bối cảnh ông Trump đe dọa tăng thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc lên 25% từ đầu năm sau.
“Đây là một vòng luẩn quẩn”, Andrew Polk – đồng sáng lập hãng nghiên cứu Trivium China (Bắc Kinh, Trung Quốc) nhận xét, “Thách thức từ các thị trường mới nổi gây sức ép lên Trung Quốc. Sự giảm tốc của Trung Quốc lại tạo gánh nặng cho các thị trường mới nổi. Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại trong năm 2019, chỉ quanh 6%, theo dự báo của chúng tôi. Hiện tại chưa có cách rõ ràng nào để thoát ra khỏi vòng xoáy này”.
Ngoài việc rút khỏi hiệp ước bưu chính, Mỹ còn bất đồng với Trung Quốc tại một phiên họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva (Thụy Sĩ) tuần này, về vấn đề cải tổ hệ thống giao thương toàn cầu. Phó đại diện thương mại Mỹ - Dennis Shea cho rằng WTO cần kiềm chế việc Trung Quốc lạm dụng thương mại và cân nhắc lại các quyền ưu tiên cho Trung Quốc với tư cách một nước đang phát triển. Đại sứ Trung Quốc - Zhang Xiangchen thì khẳng định Mỹ không thể chỉ nhắm vào một đối tượng và Bắc Kinh sẽ không ủng hộ bất kỳ động thái nào đi ngược các quy tắc cơ bản của WTO.
Thế giới đang chờ đợi một cuộc gặp giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian sớm nhất, để giải quyết các bất đồng hiện tại, tránh ảnh hưởng đến cả nền kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, rất nhiều nhà phân tích cho rằng việc này chỉ khả thi sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ tháng tới.
“Kinh tế Trung Quốc vẫn khá vững trước tác động của chiến tranh thương mại, nhờ tăng trưởng tiêu dùng nội địa tốt. Đây là rủi ro chính với ông Trump khi muốn áp thêm thuế nhập khẩu lên hàng Trung Quốc”, Rajiv Biswas – kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại IHS Markit cho biết, “Tuy vậy, lĩnh vực xuất khẩu của họ vẫn còn dựa chủ yếu vào thị trường Mỹ”.
Hà Thu (theo Bloomberg/NYT)
Chưa cần chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc đã rạn nứt
Khối nợ tăng, đầu tư giảm, dân số già đã là thách thức với nền kinh tế lớn nhì thế giới trong vài năm gần ... |
Trung Quốc đang bơm \'núi tiền\' vào nền kinh tế
Trung Quốc gần đây bơm ra cả trăm tỷ USD để cải thiện tâm lý thị trường, khi nước này đang chật vật cân bằng ... |
Ngày đăng: 23:31 | 20/10/2018
/ VnExpress