Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc ngày 28/4 đóng cửa nhiều khu vực công cộng và tăng cường xét nghiệm COVID-19 đối với khoảng 22 triệu cư dân, một nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn tình hình xấu đi khiến thành phố này phải phong tỏa như Thượng Hải.

Người dân tại Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc, đã trải qua một tháng cách ly tại nhà đầy căng thẳng và mệt mỏi, vật lộn với việc thỏa mãn những nhu cầu sinh hoạt bình thường nhất. Dù vậy, tình hình tại thành phố này đã khả quan hơn khi số ca nhiễm mới có dấu hiệu giảm.

Theo số liệu ngày 28/4, Thượng Hải báo cáo thêm 10.622 ca dương tính trong 24h qua và 47 ca tử vong. Hiện thành phố vẫn còn 304 ca bệnh nặng và 48 trường hợp nguy kịch. Với tổng số 285 ca tử vong tính đến 27/4, đây là đợt dịch gây tử vong nhiều nhất ở Trung Quốc sau đợt bùng phát đầu tiên hồi cuối năm 2019.

Các chuyên gia y tế Trung Quốc đánh giá dịch COVID-19 tại Thượng Hải đang ở trong giai đoạn quan trọng. Từ thực tế hầu hết các ca tử vong là những người cao tuổi có bệnh nền, trong khi mới có 38% người trong nhóm tuổi này ở Thượng Hải tiêm mũi tăng cường, thành phố chuyển trọng tâm công tác sắp tới là đẩy nhanh tiêm chủng trong nhóm người này.

1-1651198832167
Bắc Kinh xét nghiệm hàng loạt với 22 triệu cư dân. Ảnh Reuters.

Trong thông báo mới nhất, Diên Khánh, quận ở phía Tây Bắc thủ đô Bắc Kinh với 350.000 dân, đã quyết định tiến hành xét nghiệm axit nucleic trên quy mô lớn theo đợt đối với những người sống và làm việc tại địa bàn từ ngày 28/4. Đây là quận mới nhất tiếp theo Triều Dương, 10 quận khác và Khu Phát triển Kinh tế Công nghệ Bắc Kinh tiến hành xét nghiệm hàng loạt vì COVID-19. Đến nay, Bắc Kinh chỉ còn 4/16 quận chưa xét nghiệm đại trà, trong khi hơn 20 triệu dân, tức khoảng 90% dân số còn lại đang phải thực hiện xét nghiệm xen kẽ kể từ 25/4.

Thủ đô Bắc Kinh đã tiến hành ít nhất 3 đợt xét nghiệm diện rộng trong tuần qua, đóng cửa nhiều khu vực dân cư, văn phòng và một trường đại học. Nhiều trường học, khu vui chơi giải trí và địa điểm du lịch nổi tiếng cũng tạm thời phải đóng cửa.

Ngày 28/4, Bắc Kinh báo cáo 50 trường hợp nhiễm mới, bao gồm một số trường hợp được phát hiện trong số gần 20 triệu mẫu thu được trong đợt xét nghiệm hàng loạt đầu tiên. Số ca nhiễm được ghi nhận trước đó một ngày là 34. Kể từ ngày 22/4, Bắc Kinh đã phát hiện hơn 160 ca nhiễm COVID-19, hơn một nửa trong số đó ở Triều Dương, quận đông dân nhất thành phố và nổi tiếng với cuộc sống về đêm, các trung tâm thương mại và đại sứ quán.

Việc đóng cửa hàng loạt đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động tại các thành phố lớn, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc như Thượng Hải hay Thâm Quyến. Theo tính toán của Nomura, một công ty tài chính của Nhật Bản, hiện 46 thành phố trên toàn Trung Quốc đang áp dụng đóng cửa một phần hoặc toàn bộ để phòng dịch, ảnh hưởng đến khoảng 343 triệu người. Lệnh đóng cửa toàn bộ hoặc theo quận đang được áp dụng tại các thành phố như Hàng Châu, Tô Châu và Cáp Nhĩ Tân, những nơi có từ 9,5 đến hơn 12 triệu cư dân, hoặc tại những tỉnh như Hắc Long Giang, Quảng Châu hay Thanh Hải, theo CNN.

Theo Societe Generale, một công ty dịch vụ tài chính lớn tại châu Âu, các địa phương bị hạn chế di chuyển hiện nay tại Trung Quốc chiếm đến 80% tổng sản phẩm quốc nội nước này. Tháng 3 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong thời kỳ 21 tháng. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, lao xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020 so với đồng USD. Những yếu tố này đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% mà chính phủ Trung Quốc đặt ra. Thị trường chứng khoán cũng đang ở mức thấp nhất trong hai năm qua.

Dù vậy, tình hình có thể được cải thiện khi Thủ tướng Lý Khắc Cường mới đây tuyên bố một số biện pháp ổn định thị trường việc làm và hồi sinh chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn. Tác động của các lệnh đóng cửa được cho là vượt ra ngoài biên giới của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong suốt đại dịch, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược “zero-COVID” nghiêm ngặt, đóng cửa diện rộng, xét nghiệm hàng loạt, cách ly và đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của virus. Sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao đã khiến chiến lược này gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là hoài nghi trong dư luận, virus lây lan đến các tỉnh và thành phố khác nhau nhanh hơn mức mà chính phủ có thể ngăn chặn.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng chiến lược này vẫn chưa thể được thay thế trong tương lai gần. Nhiều lãnh đạo và nhà khoa học hàng đầu của nước này đã bày tỏ quan ngại rằng việc nới lỏng các hạn chế có thể tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn trên khắp cả nước, gây ra sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm và tử vong, khiến hệ thống y tế không thể đứng vững, đặc biệt là khi tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi còn thấp.

Tờ Global Times của Trung Quốc ngày 28/4 cũng đưa tin trong đó nhấn mạnh, tình hình nghiêm trọng tại Thượng Hải “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục chiến lược zero-COVID”. “Nếu Thượng Hải, một thành phố với hệ thống chăm sóc sức khỏe phát triển nhất cả nước, rơi vào tình trạng số bệnh nhân áp đảo các trung tâm y tế, liệu có ai hay thành phố nào có thể giúp các nơi khác của Trung Quốc trong trận chiến với sự tấn công của virus Corona?”.

 

Ngày đăng: 10:01 | 29/04/2022

/