Cùng với cuộc xung đột Nga - Ukraine, dịch bệnh diễn biến phức tạp với chính sách “Zero Covid-19” của Trung Quốc đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu, khiến thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đa chiều: Lạm phát gia tăng, giá cả hàng hóa tăng cao; thương mại quốc tế đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm.
Cuộc khủng hoảng đa chiều hiếm thấy
Phát biểu mới đây với báo chí, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay đang tác động đến tình hình lương thực, năng lượng và tài chính của thế giới. Theo người đứng đầu tổ chức Liên hợp quốc, cuộc xung đột Nga - Ukraine đang “đẩy nhanh cuộc khủng hoảng theo 3 chiều là lương thực, năng lượng và tài chính, gây nguy hiểm cho những người dân, quốc gia và nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”.
Phát biểu mang tính cảnh báo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây những tác động ngày càng nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang nỗ lực phục hồi mong manh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới.
Cú sốc đầu tiên mà kinh tế phải hứng chịu từ cuộc xung đột Nga - Ukraine là khan hiếm nguồn cung năng lượng, nhất là dầu mỏ và khí đốt, đã đẩy giá cả có thời điểm cao nhất hàng chục năm qua. Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới với sản lượng khoảng 7 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 12% nguồn cung toàn cầu. Cùng với đó, nhiều quốc gia châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nhiên liệu của Nga với gần 40% lượng khí đốt tự nhiên.
Tác động ngày càng nghiêm trọng tiếp theo là lĩnh vực lương thực. Nhiều cơ quan và tổ chức lương thực và thương mại hàng đầu thế giới như Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) của Liên hợp quốc… đã lên tiếng cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng về an ninh lương thực trên thế giới do xung đột giữa Nga và Ukraine, thậm chí có những ý kiến lo ngại cuộc xung đột này có thể đẩy thế giới tới bờ vực của một cuộc khủng hoảng lương thực ảnh hưởng nặng nề và trước hết tới các nước nghèo, người nghèo. Theo FAO, Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, trong khi Ukraine là nước lớn thứ năm; cả hai quốc gia này cung cấp tới 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.
Giá nhiên liệu, lương thực… gia tăng, khan hiếm đã kéo theo phản ứng dây chuyển, đẩy mặt bằng giá cả leo thang, gây ra “con sóng dữ” lạm phát nhiều nơi trên toàn cầu. Lạm phát khiến “nhà giàu cũng khóc” như tại Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, lạm phát tăng 8,5% trong tháng 3 vừa qua, mức tăng cao nhất trong hơn 40 năm qua. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã gọi lạm phát cao là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế lúc này.
Tại khu vực đồng Euro, lạm phát đã tăng lên 7,5% vào tháng 3-2022. Trong khi đó, tại các nền kinh tế mới nổi, hơn một nửa có lạm phát trên 7%. Chỉ có 2 nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Nhật Bản nằm trong số ít ngoại lệ có lạm phát vẫn ở mức thấp.
Cùng với cuộc xung đột tại Ukraine, việc Trung Quốc thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt nhiều thành phố là trung tâm kinh tế - tài chính và công nghiệp - công nghệ lớn của nước này khi thực hiện chính sách “Zero Covid-19” để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng đã tác động tới thương mại cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Thời gian qua, gần 400 triệu người tại 45 thành phố ở Trung Quốc bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ do chính sách “Zero Covid-19”. Tổng cộng, khu vực này đóng góp 40% (tương đương 7.200 tỷ USD) GDP hàng năm cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cần sớm chấm dứt xung đột tại Ukraine
Cuộc khủng hoảng đa chiều lương thực, năng lượng, tài chính, thương mại, chuỗi cung ứng toàn cầu hiếm thấy đang tác động ngày càng lớn tới các nền kinh tế thế giới, nhất là các nước đang phát triển, người nghèo. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, thế giới hiện đang phải đối mặt với “một cơn bão nhiều chiều có nguy cơ tàn phá nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển”.
Theo ông Antonio Guterres, đã có khoảng 1,7 tỷ người trên thế giới bị ảnh hưởng nặng bởi sự gián đoạn trong nguồn cung lương thực, năng lượng và tài chính. Đáng nói, 1/3 trong số này vốn đã sống trong cảnh nghèo đói. Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết thêm, có tới 36 quốc gia đang phụ thuộc vào Nga và Ukraine với hơn một nửa lượng lúa mì nhập khẩu của họ, bao gồm một số nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất toàn cầu. Theo ông, xung đột tại Ukraine có thể khiến thế giới rơi vào “cơn bão đói và sự suy thoái hệ thống lương thực thực toàn cầu”.
Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo mới nhất đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,2% năm nay. Nhà Kinh tế trưởng WB Carmen Reinhart nhận định, kinh tế toàn cầu đang trải qua thời kỳ “đặc biệt bất ổn” và “rất rõ ràng là rủi ro đang theo hướng tiêu cực” do “hàng loạt sự gián đoạn” từ giá lương thực, dầu tăng do xung đột tại Ukraine đến phong tỏa chống Covid-19 ở Trung Quốc.
Trong phát biểu trước thềm các hội nghị mùa xuân thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nêu rõ, cuộc xung đột ở Ukraine đã làm giảm tốc độ phục hồi sau đại dịch Covid-19, làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế tại hầu hết các nước trên thế giới. Theo người đứng đầu IMF: “Nói một cách đơn giản, chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng trên tầm một cuộc khủng hoảng. Hậu quả kinh tế của cuộc xung đột này lan nhanh và rộng tới các nước láng giềng và xa hơn nữa, ảnh hưởng mạnh nhất tới những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”.
Trong đề xuất nhằm hạn chế tác động của khủng hoảng đa chiều, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khuyến nghị, thế giới cần đảm bảo dòng chảy ổn định của lương thực và năng lượng thông qua các thị trường mở và cải cách hệ thống tài chính quốc tế. Các quốc gia có thể lợi dụng cuộc khủng hoảng hiện nay để tiến tới loại bỏ dần than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác, đồng thời đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo.
Chủ tịch WB David Malpass cho biết, định chế tài chính này “đang chuẩn bị một kế hoạch đối phó khủng hoảng”. Theo đó, lãnh đạo WB trong vài tuần tới sẽ trao đổi về kế hoạch đối phó mới, kéo dài 15 tháng với trị giá 170 tỷ USD trong giai đoạn tháng 4-2022 và 6-2023.
Nhiều quốc gia cũng đang đưa ra các biện pháp ứng phó tùy theo điều kiện, đặc thù nền kinh tế của mình. Trong đó, Mỹ tập trung vào việc chống lạm phát; châu Âu vừa chống lạm phát vừa tìm kiếm nguồn cung ổn định để kéo giảm giá năng lượng, lương thực, thực phẩm… Song điều quan trọng nhất, theo như Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Trên tất cả, cuộc xung đột này (xung đột tại Ukraine) phải kết thúc”. Không chỉ các bên trực tiếp trong cuộc xung đột mà cộng đồng thế giới cần cùng chung nỗ lực để thúc đẩy đối thoại, giải quyết vấn đề Ukraine bằng đàm phán hòa bình.
Ngày đăng: 13:37 | 20/04/2022
/