Kho hàng lậu hơn 10.000m2 ở Lào Cai bán hàng theo phương thức livestream trên mạng xã hội chỉ trong khoảng 20 tháng đã mang về hơn 649 tỉ đồng doanh thu. Mới chỉ cần tính riêng trường hợp này, thất thu thuế đã không nhỏ.

Livestream bán hàng đã trở thành hoạt động phổ biến trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Theo anh Tuấn - chủ một cửa hàng chăn, ga, nệm (quận Gò Vấp, TPHCM), việc bán hàng qua livestream không phải tất cả đều trốn thuế song hiện nay rất nhiều người không kê khai thuế và đương nhiên là không đóng thuế. Trong trường hợp livestream bán hàng lậu, theo anh Tuấn càng ít có khả năng thực hiện nghĩa vụ thuế, hoặc có thì cũng khó có thể đóng đầy đủ các loại thuế theo qui định hiện hành của Nhà nước.

Cách đây 3 năm, vào tháng 6.2017, Cục Thuế tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM bước đầu xác định có gần 30.000 chủ tài khoản Facebook có hoạt động quảng cáo bán hàng qua Facebook. Tất nhiên trong số đó không phải ai cũng thuộc diện phải đóng thuế ngoại trừ những người có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên theo qui định.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, ngay cả cơ quan thuế cũng còn gặp không ít khó khăn trong việc lọc ra được danh sách những người kinh doanh bán hàng trên Facebook có doanh thu thuộc diện chịu thuế.

Trường hợp truy thu thuế đối với những người bán hàng qua mạng có doanh thu lớn và thu nhập cao đã từng được tiến hành trong vài năm trở lại đây, nhưng còn khá ít ỏi. Gần đây nhất, cơ quan thuế tại TPHCM đã truy thu thuế đối với một trường hợp bán hàng qua mạng 9 tỉ đồng vì kê khai và nộp thuế không đầy đủ trong một thời gian dài, với doanh thu hàng trăm tỉ đồng.

Ngoài Hà Nội và TPHCM, tại những địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Nghệ An…, mỗi nơi các cơ quan chức năng bước đầu xác định cũng có từ vài ngàn đến cả chục ngàn tài khoản quảng cáo, bán hàng qua Facebook nhưng chưa kê khai thuế.

Phương thức bán hàng livestream hiện nay đang rất thịnh hành. Theo chị Vy Yến – một người từng công tác trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến tại Google, những người bán hàng qua Facebook hiện nay muốn bán được hàng thì phải chi tiền để quảng cáo qua Facebook đồng thời livestream để tạo tương tác. Nếu không, khả năng tiếp cận khách hàng rất hạn chế, hàng hóa sẽ bán chậm và doanh thu thấp.

Đa phần các shop bán hàng qua Facebook hiện chưa kê khai thuế đầy đủ. Ảnh minh họa: Chụp màn hình.

“Kinh tế livestream” ngày nay rầm rộ trên các fanpage, các tài khoản cá nhân trên Facebook đến mức gây phản cảm. Vì thế, hầu hết các fanpage trên Facebook đều cấm cửa hoạt động này, hoặc nếu cho tổ chức livestream bán hàng thì phải đóng phí hàng tháng để duy trì. Theo anh Tuấn, mức phí duy trì này phổ biến từ 1-2 triệu đồng/tháng tùy theo từng fanpage.

Tuy nhiên, theo chị Tuyết – một người thỉnh thoảng tổ chức livestream bán hàng của công ty trên các nền tảng của Lazada, Shopee nhằm quảng bá, nhiều loại hàng hóa được bán trên Facebook nói chung và bán qua livestream nói riêng hầu như rất khó kiểm soát về mặt chất lượng.

Điển hình trường hợp kho hàng lậu hơn 10.000m2 tại Lào Cai, livestream bán nhiều sản phẩm được gắn các thương hiệu nổi tiếng như Burberry, Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci... nhưng đều là hàng giả được nhập lậu vào Việt Nam, thế nhưng mỗi tháng có thể bán được từ 30.000-40.000 đơn hàng.

Ngoài việc thất thu thuế, những điểm livestream bán hàng lậu kém chất lượng như vậy còn làm xáo trộn thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.  

Hàng lậu, hàng giả tung hoành là do lỗ hổng quản lý?
Vụ Tổng kho hàng lậu Lào Cai: Tiết lộ chi phí "luật lá" của "ông trùm"
Kho hàng lậu livestream chốt 1.000 đơn/ngày: Facebook Thảo Trần, Giày Đồng Giá của ai?

Ngày đăng: 06:00 | 27/07/2020

/ laodong.vn