Sau hơn một thập kỷ chìm trong khó khăn, nền kinh tế Hy Lạp bắt đầu đón nhận những tín hiệu tích cực. Hãng đánh giá tín nhiệm tài chính Moody's đã nâng xếp hạng tín dụng của Hy Lạp từ mức Ba3 lên Ba1. Cùng với đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng kết thúc 12 năm giám sát tăng cường về tài chính đối với Athens. Rõ ràng, những nỗ lực cải cách của Chính phủ đương nhiệm đã có thành quả bước đầu và được kỳ vọng sẽ đưa quốc gia này sang giai đoạn phát triển mới.
Động thái nâng xếp hạng tín dụng đối với Hy Lạp của Moody's được đưa ra một tuần sau khi các hãng đánh giá tín nhiệm tài chính hàng đầu DBRS Morningstar, Standard and Poor's và Fitch có những nhận định tích cực đối với triển vọng kinh tế của nước này.
Việc Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và đảng Dân chủ mới của ông một lần nữa giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 6 vừa qua cũng mang lại niềm tin về sự ổn định chính trị, qua đó, nhiều chính sách cải cách sẽ được tiếp nối trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Điều này được khẳng định trong bài phát biểu gần đây của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis. Ông cam kết tăng cường cải cách nhà nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như đưa ra các biện pháp cứu trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai mà không gây rủi ro đối với kế hoạch tài khóa của Chính phủ. Theo đó, ngân sách ứng phó với thảm họa thiên nhiên sẽ tăng gấp đôi, lên mức 600 triệu euro vào năm tới, được thu từ thuế đối với các cơ sở lưu trú sang trọng.
Cùng với đó, một cuộc cải cách sẽ được thực hiện trên toàn quốc để cải thiện sự phối hợp giữa các bộ nhằm giải quyết vấn đề trốn thuế, củng cố ngành Y tế và hỗ trợ các gia đình, thanh thiếu niên cũng như khả năng tiếp cận nhà ở giá phải chăng của những đối tượng này. Ngoài các chương trình cải cách, trong thời gian tới, nền kinh tế Hy Lạp sẽ được tiếp thêm động lực thông qua các công cụ tài chính như gói phục hồi sau đại dịch Covid-19 của EU cũng như các biện pháp hỗ trợ khác nếu cần thiết.
Moody's cho biết, các chuyên gia tài chính tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Hy Lạp bởi những cam kết trong việc thực hiện cải cách và các chính sách tài chính thận trọng, đồng thời khuyến khích sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội đối với các chính sách này. Dự kiến, tăng trưởng kinh tế trung bình của Hy Lạp giai đoạn 2023-2027 sẽ giữ vững ở khoảng 2,2%, mức cải thiện đáng kể so với con số 0,8% giai đoạn 5 năm trước đại dịch. Các ngân hàng cũng đã đạt được tiến bộ trong việc xử lý các khoản nợ xấu trên bảng cân đối kế toán. Nợ công của nước này có thể sẽ giảm xuống gần 150% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2024 do tốc độ tăng trưởng GDP mạnh hơn dự kiến.
Từ năm 2010, khi chìm sâu trong cuộc khủng hoảng nợ công, Hy Lạp đã buộc phải thực thi nhiều cải cách và chính sách “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt nhằm đổi lấy các gói cứu trợ tài chính từ EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với tổng trị giá lên đến gần 300 tỷ euro. Theo yêu cầu từ các chủ nợ, để được giải ngân các gói cứu trợ, Athens đã buộc phải cắt giảm chi tiêu công, tăng thuế, cải cách hệ thống lương hưu và thị trường lao động.
Nhờ những nỗ lực bền bỉ của Athens cũng như sự hỗ trợ của EU, Hy Lạp không còn phụ thuộc vào các gói cứu trợ và vừa chính thức chấm dứt 12 năm giám sát tài chính tăng cường của EU. Đánh giá về sự kiện này, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni cho rằng, Hy Lạp đã triển khai hiệu quả những cải cách quan trọng nhằm củng cố nền kinh tế và tài chính công. Thành tựu đó càng có ý nghĩa trong bối cảnh nước này đồng thời phải đối mặt với các cú sốc nghiêm trọng như đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. Việc kết thúc các hoạt động giám sát của EU, cùng với những đánh giá tích cực của các hãng tài chính quốc tế, là cơ hội để Hy Lạp củng cố vị thế trên thị trường quốc tế, tăng cường quyền kiểm soát đối với chính sách kinh tế trong nước, đồng thời gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh nhiều bất ổn diễn ra trên thế giới, Hy Lạp vẫn phải đối mặt với những thách thức và rủi ro như tỷ lệ thất nghiệp cao, lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), khủng hoảng năng lượng vẫn chưa được kiểm soát... Nói một cách khác, Chính phủ Hy Lạp vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới để có thể đưa đất nước thoát hẳn khỏi chuỗi “mắt xích yếu” trong Eurozone.
https://hanoimoi.vn/kinh-te-hy-lap-trien-vong-tich-cuc-642464.html
Ngày đăng: 08:07 | 20/09/2023
Quỳnh Dương / HNM.com.vn