Gần hai năm trước Hà Nội là một trong 10 địa phương được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm (kinh tế ban đêm - KTBĐ). Do dịch bệnh kéo dài mà phải cho đến ngày 15-3-2022 vừa qua, người dân và khách du lịch Hà Nội mới được sống lại về đêm.
Việc triển khai KTBĐ là điều rất cần thiết, song cũng tiềm ẩn những nguy cơ mất an ninh, trật tự an toàn xã hội...
Hà Nội về đêm
21 giờ một ngày cuối tuần, chúng tôi theo chân một số bạn trẻ thuộc "Hội những người mất ngủ vì COVID" lượn một vòng quanh thành phố. Rất dễ nhận thấy sự phấn khích của đông đảo người dân, các thực khách và niềm hy vọng của chủ cửa hàng, các tiểu thương... Họ được "bung lụa" sau nhiều ngày bị "giam cầm", “trói chân trói tay” bởi đại dịch COVID-19. Khác hẳn sự vắng lặng đến thê lương của Hà Nội đêm chừng nửa năm trước, hôm đó các tuyến phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, phố ẩm thực Đồng Xuân... tấp nập người dân, đặc biệt là giới trẻ đi chơi, đi ăn...
Chúng tôi đổ bộ vào "ngã ba quốc tế" Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến. Trước mắt chúng tôi là các bàn ăn uống được kê san sát lòng đường, đông đảo thực khách đang say sưa thưởng thức khiến người ta dễ nhớ lại thời huy hoàng của một trong những "đại bản doanh" của khách quốc tế thời trước dịch. Anh Tuấn - chủ một quán ăn trên phố Lương Ngọc Quyến hồ hởi: "Khi nghe tin được bán hàng sau 21 giờ (như trước dịch), tôi đã huy động nhân viên chuẩn bị nhiều thực phẩm hơn, gọi thêm đầu bếp... Sau hơn một năm kinh doanh ế ẩm, giờ đây tôi và nhiều đồng nghiệp khác đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm".
Chị Hương, một chủ quán bia - nem rán - xúc xích nướng... tâm sự: "Gần hai năm qua là những ngày tháng vô cùng khó khăn của dân kinh doanh mặt hàng ăn uống. Dù rằng có thể bán mang về để duy trì nghề, trả lương cho nhân viên song thu gần như không đủ bù chi. Mấy hôm trước nghe tin được mở quán sau 21 giờ tôi và các bạn đồng nghiệp đều rất vui". Việc mở cửa hàng quán sau 21 giờ giúp chuỗi cửa hàng tăng nguồn thu, nhân viên có thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu (bao ăn ở), khách quen sẽ đến thường xuyên hơn...
Bác Hùng - chủ quán hàng ăn trên phố Tạ Hiện chung một nỗi niềm: "Khi nghe tin được mở cửa hàng sau 21 giờ, tôi rất mừng vì đợi ngày này đã quá lâu rồi. Ngay khi mở bán, khách đến rất đông, người ra người vào gần như ngày xưa. Dù chưa có đông khách quốc tế như thời trước dịch, song thế này cũng là rất mừng rồi". Dứt lời, bác lại tíu tít mời khách chọn món này, món kia. Sau 23 giờ, khách vẫn ùn ùn kéo tới.
Khi mà đã ăn uống no nê, thực khách có thể vào một số quán cafe gần đó để uống trà, cà phê... Tại quán một cà phê góc đường, khách hàng sau 21 giờ đông hơn hẳn lượng khách trước đó. Đến khoảng 23 giờ 30 khách hàng vẫn tiếp tục tìm đến quán và chủ yếu là giới trẻ.
Nếu như khu vực phố cổ quanh Bờ Hồ là nơi người dân ăn chơi, giải trí, mua sắm thì cách đó chỉ tầm 1km, người ta lại có thể thấy được một cảnh tượng khác. Cũng đông vui tấp nập song cũng khá xô bồ. Chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối Long Biên vào lúc 1 giờ sáng. Đây là thời điểm mà lực lượng khuân vác hoạt động hết công suất. Những xe hoa quả như dưa hấu, cam, quýt... bắt đầu "đổ bộ" xuống chợ, để rồi tiếp tục theo chân các tiểu thương len lỏi cung cấp cho người dân khắp thành phố ngày hôm sau.
Địa điểm cuối cùng chúng tôi có mặt là chợ hoa Quảng Bá. Cảm giác được chìm vào không gian của trăm ngàn loài hoa khiến cho tâm hồn bỗng dịu lại. Và có thể nhận thấy nét phấn khởi của các chủ cửa hàng khi liên tục những xe hoa đến-đi... Bốn giờ sáng, chuyến "Hà Nội by night" của chúng tôi tạm kết bằng tô cháo sườn “huyền thoại” bên hông chợ Đồng Xuân.
Theo UBND TP Hà Nội, trong thời gian qua tại nhiều tuyến phố đã hình thành các mô hình dịch vụ, văn hóa vào cuối tuần vào ban đêm thu hút được sự quan tâm tham gia sinh hoạt, ăn uống, giải trí của đông đảo nhân dân thủ đô cũng như du khách quốc tế. Có thể kể đến là: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian đi bộ trong khu phố cổ; Không gian ẩm thực đêm tại chợ đêm Đồng Xuân... thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Quận Tây Hồ có tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Dự kiến tại quận Ba Đình sắp tới sẽ mở khu phố ẩm thực đêm tại Đảo Ngọc - Ngũ Xã, trong đó trung tâm là trục Ngũ Xã - Nguyễn Khắc Hiếu... Tại Sơn Tây, UBND thị xã cũng đang khẩn trương triển khai tuyến phố đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây nhằm hình thành một không gian giải trí, văn hóa, du lịch cho người dân và du khách.
Bên cạnh đó, thời gian qua trên địa bàn TP Hà Nội cũng xuất hiện nhiều cửa hàng, quán xá hoạt động về đêm như các quán phở, cháo đêm, đặc biệt là hệ thống cửa hàng/siêu thị hoạt động 24/24h như Circle K, Fast24h, Co.op Food; Shop&Go... đã góp phần hình thành thói quen ăn uống, mua bán vào ban đêm. Đây cũng chính là những biểu hiện đặc trưng của nền KTBĐ.
Chủ động trước những nguy cơ
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, từ khi triển khai các hoạt động du lịch đêm, trong đó có việc thí điểm mở cửa các quán bar, nhà hàng đến 2 giờ sáng, lượng khách du lịch quốc tế đến lưu trú tại quận Hoàn Kiếm đã tăng nhanh: năm 2016 đạt gần 1,4 triệu lượt du khách, tăng 22,8% so với cùng kỳ; năm 2017 đạt 1,95 triệu lượt du khách, tăng 30,2%; năm 2018 đạt gần 2,2 triệu lượt du khách, tăng 12%; năm 2019 gần 2,5 triệu lượt du khách tăng 13%. Ngoài ra, số lượng cửa hàng kinh doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chuyển sang các hoạt động dịch vụ du lịch tăng 594 cơ sở (khu phố cổ, phố cũ có 568 cơ sở; khu vực ngoài đê có 26 cơ sở).
Theo đại diện Công an TP Hà Nội, việc thành phố thí điểm cho "mở" một số loại hình KTBĐ đã tạo cơ hội và động lực mới cho phát triển kinh tế. Song, với đặc thù là hoạt động kinh tế diễn ra vào ban đêm nên đã và đang tiềm ẩn những nguy cơ, thách thức đối với công tác bảo vệ an ninh chinh trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó nổi lên là công tác phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, nạn đua xe, phòng, chống cháy nổ.... Đây là những thách thức đòi hỏi cơ quan chức năng phải có những giải pháp hiệu quả; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, từ sớm, từ cơ sở.
Thực tế thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hà Nội đã liên tục xảy ra các vụ việc gây mất an ninh trật tự, điển hình là những vụ trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, đua xe, chống người thi hành công vụ... xảy ra vào ban đêm. Mục tiêu các đối tượng hướng đến là những người dân, khách du lịch đi chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi.
Cuối tháng 2-2022, Công an quận Hoàn Kiếm tiếp nhận đơn trình báo của chị Nguyễn Thị T.T, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội bị "móc túi" gây thiệt hại nhiều tài sản. Buổi tối cách đó mấy hôm, chị T. cùng anh S. (quốc tịch Mỹ) đi bộ trên vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng. Khi đi đến khu vực nhà vệ sinh Bờ Hồ thì bỗng "va" vào hai phụ nữ khác. Chỉ trong khoảnh khắc, hai đối tượng đã móc mất chiếc điện thoại Iphone trị giá hàng chục triệu đồng của anh S. Chưa hết, đối tượng còn truy cập vào tài khoản ngân hàng lưu trên điện thoại và lấy đi hơn ba mươi triệu đồng. Công an quận Hoàn Kiếm đang khẩn trương điều tra.
Liên tiếp trong các ngày 26-2; 2-3 và 3-3 tại một số cửa hàng thuộc chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K, Vinmart... đã xảy ra các vụ cướp tài sản nhằm vào nhân viên cửa hàng. Những vụ cướp này đều nhằm vào phụ nữ, xảy ra vào thời điểm đêm muộn và rạng sáng, gây hoang mang dư luận.
Rạng sáng 2-3, nữ nhân viên tên H. của cửa hàng Circle K (khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông) tiến hành kiểm đếm ở khu vực thu ngân. Bất ngờ xuất hiện vị khách trong bộ đồng phục “xe ôm” công nghệ lẳng lặng tiến vào. Quan sát nhanh xung quanh, gã bất ngờ rút con dao loại chọc tiết lợn chĩa về nữ nhân viên buộc chị H. phải lấy trong quầy số tiền 1 triệu đồng đưa cho tên cướp. Sự việc diễn ra được camera an ninh ghi lại trong chưa đầy 3 phút.
Chỉ sau hơn một tuần tổ chức điều tra, Công an quận Hà Đông phối hợp Phòng CSHS Công an TP Hà Nội đã bắt giữ đối tượng gây án là Lê Văn Thường (sinh năm 1990, trú tại phường Ỷ La, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Chính Thường là kẻ đã vào cửa hàng tiện ích Circle K tại Khu đô thị Văn Phú đêm hôm trước dùng dao đe dọa, uy hiếp nhận viên bán hàng, cướp 1 triệu đồng.
Trước đó, ngày 26-2-2022 tại cửa hàng Circle K thuộc phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) cũng xảy ra vụ cướp. Đối tượng dùng dao uy hiếp nữ nhân viên để lấy tiền trong két thu ngân. Tuy nhiên đối tượng không cướp được gì và bỏ đi.
Khoảng 22 giờ ngày 3-3-2022 cửa hàng Vinmart (phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ) nam đối tượng dùng dao đe dọa chị V.T.T (trú tại Bình Lục, Hà Nam) cướp số tiền 6 triệu đồng và một chiếc điện thoại Iphone. Chỉ sau một ngày điều tra, Công an quận Tây Hồ phối hợp với Công an huyện Thanh Trì và Phòng CSHS đã tìm ra thủ phạm là Nguyễn Xuân Trường (sinh năm 1994, thường trú tại Ia Grai, Gia Lai). Trước đó, Trường cũng gây ra một vụ cướp tài sản tại cửa hàng Vinmart trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Trước tình trạng trên, Công an TP Hà Nội cũng đã có các kế hoạch, phương án nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các sở, ban, ngành, các lực lượng liên quan trong công tác bảo đảm ANTT góp phần phát triển KTBĐ, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt.
Công an TP Hà Nội giao các đơn vị nghiệp vụ cùng công an các quận huyện chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, trật tự văn minh đô thị, bảo vệ an toàn cho các hoạt động KTBĐ trên địa bàn. Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật tại các địa bàn, khu vực có hoạt động KTBĐ.
Thường xuyên tổ chức cao điểm tấn công, truy quét các băng, nhóm tội phạm, đối tượng hình sự trên địa bàn, khu vực có hoạt động KTBĐ. Tập trung phát hiện, đấu tranh với các tội phạm hoạt động có tổ chức, "tín dụng đen", bảo kê, tội phạm chống người thi hành công vụ, trộm cướp, phá hoại tài sản; triệt xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, đánh bạc, cá độ, mại dâm bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh tại địa bàn, khu vực có hoạt động KTBĐ...
M.Tiến - M.Trí
Chuyên gia: Đã đến lúc Hà Nội nên cho karaoke hoạt động trở lại |
Khinh khí cầu lần đầu tiên bay trên bầu trời Hà Nội |
Ngày đăng: 13:24 | 30/03/2022
/ antg.cand.com.vn