Kinh tế 2023 đối mặt với không ít nguy cơ, thách thức. Khả năng tận dụng các cơ hội, đồng thời hóa giải, biến “nguy” thành “cơ” như thế nào sẽ quyết định thành công đến đâu.

Rủi ro kinh tế toàn cầu suy thoái cao

Gác qua một bên những thành tựu đã đạt được trong năm qua, nền kinh tế 2023 đối mặt với không ít thách thức, bao gồm những “cơn gió ngược”, rủi ro “chuyển tiếp” từ năm 2022, cũng như cả những thách thức mới sẽ phát sinh trong bối cảnh toàn cầu vẫn bất định hiện nay.

Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, những rủi ro lớn nhất trong năm nay là những tác động từ môi trường kinh tế bên ngoài và những yếu tố nội tại trong nước. Cụ thể với bên ngoài là rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - bắt đầu mở cửa trở lại nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu; lạm phát toàn cầu nhiều khả năng đã qua đỉnh nhưng còn cao và tiếp tục tạo áp lực lớn đến kinh tế trong nước; tình hình thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu còn “căng” ít nhất trong nửa đầu năm và hoạt động thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục để đối phó với lạm phát…

3814_3711_How-Is-an-Economy-Formed-Why-It-Grows
Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, những yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong rất khó lường, chưa dự báo được, có thể gây ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. “Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại; một số khu vực, quốc gia có nguy cơ rơi vào suy thoái. Những tác động đó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, từ thị trường tài chính tiền tệ cũng như các lĩnh vực kinh tế khác.

Ông Hiển lấy ví dụ: Trong 10 nền kinh tế chiếm hơn 71% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì có tới 7 nền kinh tế (gồm: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh, Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 58% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) được dự báo trải qua suy thoái kinh tế ở mức độ nhẹ trong ngắn hạn nên sẽ khiến nhiều ngành xuất khẩu chủ lực tiếp tục bị ảnh hưởng. Hay trong 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam (chiếm khoảng 93% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam) thì ngoài Trung Quốc và Thái Lan có dự báo tương đối tích cực, các đối tác còn lại như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ… chiếm 72% tổng vốn đầu tư được dự báo có dấu hiệu rơi vào suy thoái trong năm nay ở các mức độ khác nhau.

"Những yếu tố trên phản ánh những tác động của suy thoái toàn cầu nói chung, một số nền kinh tế lớn nói riêng đến kinh tế Việt Nam. Vì vậy mục tiêu tăng trưởng 6,5%; lạm phát 4,5%, cùng nhiều mục tiêu khác đã được Quốc hội thông qua trong năm 2023 nếu không có sự điều hành linh hoạt chắc chắn sẽ là những thách thức rất lớn", ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

Nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái cũng là vấn đề được nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhấn mạnh trong báo cáo nghiên cứu gần đây. Theo đó, với định nghĩa suy thoái đối với kinh tế thế giới là tăng trưởng GDP cả năm dưới 1% (đây cũng là định nghĩa của WB); đối với các nước phát triển (Mỹ, khu vực Euro, Anh và Nhật Bản) tăng trưởng GDP cả năm âm; và với Trung Quốc khi tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn đáng kể xu thế dài hạn thì nguy cơ suy thoái hiện đang cao hơn 50% dựa trên 10 tiêu chí mà Nhóm chuyên gia lấy làm cơ sở để đánh giá. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, một số đặc điểm của cuộc suy thoái này nếu xảy ra là: Suy thoái chỉ ở mức độ nhẹ; thời gian không kéo dài (khả năng từ quý II/2023 đến quý I/2024) và xảy ra cục bộ ở một số nền kinh tế.

Tận dụng những cánh cửa hẹp bằng tâm thế chủ động

Nhóm nghiên cứu BIDV cho rằng, nếu suy thoái toàn cầu xảy ra sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam trong năm nay, với dự báo tăng trưởng GDP chỉ ở mức khoảng 6-6,5%, do xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế phục hồi chậm lại. Trong khi đó, lạm phát bình quân dự báo tăng so với năm 2022 lên mức 4-4,5%, chủ yếu do tăng lương cơ sở và điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý, cũng như do độ trễ tác động của giá nhập khẩu (mặc dù lạm phát toàn cầu đã qua đỉnh và đang trên đà tăng chậm lại). Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý các dự báo trên chưa tính đến đầy đủ tác động của suy thoái kinh tế thế giới có thể ảnh hưởng mạnh hơn đến Việt Nam trong các lĩnh vực xuất khẩu; đầu tư nước ngoài; cán cân thanh toán và tỷ giá; thị trường lao động và năng suất lao động.

Với triển vọng toàn cầu như vậy, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học FulBright Việt Nam nhận định tăng trưởng kinh tế trong quý I và quý II năm nay sẽ không tích cực. Tuy nhiên trước những khó khăn, thách thức chung đó của thế giới, Việt Nam vẫn có những “cửa hẹp” để có thể đổi chiều chính sách và giải quyết được những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế khi các điều kiện bên ngoài cho phép. Ví dụ, nếu nhìn vào Mỹ thì “cửa hẹp” này sẽ rơi vào giữa năm 2023.

Chuyên gia này phân tích, mặc dù Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, và trong kịch bản xấu nhất hiện nay thì có thể tăng 3 lần nữa trong năm nay. Trong đó, lần tăng đầu tiên là tại cuộc họp chính sách đầu tháng 2 này với tăng lãi suất 0,25%. Còn hai lần tăng lãi suất nữa dự báo vào tháng 3 và tháng 5.

“Thời điểm đầu tháng 5 khả năng rất cao là lần Fed tăng lãi suất cuối cùng, sau đó sẽ duy trì ở mức đỉnh lãi suất đồng USD từ 5-5,25% cho đến cuối năm 2023. Như vậy, cuối tháng 5 sẽ có dư địa cho Việt Nam do chúng ta không phải chạy đua lãi suất trong nước theo lãi suất đồng USD, áp lực tỷ giá sẽ qua đi. Đấy sẽ là dư địa để chúng ta đổi hướng chính sách”, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng nhận định một tác động tích cực nữa nhìn từ bên ngoài là việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Trong đó, dù có những “hỗn loạn” ban đầu (dự báo trong quý I) nhưng Trung Quốc sẽ thích ứng dần và tự tin hơn vào chính sách mở cửa (dự báo từ quý II), từ đó tạo cú hích về khôi phục tổng cầu nội địa, cũng như tạo cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam sang Trung Quốc và cơ hội cho khách du lịch của Trung Quốc vào Việt Nam.

Dù kỳ vọng vào các điều kiện thuận lợi hơn từ bên ngoài sẽ tạo các cửa hẹp cho Việt Nam như vậy, nhưng chuyên gia này lưu ý “chúng ta không thể chờ đợi một cách thụ động mà cần luôn sẵn sàng và chủ động. “Như với chính sách tiền tệ, nếu điều kiện cho phép - mà như tôi kỳ vọng vào giữa năm nay - thì có thể nới lỏng chứ không nhất thiết phải chờ đến khi các quốc gia khác hạ lãi suất”, chuyên gia này nói.

Để đối phó với rủi ro suy thoái kinh tế thế giới trong năm 2023, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV kiến nghị tiếp tục bám sát, dự báo tình hình kinh tế, tài chính tiền tệ quốc tế để có phương án ứng phó kịp thời; nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng. Đặc biệt, cần quan tâm đảm bảo cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân.

Các chuyên gia cũng cho rằng, khi giải ngân đầu tư công nhanh và hiệu quả; tiêu dùng trong nước kỳ vọng vững mạnh sẽ là những yếu tố giúp bù đắp cho khả năng xuất khẩu suy giảm nhưng vẫn rất cần chú ý đến thu hút, thúc đẩy nguồn vốn FDI, đặc biệt là nguồn vốn thực hiện. “Cùng với giải ngân vốn đầu tư công, cần nhấn vào giải ngân vốn FDI thì nền kinh tế mới có được bức tranh sáng trong năm nay”, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.

Ngày đăng: 08:33 | 08/02/2023

Đỗ Lê / Thời báo Ngân hàng