Để đảm bảo an toàn khi học sinh tới trường trong điều kiện bình thường mới, các địa phương đã áp dụng những biện pháp gì?

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 20/11, cả nước có 29 tỉnh, thành phố đang dạy học trực tiếp, 16 tỉnh, thành phố kết hợp giữa dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình, 18 tỉnh, thành phố dạy trực tuyến và qua truyền hình.

Giáo viên, học sinh tiêm vaccine

Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, hiện 97% giáo viên và học sinh bậc THPT trên địa bàn được tiêm mũi 1, chuẩn bị tiêm mũi 2 vaccine COVID-19. Đây là điều kiện tốt để mở cửa trường học.

Để đảm bảo an toàn, không ca lây nhiễm trong học đường, thành phố từng bước mở cửa trường, trước tiên là học sinh khối lớp 12 đi học lại vào ngày 22/11, đến ngày 29/11 tiếp tục cho học sinh khối lớp 10 và 11 đến trường. Việc đi học lại chỉ triển khai trên các địa phương cấp độ 1, 2. Nhờ vậy, mức độ an toàn và nguy cơ lây nhiễm có thể kiểm soát tốt hơn.

Kinh nghiệm mở cửa trường học ở những nơi có dịch - 1
Học sinh Hà Nội tiêm vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh minh hoạ: Zing.vn)

Đối với vùng cấp độ 3, thành phố chưa vội mở cửa trường học. Thành phố nhanh chóng triển khai tiêm phủ vaccine cho học sinh các khối lớp 8, 9 để mở cửa trường học trong tháng 12 tới. “Dự kiến sau khi học sinh tiêm mũi 1 được 14 ngày, Sở sẽ đề xuất với thành phố các khối lớp này đến trường. Riêng với các khối lớp còn lại, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, Sở GD&ĐT sẽ có kế hoạch cụ thể”, bà Thuận cho biết.

Khoanh vùng diện hẹp

Từng là địa phương ghi nhận gần 300 ca COVID-19 lây nhiễm trong trường học hồi đầu tháng 11, hiện Phú Thọ đã kiểm soát tốt dịch và hầu như học sinh toàn tỉnh đã được đến trường. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết, để đảm bảo an toàn và hạn chế lây nhiễm trong học đường, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, cơ sở y tế và Đoàn thanh niên.

Khi một điểm trường học phát hiện F0, Sở GD&ĐT cho tạm dừng việc học và khẩn trương phối hợp với cơ quan y tế thực hiện test nhanh toàn bộ học sinh, giáo viên. Sau đó, sẽ cho học sinh, giáo viên về nhà tự cách ly trong sự giám sát của Đoàn thanh niên và lực lượng chức năng cơ sở. Trong thời gian cách ly tại nhà, trung bình 3 ngày sẽ cử cán bộ y tế đến lấy mẫu test. Sau 7 - 14 ngày đảm bảo an toàn mới mở cửa trường học trở lại.

"UBND tỉnh và Sở GD&ĐT chủ trương, dịch xảy ra ở trường nào thì khoanh vùng ở trường đó, khoanh vùng theo diện hẹp, kiểm soát chặt chẽ. Tuyệt đối không cứng nhắc, không khoanh vùng toàn bộ trường học trong xã hoặc huyện gây gián đoạn việc học", Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ nói.

Sở cũng yêu cầu các trường phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức phun khử khuẩn 1 lần/ ngày toàn bộ trường học có F0, F1. Các trường xung quanh tổ chức vệ sinh trường, lớp học và các khu nội trú, bán trú, nhà ăn.

Các trường bố trí thời khóa biểu, lịch học cho từng khối, lớp đảm bảo phù hợp trong điều kiện phòng, chống COVID-19, hạn chế tối đa việc học sinh tập trung, tiếp xúc gần với nhau trong thời gian ngoài giờ học. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định. Đặc biệt, không tổ chức hoạt động đông người, tiết học ngoại khoá, ngoài trời nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo.

Kinh nghiệm mở cửa trường học ở những nơi có dịch - 2
Học sinh đi học trở lại sau thời gian dài nghỉ dịch. (Ảnh minh hoạ: Đ.H)

Giảm sĩ số, chia ca học, phân luồng

"Mở cửa trường học là việc tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Không địa phương nào có thể 'mạnh miệng' khẳng định mở cửa trường học sẽ an toàn tuyệt đối, không ca lây nhiễm. Để trường học mở cửa an toàn, cần sự vào cuộc của cả phụ huynh và nhà trường. Nhiều khi nguồn lây nhiễm cho các con không xuất phát từ trong trường, lớp mà từ phụ huynh, xã hội", ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết.

Thời điểm này cần giảm sĩ số bằng cách chia lớp, chia ca học, phân luồng học sinh và bỏ các hoạt động vui chơi ngoài trời tập trung đông người trong khuôn viên trường học. Sở GD&ĐT tỉnh này cũng yêu cầu các trường quán triệt học sinh thường xuyên theo dõi sức khoẻ, nếu có bật thường như: họ, sốt, đau rát họng... cần báo ngay để có phương án theo dõi, tránh không để sự việc đáng tiếc xảy ra.

Các trường cũng yêu cầu sau giờ học, học sinh trở về ngay, không la cà, tụ tập. Việc đón đưa học sinh cũng được sắp xếp lệch múi giờ, mỗi khối lớp cách nhau 10 đến 15 phút, ông Thành chia sẻ thêm kinh nghiệm.

Đây cũng là cách là được ngành GD&ĐT Phú Yên áp dụng khi cho 8 huyện có cấp độ dịch 1, 2 đi học trở lại trong đầu tháng 11 qua. Theo ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để học sinh đến trường an toàn cần thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp 5K như: đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, không tập trung đông đúc, chưa tổ chức ăn bán trú và từng bước mở cửa các khối lớp.

Ông cho rằng, để các con đến trường an toàn, cần sự thống nhất và cùng vào cuộc từ các phụ huynh. Gia đình, trường học cùng giữ được an toàn thì học sinh mới có nguy cơ mắc thấp nhất có thể.

Từ kinh nghiệm cho học sinh lớp 9 ở huyện Ba Vì đi học trực tiếp an toàn, không có ca mắc trong trường từ ngày 8/11, mới đây Hà Nội cho toàn bộ học sinh lớp 9 của 17 huyện, thị xã bắt đầu đến trường.

Đại diện Sở GD&ĐT thành phố cho biết, khi mở cửa trở lại, các trường bắt buộc phải đạt yêu cầu an toàn theo bộ tiêu chí tại hướng dẫn liên ngành của Sở GD&ĐT cùng Sở Y tế Hà Nội, đồng thời lên phương án đảm bảo giãn cách, giảm sĩ số học sinh trên một buổi dạy. Những giáo viên chưa tiêm đủ hai mũi vaccine COVID-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp.

Trong quá trình dạy trực tiếp, nếu xảy ra trường hợp liên quan dịch tễ các ca nhiễm, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, thị xã tự quyết định dừng việc học trực tiếp để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.

Học sinh Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều địa phương đã dừng đến trường khoảng 6 tháng, trong đó hơn một tháng học online liên tục. Nhiều nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý đánh giá ở nhà quá lâu và tiếp xúc với máy tính liên tục có thể khiến trẻ sợ hãi, lo lắng quá mức; kích động so với bình thường hoặc so với phần lớn trẻ khác; hành vi ứng xử hung hăng, mất kiểm soát và chống đối; dễ nóng nảy và cáu kỉnh; né tránh các tương tác xã hội; mất hứng thú với các hoạt động yêu thích; ăn mất ngon hoặc ăn quá nhiều...

Ngày 2/11, Bộ Y tế cùng với Bộ GD&ĐT ban hành sổ tay "Hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 tại trường học". Hướng dẫn này tài liệu đưa ra trách nhiệm, hưỡng dẫn và biện pháp phòng chống dịch an toàn trong trường học. Sổ tay được xác định là một trong những công cụ giúp làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 trong môi trường học đường cho trẻ.

Kinh nghiệm mở cửa trường học ở những nơi có dịch - 3
Kinh nghiệm mở cửa trường học ở những nơi có dịch - 4
Kinh nghiệm mở cửa trường học ở những nơi có dịch - 5
Kinh nghiệm mở cửa trường học ở những nơi có dịch - 6
Kinh nghiệm mở cửa trường học ở những nơi có dịch - 7

Ngày đăng: 08:56 | 29/11/2021

/ vtc.vn