Rác thải tràn lan ra sông, mương,... gây ô nhiễm môi trường tại thôn Vĩnh Ninh (Hà Nội), biến nơi đây thành điểm nóng sốt xuất huyết với hàng trăm ca nhiễm bệnh.
Trên các con sông, mương, cống tại thôn Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội), nước đen ngòm, bốc mùi hôi tanh gây ô nhiễm môi trường. Nhiều khu vực tại đây ngập trong rác thải.
Các biển cấm vứt rác được cắm tại nhiều nơi, song người dân vẫn không chấp hành thực hiện theo. Hiện, nơi đây được coi là "điểm nóng" của dịch sốt xuất huyết.
Hiện tại huyện Thanh Trì là một trong số huyện của Hà Nội có số người mắc sốt xuất huyết cao nhất, xã Vĩnh Quỳnh chiếm 70% số người mắc bệnh sốt xuất huyết của huyện.
Tính đến hết ngày 22/8 xã này đã có 257 người mắc bệnh cao gấp 6 lần so với cả năm 2022. Đáng chú ý, riêng thôn Vĩnh Ninh chiếm hơn 90% số ca mắc sốt xuất huyết của toàn xã.
Theo ông Khuất Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Thanh Trì , việc chống dịch sốt xuất huyết cần cả cộng đồng dân cư cùng quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch một cách đồng bộ, đúng hướng dẫn, đúng quy trình.
Do vậy vai trò của ban lãnh đạo các thôn, tổ dân phố các thành viên đội xung kích, hội viên các ngành đoàn thể trong việc hành động và tuyên truyền đến người dân là yếu tố quyết định.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết trong năm 2023 tại Hà Nội có thể rơi vào khoảng tháng 9 và tháng 10. Giai đoạn này, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ cao, tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi truyền bệnh.
"Hà Nội đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc dẫn đến nguy cơ cao bùng phát, lan rộng dịch sốt xuất huyết. Đặc biệt, giai đoạn này, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học, cũng là nguyên nhân làm tăng số ca thuộc đối tượng dễ mắc sốt xuất huyết", ông Cương chia sẻ.
Anh T. - người dân ở thôn Vĩnh Ninh cho biết, gia đình anh có 4 người thì 3 người mắc sốt xuất huyết. Sau hơn 1 tuần điều trị tại bệnh viện thì anh T. và người nhà ở nhà nghỉ ngơi, xin nghỉ ở công ty thêm ít ngày.
Cũng theo anh T. ở thôn Vĩnh Ninh đang còn nhiều ổ dịch. Nhiều gia đình vẫn chưa ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Nước thải chảy ra sông, mương tích tụ lâu ngày gây ô nhiễm.
"Mấy ngày nằm viện vì sốt xuất huyết tôi liên tục bị sốt, cơ thể đau nhức. Nó mệt mỏi hơn cả bị mắc COVID-19 hay các loại dịch bệnh khác", anh T. chia sẻ.
Anh T. cũng cho biết thêm trước đây sông, mương vây quanh thôn rất sạch sẽ, những ngày hè có thể tắm được nhưng giờ đây chỉ toàn là nước thải. Ở đây là vùng trũng của huyện Thanh Trì, đến vụ mùa nước từ sông Tô Lịch, sông Nhuệ kèm chất bẩn cũng chảy về. Nước lâu ngày không thoát được ô nhiễm vô cùng.
Theo một số người dân tại đây, Hợp tác xã nông nghiệp thôn Vĩnh Ninh đã tự động lấy nguồn nước bẩn, hôi thối chưa qua xử lý từ sông Nhuệ, sông Tô Lịch để làm mùa vụ đưa vào ruộng, năm 2 vụ lấy 2 lần. Có thể đây cũng là nguyên nhân khiến môi trường thôn Vĩnh Ninh thêm ô nhiễm.
"Không chỉ nhà tôi mà nhà nào cũng vậy. Có ngày chong đèn bẫy được cả túi muỗi. Nhìn cảnh tượng đó mà ám ảnh. Giữa Thủ đô Hà Nội mà nước thải bao vây cả làng. Chúng tôi mong các cấp chính quyền có phương án gì để tình trạng này không còn nữa", một người dân chia sẻ.
Vừa qua, Hà Nội cũng đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, bảo đảm tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch bệnh và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quản lý. Không để tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện trên địa bàn kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, nhà hàng… để quyết liệt ngăn không cho dịch bùng phát mạnh.
Ngày đăng: 14:14 | 26/08/2023
Anh Trí / VTC News