Từ đầu năm đến nay tội phạm ma túy hoạt động vô cùng manh động, liều lĩnh, số lượng, số lần vận chuyển “hàng trắng” tăng lên đột biến.

Có những vụ buôn bán, vận chuyển ma túy bị các cơ quan chức năng điều tra, phát hiện, khiến người dân không khỏi bàng hoàng. Không phải số lượng vài tép hê-rô-in, vài cân thuốc phiện nữa mà tới cả 5 tạ, cho đến 1,1 tấn ma túy. Nếu không bị bắt giữ, thứ hàng giết người này thẩm lậu vào thị trường sẽ gây hại cho dân ta biết chừng nào! Số người nghiện và tái nghiện sẽ tăng nhanh như nấm mọc sau mưa. Sẽ có biết bao gia đình tan cửa nát nhà; biết bao vụ tai nạn giao thông, vụ án bất ngờ, tang thương mà nguyên nhân bắt nguồn từ chính những người thân trong gia đình liên quan đến ma túy.

Tại diễn đàn kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, có vị đại biểu nêu câu hỏi: Vì sao chúng ta tấn công tội phạm ma túy bao năm nay, hi sinh xương máu, dốc bao nhiêu công sức, tiền của mà tội phạm ma túy vẫn tăng chóng mặt? Rõ ràng công tác quản lý, điều tra, tấn công tội phạm đang có vấn đề. Mặc dù các lực lượng chức năng như công an, biên phòng, hải quan… đã có nhiều cố gắng nhưng phải chăng tình trạng bảo kê, làm ngơ, thậm chí đồng lõa để “làm luật” giữa những cán bộ thoái hóa biến chất và bọn buôn bán ma túy vẫn chưa được ngăn chặn. Lại còn những khoảng trống luật pháp, những khe hở khiến cho các ông trùm ma túy trong nước phối hợp với người nước ngoài liều lĩnh tận dụng những khe hở đó. Bọn chúng có tâm lý, tội phạm ma túy bị bắt sẽ bị xử phạt rất nặng, đằng nào cũng “dựa cột”, cho nên chúng ngày càng liều lĩnh, vận chuyển những chuyến hàng với số lượng rất “khủng”.

Có một nguyên nhân bắt nguồn từ các hoạt động kinh tế. Tội phạm ma túy đã rất tinh ranh khi lợi dụng chủ trương thu hút đầu tư, thành lập doanh nghiệp để vận chuyển phương tiện, nguyên liệu, thuê kho bãi... qua biên giới đến các khu, cụm công nghiệp, đó chính lại là con đường ma túy thẩm lậu vào nước ta. Chúng cất giấu số lượng lớn ma túy vào hàng hóa, hành lý trên các phương tiện thường xuyên qua lại biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia. Chúng triệt để lợi dụng chính sách quản lý hải quan của ta là chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất (không kiểm tra hải quan) cất giấu ma túy trong hàng hóa trên các phương tiện quá cảnh.

Không chỉ vận chuyển độc lập, ma túy còn được pha tẩm vào các loại đồ uống, hóa mỹ phẩm, các loại thực phẩm thường dùng gửi trên các chuyến bay từ các nước châu Âu, Mỹ, Ca-na-đa, Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia… về Việt Nam dưới dạng quà biếu, quà tặng với tên, địa chỉ người nhận không rõ ràng. Khi bị phát hiện, “chủ hàng” nhanh chóng tẩu thoát.

Không thể để tội phạm ma túy tiếp tục hoành hành. Vấn đề là ở chỗ, phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, với những chế tài hết sức cụ thể để xóa đi những khoảng trống về pháp luật. Chẳng hạn có những vụ việc, do yêu cầu nghiệp vụ, lực lượng công an đề nghị hải quan không bắt giữ tang vật ngay. Lực lượng điều tra sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ câu nhử, bắt đối tượng, từ đó bóc gỡ tận gốc đường dây ma túy. Đó là “cách đánh”, nhưng khi đối tượng trốn thoát thì nảy sinh rất nhiều phức tạp. Trước hết là công tác bàn giao hồ sơ, tang vật không thể tiến hành vì không có tang vật và đối tượng để điều tra thì không thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Một khó khăn nữa là cơ chế phối hợp, nắm bắt trao đổi thông tin giữa các lực lượng dường như mới chỉ thể hiện trên các văn bản và còn nặng hình thức. Một bộ quy chế chuẩn mực phối hợp chặt chẽ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, phù hợp chức năng, thẩm quyền của từng lực lượng trong tình hình mới vẫn chưa được xây dựng.

Tiến hành rà soát, khắc phục những thiếu sót, kẽ hở là việc cần làm ngay, càng sớm càng tốt, nhất là đối với các khâu thực hiện quy trình thủ tục hải quan mà tội phạm dễ bề lợi dụng hoạt động. Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu, sử dụng tiền chất, không để tội phạm lợi dụng vận chuyển, sản xuất ma túy. Đó là một biện pháp chặn từ gốc. Còn nếu chỉ nhìn vào những vụ việc cụ thể với tính chất ngày càng liều lĩnh, phức tạp thì chính quyền và các cơ quan pháp luật sẽ rơi vào những bất ngờ khác. Cũng như lâu nay pháp luật đã ra tay trừng trị bọn tội phạm ma túy với rất nhiều bản án nghiêm khắc từ chung thân đến tử hình, nhưng vì siêu lợi nhuận chúng vẫn lao vào như những con thiêu thân. Bởi việc xử phạt suy cho cùng vẫn chỉ giải quyết ở phần ngọn.

Trần Quang

Theo SKMT

kinh hoang ma tuy

Thiếu tá biên phòng hi sinh khi bắt tội phạm ma túy chưa kịp đeo quân hàm mới

Vừa mới được thăng quân hàm từ đại úy lên thiếu tá, thế nhưng sĩ quan biên phòng Vi Văn Nhất ở Thanh Hóa đã ...

kinh hoang ma tuy

Thiếu tá biên phòng hy sinh khi bắt nhóm buôn ma tuý xuyên biên giới

Bị truy kích, nhóm buôn ma tuý xuyên quốc gia nổ súng khiến một cán bộ biên phòng Thanh Hoá hy sinh, hai chiến sĩ ...

kinh hoang ma tuy

\'Những con cá lớn thường ẩn đằng sau các vụ bắt ma túy khủng\'

Việc bắt hàng loạt vụ ma túy khối lượng lớn từ Tam giác Vàng vận chuyển qua Việt Nam tới các nước thứ ba cho ...

Ngày đăng: 09:50 | 04/06/2019

/