Thời kim chỉ vá may hình như đã chấm dứt rồi. Rất nhiều gia đình ở phố trong nhà chẳng có cây kim sợi chỉ nào cả. Và cũng không hề cảm thấy thiếu thốn.
Những tưởng kim chỉ vá may là việc của đàn bà mà không phải thế. Cổ ngữ Việt gọi những người thợ lành nghề là “phó”. Bác phó mộc đóng đồ gỗ và làm nhà. Ông phó cối đóng cối xay lúa. Ông phó rèn đánh dao, kéo, liềm, hái. Ông phó may cắt may quần áo. Ông phó nhòm là cách gọi người thợ chụp ảnh thời Pháp thuộc. Thợ cắt tóc mới xuất hiện hồi đầu thế kỷ trước được gọi là phó cạo. Nhưng thật ngạc nhiên, mở Đại từ điển tiếng Việt do nhóm Nguyễn Như Ý soạn và xuất bản năm 1999 hoàn toàn không có mục từ “phó” theo nghĩa này. Nó không phải là từ ra đời sau 1999. Cũng chưa quá cổ đến mức không còn ai dùng.
Cửa hàng may trên phố Hàng Đào cuối thế kỷ 19 |
Không bao giờ có “bà phó may” dù rằng đàn bà luôn gắn với kim chỉ từ thuở thiếu thời. Tất cả các hiệu may Hà Nội ngày trước cũng được đặt tên theo ông thợ chính. Làm nên thương hiệu hay không cũng là bởi các ông này. Xa xưa có ông Cát Tường nổi tiếng may áo dài, ông Tiến Thành may comple. Những năm sau tiếp quản Thủ đô hầu hết thợ may tư nhân phải vào hợp tác xã. Những cái tên Hợp tác xã Tiến Bộ, Duy Nhất, Chiến Thắng… ra đời thay cho tên người thợ tiếng tăm ngày trước. Tên của các ông không được viết lên biển hiệu nữa nhưng người Hà Nội đi may quần áo vẫn nhớ nằm lòng. Những ông Khang, ông Ý, ông Cương thợ may ở đầu phố Bà Triệu vẫn có hệ thống khách hàng quen thuộc của mình. Nhiều người may quần áo ở chỗ các ông đến hết đời.
Chẳng hiểu sao suốt thời bao cấp kể từ khi phát hành phiếu vải cho dân phố vào năm 1963 với tiêu chuẩn hạn chế mà các Hợp tác xã may mặc vẫn tồn tại được. Người dân bình thường có tiêu chuẩn 4m vải một năm chỉ đủ may một bộ quần áo nếu như cao dưới 1,6m. Người cao hơn sẽ là quần dài và áo cộc tay. Cán bộ được tiêu chuẩn 5m vải một năm cũng là vừa đủ. Thợ may quen khéo tay có thể gạn ra thêm được chiếc quần đùi. Thời nghèo đói túng thiếu thế nhưng dân phố có thể gọi là chơi sang. Quần áo toàn bộ may đo ở các cửa hiệu. Áo dài phụ nữ còn được khâu tay hoàn toàn. Thực ra thì thời kỳ này cũng chỉ phần lớn đàn ông là may quần áo ở hiệu. Đàn bà thường chỉ may áo sơ mi mà thôi. Cái quần lụa chị em nào cũng có thể tự cắt và khâu tay được. Kim chỉ vá may theo nghĩa gia đình hoàn toàn do đàn bà ở nhà lo liệu. Thùa khuyết, đơm khuy và vá quần áo trẻ con gần như lúc nào cũng có việc. Những việc phải dùng đến máy khâu buộc phải ra hiệu kể từ pic-kê chiếc quần dài cho đến lộn cổ áo sơ mi. Thợ thuyền cũng chia ra làm hai đẳng cấp khác biệt. Thợ yếu lo việc vá chữa quần áo. Thợ bậc cao mới được cắt may quần áo mới.
Những năm cuối cùng của chế độ bao cấp, dân phố nghèo đến mức chưa từng thấy. Những thầy giáo, kỹ sư, họa sĩ tự mày mò học cắt may quần áo để phụ vào đồng lương ít ỏi. Nhiều người đã trở nên nổi tiếng bằng nghề tay trái này và kiếm tiền còn nhiều hơn lương lĩnh ở cơ quan. Lúc này chị em cũng có người mở hiệu may ở nhà. Chủ yếu chỉ may quần áo của phụ nữ mà không có khách hàng đàn ông. Dân phố hình như mặc định đã là thợ may chân chính thì buộc phải là đàn ông. Kể cả những áo dài hoặc quần áo kiểu cách của phụ nữ cũng vẫn là những tay kéo đàn ông đảm nhận.
Nhà văn Đỗ Phấn |
Những năm này còn có phong trào may quần áo xuất khẩu sang các nước Đông Âu theo đường tiểu ngạch. Các loại thợ học việc khắp vùng ven nội đều có việc làm. Chỉ sợi bông ải mục phải chỉnh máy khâu lỏng hết cỡ suốt mới mong không đứt. Vải mộc nhuộm màu rêu xếp cả chồng cao cắt áo sơ mi băng đạn. Áo may xong dùng phim mi ca trổ chữ in lên ngực bằng sơn dầu. Thị trường tiêu thụ là Liên Xô. Bao nhiêu cũng hết. Tiếp đến là áo phao bằng vải ni lông cũng được may cẩu thả như vậy. Có những làng còn sáng kiến độn lớp lót bằng bèo tây phơi khô. Trông chiếc áo cũng óng chuốt nuột nà nếu như “Áo em chưa mặc một lần”. Giặt một lần là bèo dạt hết xuống gấu áo. Trò làm ăn gian dối này cũng chỉ tồn tại được khoảng hai năm. Nước Nga lúc ấy nghèo khổ cho nên cũng không hoang phí đến mức mua áo chỉ mặc được một lần.
Qua hết thời tem phiếu, vải vóc quần áo bỗng chốc tràn ngập thị trường. Những thợ may bán chuyên nghiệp bỏ nghề gần hết. Các hợp tác xã may mặc cũng giải tán khá nhiều. Chỉ vài cơ sở danh tiếng còn duy trì hoạt động thoi thóp. Vài nhà máy xí nghiệp lớn của Nhà nước sản xuất hàng loạt quần áo may sẵn. Có thể nói đây chính là một cuộc cách mạng về ăn mặc của dân phố. Còn rất ít người cầu kỳ đi đến các hiệu may đo để may quần áo. Cái quan niệm may đo sang trọng cũng dần biến mất. Nó chỉ còn phục vụ những người có thể hình đặc biệt không tiện mua đồ may sẵn.
Chục năm trở lại đây đồ may sẵn đã phát triển lên một đẳng cấp cao hơn rất nhiều. Người Việt cũng quan tâm đến hàng hiệu chẳng khác gì các nước văn minh nhất thế giới. Đã có những người mẫu chân dài diện bộ váy bạc tỷ đi dự liên hoan phim sánh ngang với các minh tinh màn bạc thế giới. Các cô ấy chỉ khác với họ ở chỗ không biết đóng phim mà thôi.
Thời kim chỉ vá may hình như đã chấm dứt rồi. Rất nhiều gia đình ở phố trong nhà chẳng có cái kim sợi chỉ nào cả. Và cũng không hề cảm thấy thiếu thốn.
Nét đẹp thu Hà Nội |
Hà Nội \'chia tay\' hàng bằng lăng tím trên đường Kim Mã |
Hà Nội ngày đầu giải phóng và những hình ảnh lịch sử |
http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/kim-chi-va-may/744508.antd
Ngày đăng: 16:19 | 13/10/2017
/ Theo Nhà văn Đỗ Phấn/Báo An ninh Thủ đô