Theo chuyên gia kinh tế, những người đầu cơ, chủ đầu tư nhà chung cư là những đối tượng được lợi nếu phí bảo trì được thu trong 60 tháng.
Trước những bất cập trong phương thức thu và quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa kiến nghị bãi bỏ quy định người mua nhà phải đóng kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua bán nhà tại thời điểm nhận nhà, vì không cần thiết, không hợp lý và tạo thêm gánh nặng cho người mua nhà.
Đồng thời, HoREA kiến nghị quy định chủ sở hữu nhà chung cư phải đóng kinh phí bảo trì 2% này trong thời hạn 60 tháng (5 năm, cũng thường là thời điểm kết thúc công tác bảo hành nhà chung cư) và mức đóng hàng tháng được chia đều trong khoảng thời gian này.
Bình luận về đề xuất này của HoREA, chuyên gia kinh tế- PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, đề xuất này sẽ giúp giảm gánh nặng cho người mua nhà chung cư trong thời điểm nhận nhà khi không phải đóng kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua bán nhà. Tuy nhiên, ông tỏ ra hoài nghi ai sẽ được lợi nhất nếu như đề xuất này được thực hiện?
Trước tiên, theo ông Thịnh, một khi đề xuất phí bảo trì 2% được đóng trong 60 tháng thành hiện thực, nó sẽ tác động tích cực đến thị trường căn hộ, khiến thị trường trở nên sôi động hơn bởi người dân sẽ tích cực mua nhà hơn khi gánh nặng chi phí ban đầu được giảm bớt.
Khi ấy, người được lợi chính là chủ đầu tư các dự án nhà chung cư. "Hiệp hội luôn vì lợi ích của các doanh nghiệp thành viên. Dĩ nhiên, nếu phí bảo trì được đóng ngay khi người mua nhận bàn giao nhà, chủ đầu tư sẽ được lợi rất lớn bởi nó chắc chắn nằm trong tay của họ và họ có thể chiếm dụng vốn, dùng số tiền đó kinh doanh, chi trả cho các khoản chi tiêu của họ.
Tuy nhiên, hạn chế của việc nộp phí bảo trì chung cư ngay khi nhận nhà là nó khiến chi phí cho việc mua nhà tăng lên, người mua nhà vì gánh nặng ấy mà sẽ đắn đo, ít mua nhà hơn. Ngược lại, nếu phí bảo trì được phép nộp trong 60 tháng, người mua sẽ tích cực hơn trong việc mua nhà, chủ đầu tư bán được hàng nhanh hơn, nhất là trong thời điểm sản phẩm đang bị ứ đọng.
Như vậy, đề xuất này đã tính lợi cho các chủ đầu tư, giúp họ bán được nhà", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ quan điểm.
Nhiều chủ đầu tư đang chây ỳ bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân. Ảnh: Báo Đầu tư BĐS
Đối tượng được lợi thứ hai và cũng là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất, theo vị chuyên gia, là giới đầu cơ nhà chung cư.
Nếu trước đây họ phải bỏ ra số tiền lớn hơn để mua các căn hộ chung cư, bán lại khó khăn hơn thì giờ họ không phải mất khoản phí bảo trì (số tiền này người mua nhà bỏ ra), mua nhà chung cư với giá rẻ hơn và bán lại cũng dễ dàng hơn bởi mức gía đưa ra dễ được chấp nhận.
Tuy nhiên, vấn đề ông Thịnh đặt ra là: khi công tác bảo trì, bảo dưỡng bị ứ lại, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
"Người thiệt vẫn là cư dân, còn quy định của Nhà nước bị xé rào để thực hiện lợi ích của chủ đầu tư mà không nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng thì hoàn toàn không nên làm. Phải cân đối hài hòa giữa quyền lợi chung của xã hội, nhà nước và doanh nghiệp, không thể chỉ nghĩ đến mình mà quên đi chuyện được mất của người khác", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Cũng có ý kiến đề xuất không thu phí bảo trì ngay từ đầu bởi trong khoảng 2 năm đầu tiên, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bảo trì, sau đó cư dân có thể tự đóng góp. Nhưng PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng không mấy tin tưởng vào giải pháp này.
"Nói thì dễ nhưng thu thì rất khó, ai sẽ đứng ra thu? Phí bảo trì là cần thiết và bắt buộc, các chủ sở hữu nhà chung cư phải đóng đúng hạn để thành lập quỹ bảo trì, thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng trong bất kỳ lúc nào. Nếu không có phí bảo trì, lúc hỏng hóc, xuống cấp, lấy tiền ở đâu ra? Chẳng lẽ lúc ấy trông vào lòng hảo tâm nhân dân đóng góp? Rất khó", ông Thịnh đánh giá.
Thừa nhận quỹ bảo trì đang là một trong những vấn đề nóng nhất tại các chung cư hiện nay, là nguồn gốc của nhiều tranh chấp, lãng phí và thất thoát, người thiệt thòi nhất là cư dân, vị chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là phải yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị, chủ đầu tư nào chây ì lập tức cưỡng chế. Quỹ đó sau khi được giao cho ban quản trị phải công khai, minh bạch và có cơ chế quản lý, sử dụng nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác duy tu, bảo dưỡng, bảo trì nhà chung cư.
Giám sát công khai việc thu phí tại trạm BOT Ninh Lộc
Ngày 20-3, đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã công bố quyết định kiểm tra đột xuất công tác tổ chức ... |
BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại vào ngày 25/3
Bộ GTVT vừa chốt phương án trở lại thu phí BOT Cai Lậy vào ngày 25/3. |
Ngày đăng: 15:11 | 21/03/2019
/ http://baodatviet.vn