Tăng thuế thuốc lá là cách nhanh và hiệu quả nhất để giảm số người hút, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân.

Kiến nghị trên được các chuyên gia nêu tại Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng chống tác hại của thuốc lá tổ chức mới đây. 

Theo bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, một trong những thách thức lớn nhất Việt Nam phải đối mặt là giá thuốc lá rẻ. Sản phẩm này ngày càng phù hợp với túi tiền người dân bởi giá của nó vẫn được giữ nguyên, trong khi thu nhập lại tăng. “Tăng thuế thuốc lá là cách nhanh và hiệu quả nhất để giảm số người hút", bà Angela Pratt nói.

Chuyên gia của WHO cho rằng, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá một thập kỷ qua. Tuy nhiên, với xu hướng hiện tại, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030.

Số liệu đưa ra bởi Tổng cục Thống kê gần đây cho thấy mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. Từ năm 2022 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất đã tăng hơn 10%. Chỉ tính riêng năm 2023, lượng thuốc lá sản xuất trong nước đã tăng lên 5,3 tỷ bao.

Mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. (Ảnh: Như Loan)

Mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. (Ảnh: Như Loan)

"Chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam và bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân", bà Angela Pratt nói. Khi giá thuốc lá tăng, mọi người sẽ chi tiêu cho các sản phẩm khác. Chính phủ có thêm doanh thu để đầu tư trở lại vào nền kinh tế - các lĩnh vực như sức khỏe và giáo dục.

Mô hình của WHO cho thấy tới năm 2030, việc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 15.000 đồng/bao thuốc, cộng thêm với mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại, sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030, phù hợp với mục tiêu quốc gia.

Quan trọng hơn, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hàng năm, mang lại thêm 29,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với năm 2020.

Theo dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cũng tính giữ thuế suất với thuốc lá ở 75% như hiện nay, nhưng bổ sung mức thuế tuyệt đối tăng dần. Cụ thể, 2026 - 2030, thuế tuyệt đối áp cho thuốc lá điếu sẽ tăng 5.000-10.000 đồng một bao, xì gà 50.000-100.000 đồng một điếu.

Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm – chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, việc sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để tác động đến nhận thức và hành vi tiêu dùng thuốc lá được đánh giá trên một số khía cạnh. Bằng cách tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá, giá bán lẻ sẽ tăng lên, điều này có thể ngăn cản người tiêu dùng mua chúng. Giá cao đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn chặn thanh thiếu niên và những người có thu nhập thấp bắt đầu hoặc tiếp tục hút thuốc.

Bên cạnh đó, giá cao hơn có thể dẫn đến việc giảm tiêu thụ trong số những người hút thuốc hiện tại. Một số người có thể giảm số lượng thuốc lá họ hút, trong khi những người khác có thể bỏ thuốc hoàn toàn.

Giá cao cũng có thể đóng vai trò như rào cản đối với thanh thiếu niên, những người có thể bắt đầu hút thuốc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tăng giá rất hiệu quả trong việc ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc ở thanh thiếu niên.

https://vtcnews.vn/kien-nghi-tang-thue-thuoc-la-de-giam-so-nguoi-hut-ar889259.html

Ngày đăng: 19:54 | 14/08/2024

Như Loan / VTC News