Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị lái xe Uber, Grab phải được tập huấn nghiệp vụ, có chứng chỉ hành nghề, đeo thẻ nhân viên theo mẫu đăng ký.

Trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ giữa tuần qua, Hiệp hội taxi Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giải quyết khẩn cấp những bất cập trong việc quản lý xe tham gia chương trình thí điểm xe hợp đồng điện tử và hệ lụy mà loại hình này gây ra cho các địa phương.

Cụ thể, Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị các xe như Uber, Grab phải dán logo, biểu trưng của phương tiện theo màu, vị trí thống nhất để đảm bảo dễ nhận biết. Các xe này phải có phù hiệp mẫu riêng để phân biệt giữa loại xe trong chương trình thí điểm và xe hợp đồng thông thường.

Lái xe Uber, Grab phải được tập huấn nghiệp vụ, có chứng chỉ hành nghề, phải mặc đồng phục, đeo thẻ nhân viên theo mẫu đăng ký với cơ quan quản lý.

Uber, Grab đang cạnh tranh mạnh với taxi truyền thống. Ảnh minh họa: Xuân Hoa

Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ chấp thuận quản lý các xe Uber, Grab như trong đề án quản lý phương tiện của HĐND Hà Nội thông qua. Đó là các xe được quản lý giống như taxi về số lượng, chất lượng, phạm vi hoạt động; cấp hạn ngạch theo quy hoạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực kết cấu hạ tầng.

Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng tạm thời không cấp phù hiệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ tại các địa phương có phương tiện xe hợp đồng tăng cao cho đến khi lập và thực hiện quy hoạch về phương tiện trên địa bàn.

Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội taxi Hà Nội còn đề nghị Bộ Giao thông kết thúc sớm chương trình thí điểm hoạt động của xe hợp đồng điện tử vì "những hệ lụy, bài học kinh nghiệp đã rõ". Các thành phố Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa đều kiến nghị Bộ Giao thông kết thúc sớm giai đoạn thí điểm để đánh giá kết quả và điều chỉnh các biện pháp quản lý.

Bản chất, tên gọi của loại hình dịch vụ Grab, Uber cũng được Hiệp hội yêu cầu cần thống nhất. Theo cơ quan này, Uber, Grab là sử dụng phần mềm kết nối xuyên biên giới tham gia kinh doanh vận tải trên đất nước Việt Nam, là loại hình kinh doanh có điều kiện (xe dưới 9 chỗ hoạt động như taxi). Vì vậy, Uber, Grab phải thành lập công ty tại Việt Nam, có giấy phép cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và tuân thủ điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện có hơn 29.800 xe tham gia đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng đã có khoảng 50.000 xe Uber, Grab hoạt động trên cả nước. Trong đó Hà Nội là 18.000 xe, TP HCM là 30.000, Đà Nẵng là 2.000.

"Số lượng rất lớn đã làm phá vỡ quy hoạch vận tải tại địa phương được chọn thí điểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bất ổn xã hội", văn bản của Hiệp hộ nêu.

Công bằng cho… taxi truyền thống

Khi xe Uber và Grab được đi vào phố cấm taxi cung giờ cao điểm thì taxi truyền thống chịu chết ở ngoài. Nếu cố ...

Truyền thống “va” công nghệ, phải tự thay đổi chứ không thể đòi cấm

Không chỉ taxi truyền thống “va” Uber, Grab, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế đang chứng kiến cuộc xung đột mang tính tất yếu ...

\'Đại chiến\' taxi

Trong những ngày qua, dư luận xôn xao bàn tán việc nhiều xe taxi ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh dán ...

(https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/kien-nghi-lai-xe-uber-grab-phai-mac-dong-phuc-3655807.html)

Ngày đăng: 22:28 | 14/10/2017

/ Theo Đoàn Loan/VnExpress.net