Để siết quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, Tổng cục Thuế đã có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.

Mua vàng trăm triệu không có hóa đơn

Thị trường tài chính thời gian qua đã nóng lên từng ngày khi câu chuyện giá vàng liên tục biến động mạnh. Hàng loạt động thái chỉ đạo từ Chính phủ và các biện pháp thực hiện từ cơ quan quản lý là NHNN, Quản lý thị trường đã được đưa ra, trong đó có các biện pháp mạnh như đấu thầu vàng theo giá để tăng nguồn cung cho thị trường; thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng…

z5172462408540_b0dd0eb13b4b8ad5ad2ac406638469b3.jpg -0
Ngành Thuế khuyến khích khách lấy hóa đơn khi mua vàng, góp phần bảo vệ quyền lợi.

Việc kiểm tra nhằm triển khai các nội dung của Đề án 319 chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử đến năm 2025, cũng như thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại công điện về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Ghi nhận kết quả thanh tra, kiểm tra tại thị trường TP Hồ Chí Minh cho thấy, đã phát hiện nhiều sản phẩm vàng trang sức không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ; một số mặt hàng còn giả nhãn hiệu nổi tiếng. Điều đáng chú ý là khi cơ quan Quản lý thị trường thực hiện thanh, kiểm tra thì hàng loạt các cửa hàng vàng, nhiều nhất là tại TP Hồ Chí Minh, đã đóng cửa và treo biển nghỉ bán dài ngày. Nguyên nhân được cho là các chủ cửa hàng này đều có hoạt động mua bán vàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nên buộc phải đóng cửa để tránh các cơ quan chức năng, vì một khi bị phát hiện lập biên bản, mức phạt có thể lên tới hàng trăm triệu đồng và bị tịch thu, niêm phong sản phẩm.

Câu chuyện này một lần nữa lại gióng lên hồi chuông về thực trạng vàng lậu và quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt là tình trạng mua bán vàng không xuất hóa đơn. Anh Nguyễn Hoàng (Hà Nội) cho biết, anh vừa mua 5 lượng vàng nhẫn (50 chỉ vàng) với giá gần 400 triệu đồng tại một cửa hàng vàng ở Hà Nội nhưng không thấy cửa hàng xuất hóa đơn, chỉ có giấy chứng nhận mua bán vàng.. "Cũng do tôi chưa có thói quen lấy hóa đơn nên quên không hỏi, nhưng cũng không thấy nhân viên cửa hàng nhắc nhở gì. Mà không phải chỉ mình tôi, mấy khách hàng mua trước cũng không ai được xuất hóa đơn", anh Nguyễn Hoàng cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn điện tử trong thực hiện các giao dịch mua bán vàng. Điển hình như rà soát các cơ sở kinh doanh vàng đủ điều kiện để thực hiện áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Đây là giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế áp dụng riêng cho lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngành thuế còn khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ thông qua chương trình hóa đơn may mắn của ngành Thuế. Một giải pháp khác là phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh bán hàng hóa dịch vụ nhưng không xuất hóa đơn điện tử, trong đó có các cơ sở kinh doanh vàng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế về việc mua bán hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người mua.

Thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo quy định pháp luật

Đến thời điểm này, theo số liệu từ Tổng cục Thuế, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hoá đơn điện tử. Sau hơn 1 năm triển khai, trên toàn quốc đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó, có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Hiện nay, theo quy định, đối với việc kinh doanh vàng miếng, chỉ có doanh nghiệp đáp ứng quy mô lớn về nguồn vốn, mạng lưới chi nhánh… được NHNN cấp phép mới được phép kinh doanh và doanh nghiệp sẽ được kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ khi có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có địa điểm, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ. "Đối với 2 lĩnh vực này thì cơ bản cơ quan quản lý thuế đã kiểm soát được việc xuất hóa đơn. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực gia công vàng bạc có một số trường hợp người mua hàng gia công, dịch vụ gia công là cá nhân, không lấy hóa đơn dẫn đến việc khó khăn cho cơ quan thuế trong việc kiểm soát giao dịch. Để kiểm soát được toàn bộ các giao dịch này cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành địa phương, trong đó có vai trò của ngân hàng trong việc kiểm soát dòng tiền, vai trò của UBND các tỉnh, thành phố, quận huyện… trong việc chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát là vô cùng quan trọng", Tổng cục Thuế chia sẻ.

Để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng, ngoài các giải pháp của ngành Thuế, Tổng cục Thuế kiến nghị NHNN nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh vàng bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua; tổ chức giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Trước đó, khi góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra đề xuất hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt, nhằm phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và phòng, chống hoạt động rửa tiền…

https://cand.com.vn/Kinh-te/kien-nghi-khong-duoc-mua-ban-vang-bang-tien-mat-i730152/

Ngày đăng: 09:04 | 04/05/2024

Hà An / CAND