Thanh tra thành phố nhận định có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản, vi phạm pháp luật tại Saigon Co.op nên kiến nghị công an điều tra. 

Theo kết luận về việc chấp hành quy định pháp luật tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM (Saigon Co.op) được Thanh tra thành phố cống bố ngày 27/7, doanh nghiệp này có nhiều sai phạm, trong đó lớn nhất liên quan tăng vốn điều lệ năm 2020.

Cụ thể, ngày 30/1, Đại hội thành viên bất thường Saigon Co.op có nghị quyết thống nhất tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên hơn 6.797 tỷ đồng, theo phương án huy động vốn từ các thành viên. Có 20/26 Hợp tác xã thành viên góp vốn với tổng số tiền hơn 3.597 tỷ đồng. Đơn vị góp nhiều nhất hơn 952 tỷ đồng và đơn vị ít nhất là 50 triệu đồng.

Qua kiểm tra kết quả hoạt động sản xuất, trong các năm 2018-2019 có hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op đạt lợi nhuận 5-6 tỷ đồng nhưng không tham gia góp vốn, trong khi phần lớn các hợp tác xã chỉ đạt lợi nhuận sau thuế từ 24 đến 500 triệu đồng một năm lại tham gia góp với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí một số đơn vị kinh doanh lỗ nhưng vẫn góp số tiền lên đến 247 tỷ đồng.

Làm việc với thanh tra, các hợp tác xã lợi nhuận ít nhưng góp vốn lớn cho biết đã huy động vốn từ các thành viên bên ngoài và có trường hợp ký hợp đồng hợp tác với các cá nhân bên ngoài hợp tác xã. Điều này cho thấy đã có các cá nhân, tổ chức thông qua hợp tác xã thành viên để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op

Theo cơ quan thanh tra, do tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt được 26-39% trên vốn góp nên nhu cầu của các cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào Saigon Co.op là có cơ sở. Việc này cũng cho thấy nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động.

Thanh tra thành phố cũng nhận định có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của nhà nước. Điều này ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Ngày 24/7, Thanh tra thành phố gửi văn bản đề nghị Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op tạm đình chỉ đại hội thành viên cho đến khi có kết luận chính thức và ý kiến chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn tiến hành đại hội biểu quyết các vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động và nội dung kết luận thanh tra về công tác nhân sự, phương án huy động vốn, tăng vốn điều lệ, việc rút vốn của các hợp tác xã thành viên... Việc này là vi phạm pháp luật thanh tra.

Kết luận của Thanh tra thành phố cũng chỉ ra một số sai phạm khác về quản lý tài chính tại Saigon Co.op như chưa xây dựng quy chế quản lý nguồn vốn; quản lý tài sản không chia; phân phối thu nhập qua các năm...

Các sai phạm tại Saigon Co.op theo cơ quan Thanh tra là thuộc về HĐQT, Thành viên liên hiệp, Ban Tổng giám đốc, các phòng ban chức năng và cá nhân có liên quan tại các thời kỳ.

Saigon Co.op thành lập năm 1989 theo quyết định của UBND TP HCM với tên gọi Liên hiệp Hợp tác xã Mua bán thành phố. Đến năm 1998, đơn vị này đổi tên thành Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM với 20 hợp tác xã thành viên.

Từ khi thành lập đến nay, Saigon Co.op 34 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, 14 lần điều chỉnh, bổ sung điều lệ qua các thời kỳ và 8 lần bổ sung tăng vốn điều lệ. Hiện, Chủ tịch HĐQT của Saigon Co.op là ông Diệp Dũng (52 tuổi).

Đến nay Saigon Co.op có hơn 100 siêu thị (tên gọi Co.opmart) trong cả nước.

Hữu Công

kien nghi cong an dieu tra sai pham cua saigon coop Saigon Co.op mua lại Auchan Việt Nam

Từ hôm nay (28/6), Saigon Co.op tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh và nhân sự của 18 siêu thị Auchan Việt Nam.

Ngày đăng: 22:10 | 27/07/2020

/ vnexpress.net