Trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp ở Campuchia, ngoài siết chặt biên giới, tỉnh Kiên Giang xây dựng kịch bản cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết, khó khăn lớn nhất của tỉnh trong công tác phòng chống dịch hiện nay là tình hình nhập cảnh trái phép qua biên giới tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp.
Chính vì thế, ngoài xây dựng kịch bản ứng phó cho tình huống xấu có thể xảy ra thì việc siết chặt biên giới là vấn đề quan trọng hàng đầu.
Siết chặt biên giới
Từ ngày 20/2 đến nay, các lực lượng chức năng phát hiện 31 vụ nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh Kiên Giang với 142 người.
Biên phòng Kiên Giang tuần tra siết chặt biên giới. |
Theo thống kê, có khoảng 12.000 người dân Việt Nam sang Campuchia làm ăn, sinh sống. Đa số những người này là lao động tự do, trong đó nhiều người xuất cảnh trái phép làm việc tại các tụ điểm vui chơi, giải trí, nhà hàng, casino...
Cơ quan chức năng dự đoán tình hình họ trở về nước bằng con đường nhập cảnh trái phép còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết, đơn vị hiện có 48 chốt phòng chống dịch COVID-19. Trong đó có lực lượng biên phòng, cảnh sát cơ động và dân quân tự vệ được tăng cường từ tuyến sau lên.
Cùng với việc tuần tra kiểm soát, lực lượng biên phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển và người dân sống dọc tuyến biên giới về tình hình dịch bệnh, những thủ đoạn nhập cảnh trái phép. Điều này giúp nâng cao tính cảnh giác cho người dân, khi phát hiện các tình huống nghi ngờ sẽ thông tin kịp thời cho lực lượng chức năng
“Trước tình hình bùng phát dịch COVID-19 ở Campuchia, đơn vị cũng quán triệt các kế hoạch, các chỉ thị cấp trên, đồng thời động viên cán bộ chiến sĩ tăng cường kiểm tra, đôn đốc và siết chặt biên giới ”, Trung tá Tùng nói.
Còn tại trạm Biên phòng Gành Dầu (Phú Quốc), theo Thượng úy Nguyễn Quán Mạnh, Trạm trưởng trạm Biên phòng, với đặc thù biên giới của ta và Campuchia gần nhau nên nhân dân là tai mắt rất quan trọng trong công tác ngăn chặn người nhập cảnh trái phép vào Phú Quốc.
Đầu năm đến nay, từ tin báo của ngư dân, biên phòng kịp thời ngăn chặn và bắt giữ nhiều vụ xuất nhập cảnh trái phép.
Khi phát hiện có người buôn lậu hay nghi vấn nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, người dân sẽ ngay lập tức gọi điện báo cho lực lượng biên phòng. |
Theo anh Chau Ải (ngụ phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên), nhờ được lực lượng biên phòng thường xuyên tiên truyền nhắc nhở nên ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân khu vực biên giới ngày càng tốt hơn.
“Khi phát hiện có người buôn lậu hay nghi vấn nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, người dân sẽ ngay lập tức gọi điện báo cho lực lượng biên phòng ngăn chặn, bắt giữ”, anh Chau Ải vừa chỉ tay về đường biên giới vừa nói.
Lực lượng biên phòng tuyên truyền để ngư dân phối hợp, thông tin kịp thời những trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép. |
Xây dựng kịch bản cho tình huống xấu nhất
Phát biểu tại buổi làm việc mới đây tại tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, với đường biên giới dài, bờ biển rộng và khoảng cách gần, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại Kiên Giang là rất cao, nhất là khi nước bạn nới lỏng giãn cách xã hội và người Việt trở về từ Campuchia nhiều.
Bộ trưởng đề nghị Kiên Giang cần chủ động đưa ra tình trạng báo động cao hơn và chuẩn bị cho tất cả tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Chung tinh thần đó, ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, tình hình phòng chống dịch bệnh tại địa phương vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng việc xây dựng kịch bản để không bị động trước tình huống xấu là điều phải làm.
“Tình hình dịch bệnh ở Campuchia diễn biến phức tạp nên mình phải xây dựng kịch bản cho tình huống xấu nhất. Đầu tư nâng cấp trang bị cao nhất để chủ động nhưng mong muốn chỉ phải sử dụng ít nhất. Không mong muốn tình huống tồi tệ xảy ra, nhưng không để bị động”, ông Nguyễn Lưu Trung nói.
Theo kịch bản, Kiên Giang sẽ xây bệnh viện dã chiến tại khuôn viên khu cách ly tập trung ở Trung tâm Văn hóa phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên.
Quy mô bệnh viện khoảng 300 giường, khi cần sẽ được nâng quy mô lên 500 giường để điều trị cho các trường hợp mắc bệnh nhẹ. Ngoài ra, Kiên Giang sẽ sử dụng 50 giường tại Trung tâm Y tế TP Hà Tiên điều trị trường hợp nặng.
TP Hà Tiên đang khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến. |
Được biết, từ 19 - 22/4, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) phân công đoàn công tác, gồm các trưởng, phó khoa về cấp cứu, hồi sức cấp cứu, bệnh nhiệt đới, thận nhân tạo, gan mật tụy, điều dưỡng, sinh hóa… hỗ trợ TP Hà Tiên trong việc tư vấn, hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Trong buổi làm việc tại tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã đồng ý cho thành lập phòng hồi sức cấp cứu đặc biệt với quy mô 10 giường (trong số 50 giường tại Trung tâm Y tế TP Hà Tiên) với trang bị kỹ thuật công nghệ cao.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo Viện Pasteur TP.HCM hỗ trợ Kiên Giang nâng cao năng lực xét nghiệm. "Viện Pasteur sẽ hỗ trợ tập huấn, hỗ trợ 1 máy xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm. Đồng thời Bộ trưởng chỉ đạo thay đổi chiến lược xét nghệm từ bị động sang chủ động tầm soát. Những đối tượng, địa bàn có nguy cơ thì chủ động lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên (test nhanh) để kịp thời phát hiện sớm không để bùng phát ổ dịch", ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chia sẻ. Ông nói thêm, thêm ngoài các biện pháp trên, địa phương sẽ mở rộng quy mô khu cách ly tập trung ở Hà Tiên. |
Đội tinh nhuệ Chợ Rẫy chi viện Kiên Giang chặn dịch
13 y bác sĩ đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, sáng 19/4 lên đường đến Kiên Giang, phối hợp lập hai ... |
Ngày đăng: 07:00 | 22/04/2021
/ vtc.vn