Theo ghi nhận của lực lượng QLTT cả nước, cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng mạnh, đây cũng là thời gian các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả diễn biến phức tạp, nhất là trên môi trường online.
Theo lực lượng chức năng, cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vi phạm trên môi trường online. Do đó, trong cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, lực lượng QLTT tập trung kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường online như sàn TMĐT, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok…
Theo Tổng cục QLTT, trong thời đại bùng nổ TMĐT, hành vi vi phạm trên các nền tảng này càng trở nên phức tạp. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức lợi dụng môi trường trực tuyến để kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu trên TMĐT là: Không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; buôn bán thuốc lá điện tử, mỹ phẩm nhập lậu, quần áo, không rõ nguồn gốc xuất xứ; vàng trang sức, xe môtô hai bánh vi phạm nhãn...
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 10 tháng năm 2024, Cục QLTT TP đã chỉ đạo các Đội QLTT đã tăng cường giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các website TMĐT, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok…). Từ đó, đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 257 vụ vi phạm, đã xử phạt với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 7,1 tỷ đồng.
Theo ông Huy, với tính chất ẩn danh và khả năng tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng thông qua các nền tảng như Facebook, Zalo, Shopee, Lazada, người bán dễ dàng lập nhiều tài khoản với danh tính giả, dùng tên miền quốc tế hoặc đổi tên liên tục khi bị phát hiện, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa và xử lý vi phạm.
Đồng thời, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cũng cho rằng, thủ đoạn phổ biến của các đối tượng vi phạm là lập nhiều tài khoản mạng xã hội và bán hàng qua hình thức livestream. Họ thường không công khai địa chỉ kinh doanh và sử dụng các cách lách qua bộ lọc kỹ thuật của các sàn TMĐT để tránh bị kiểm soát. Các đối tượng thường xuyên thay đổi các hành vi vi phạm, chuyển kho hàng hóa về những địa điểm xa khu dân cư, đô thị để trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Để kiểm soát thị trường trong những tháng cao điểm cuối năm đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết, lực lượng QLTT tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường cũng như các đối tượng kinh doanh online qua các nền tảng Facebook, TikTok, đặc biệt chú trọng các đối tượng kinh doanh hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an trong công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại mà tập trung là trên môi trường TMĐT.
https://cand.com.vn/Thi-truong/kiem-soat-hang-hoa-kinh-doanh-tren-facebook-tiktok-i749054/
Ngày đăng: 09:47 | 02/11/2024
Phan Đức / cand.com.vn