Trong trường hợp Nga trực tiếp can thiệp vào Iraq, chắc chắn sẽ khiến cục diện tại Trung Đông thay đổi.

kich ban nga can thiep vao iraq ke khoc nguoi cuoi
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov

Nước cờ ẩn

TASS ngày 22/9 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nhấn mạnh, Nga tin rằng các tay súng khủng bố IS cần phải bị trừng phạt bất kể là chúng ở đâu. Tại một cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) vừa diễn ra, một nghị quyết về điều tra tội ác của IS tại Iraq đã được thông qua.

Theo lời ông Gennady Gatilov, Nga hoan nghênh những bước tiến vững chắc của Iraq trong cuộc chiến chống IS cũng như các bước khôi phục chủ quyền đất nước.

"Chúng tôi đánh giá cao những thành công gần đây của các lực lượng vũ trang Iraq trong chiến dịch truy quét các tay súng khủng bố IS, giải phóng những khu vực bị chiếm đóng khỏi sự kiểm soát của tổ chức Hồi giáo cực đoan này", ông Gatilov nhấn mạnh.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga khẳng định, Moscow luôn sẵn sàng hỗ trợ về cả giải pháp chính trị lẫn quân sự cho giới chức Iraq.

Hiện nay, Iraq đã và đang mua nhiều vũ khí hiện đại từ Nga, bên cạnh nguồn cung cấp từ phương Tây.

Đây không phải lần đầu tiên Nga ngỏ ý sẵn sàng giúp đỡ Iraq trong cuộc chiến chống IS. Vào tháng 10/2015, Moscow từng tuyên bố sẽ xem xét nếu có đề nghị của Chính phủ Iraq về việc tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào IS ở nước này.

Dưới sự tác động của Mỹ, Iraq chưa chính thức mời người Nga vào giúp sức chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng. Tuy nhiên, chính phủ Iraq đã nhiều lần bóng gió đề cập tới việc này.

Hồi tháng 7, Phó Trưởng ban Đối ngoại của Quốc hội Iraq, ông Abbas al-Bayati nói với giới truyền thông Nga rằng, Iraq đặc biệt hoan nghênh chính phủ Nga các công ty của nước này tham gia vào công cuộc tái thiết cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy của đất nước.

Ông nhấn mạnh rằng, thị trường Iraq mở rộng cửa cho hàng hóa của các công ty Nga, người Iraq tin cậy vào chất lượng sản phẩm của Nga.

"Chúng tôi hy vọng rằng các công ty dầu mỏ và vũ khí của Nga sẽ chiếm vị trí đặc biệt trên thị trường Iraq", ông Bayati nói.

Như vậy là không rõ vô tình hay cố ý mà giới lãnh đạo các nước Iraq và Syria đều bày tỏ mong muốn mời các doanh nghiệp Nga vào đầu tư các hạng mục quan trọng của các nước này, đặc biệt là lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt; cùng với việc cung ứng các loại vũ khí-trang bị.

Hồi năm ngoái, Iraq còn đầu tư hơn 1 tỷ USD để mua sắm hàng trăm phiên bản xuất khẩu của xe tăng T-90 Nga. Trong đó, khoảng 73 chiếc tăng T-90S và biến thể chỉ huy T-90SK sẽ được bàn giao trong năm nay.

Thậm chí, chính phủ Iraq còn hợp tác với Syria, Iran và Nga để đảm bảo an ninh khu vực biên giới Syria-Iraq.

Các phương tiện truyền thông Iraq dẫn lời quan chức Iraq nhấn mạnh rằng, Iraq và đồng minh của họ sẽ không cho phép thành lập bất kỳ "vùng đệm" nào giữa hai quốc gia.

Phá thế độc tôn của Mỹ

Trong trường hợp Nga trực tiếp can thiệp vào Iraq, chắc chắn sẽ khiến cục diện tại Trung Đông thay đổi. Cả Nga và Iraq đều nhận được những thuận lợi nhất định, nhưng Mỹ thì ngược lại.

Thứ nhất, một khi Nga can thiệp quân sự tại Iraq, Mỹ sẽ không còn vị thế độc tôn tại quốc gia này. Chính phủ Iraq không phải dè chừng quá nhiều vào thái độ của Mỹ trước khi đưa ra quyết sách.

Thứ hai, dưới sự hỗ trợ của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố, Iraq sẽ nhanh chóng quét sạch IS khỏi đất nước. Bởi lẽ, không giống như Mỹ, Nga không có bất kỳ một mối liên hệ hay thỏa thuận ngầm với IS.

Thực tế, Nga - Syria và Iraq đang phối hợp cùng nhau để quét sạch IS khỏi biên giới giữa hai nước. Nếu hoạt động này được nâng lên (Nga trực tiếp tham chiến tại Iraq), chắc chắn vùng biên giới Syria - Iraq trải dài 600 km sẽ nằm trong quyền kiểm soát của Nga - Syria và Iraq chứ không phải là liên minh chống khủng bố do Mỹ cầm đầu.

Trên cơ sở này, quân đội Syria có thể nhanh chóng tiến tới vùng nông thôn Deir Ezzor theo hướng tây bắc, kiểm soát vùng lãnh thổ giàu tài nguyên này trước Mỹ và người Kurd.

Thứ ba, hiện người Kurd tại Iraq đang tiến hành trưng cầu ý dân nhằm thành lập nhà nước ly khai, chính phủ Iraq chắc chắc sẽ không chấp nhận điều này. Việc người Kurd đòi ly khai rất có thể dẫn đến một cuộc nội chiến tại Iraq.

Người Kurd thành lập nhà nước riêng vốn nằm trong sự tính toán của Mỹ để duy trì sự hiện diện tại cả Syria và Iraq, kiểm soát nguồn tài nguyên dồi dào tại đây. Chính vì vậy, Mỹ sẽ không can thiệp hoặc can thiệp một cách chiếu lệ trong việc người Kurd đòi ly khai. Thế nhưng, điều này sẽ trở nên khó khăn hơn nếu có sự hiện diện của Nga.

http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/kich-ban-nga-can-thiep-vao-iraq-ke-khoc-nguoi-cuoi-3343623/

Ngày đăng: 08:51 | 23/09/2017

/ Đất Việt