Trong báo cáo chiến lược bán niên năm 2024, Công ty CP chứng khoán VNDirect đã đưa ra 3 kịch bản dự báo cho chỉ số VN-Index.
Cụ thể, ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối phân tích VNDirect, cho biết, 3 kịch bản dự báo trên được dựa vào các tiêu chí: Mức độ cắt giảm lãi suất của Fed; sự suy yếu của đồng USD; tình hình tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng tín dụng của Việt Nam.
Trong kịch bản cơ sở, Fed sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất 1 lần trong năm nay, điều này sẽ khiến chỉ số đồng Dollar - DXY suy giảm về dưới mức 102. Xuất khẩu sẽ tăng 10-12% trong năm nay. Tín dụng sẽ tăng trưởng 14% và theo đó lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng 18%. VN-Index lúc sẽ đóng cửa ở mức 1.350.
Ông Barry Weisblatt David cho rằng, trong nửa đầu năm, lợi nhuận các doanh nghiệp trên sàn đang theo sát với kịch bản cơ sở mà VN-Direct đưa ra. Tăng trưởng lợi nhuận quý II đã tăng tốc so với quý trước và đạt mức 15% so với cùng kỳ.
Ông Barry Weisblatt David - Giám đốc Khối phân tích Công ty CP chứng khoán VNDirect.
Cũng theo ông Barry Weisblatt David, sau tin tức về tốc độ tăng việc làm phi nông nghiệp yếu tại Mỹ, hiện có sự đồng thuận là chắc chắn Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất một lần và thậm chí có thể cắt giảm 50 điểm cơ bản trong năm nay.
Tin tức này đã khiến chỉ số DXY giảm xuống 102,5. (VND tăng 0,42% lên 25.100). Hai lần cắt giảm lãi suất của Fed có thể sẽ đẩy chỉ số DXY xuống dưới 100. Điều này sẽ giúp Ngân hàng nhà nước linh hoạt hơn trong việc bơm thanh khoản vào thị trường và giúp dễ đạt được mức tăng trưởng tín dụng hơn 14%.
“Mặc dù sự tăng trưởng chậm lại của Mỹ có thể gây áp lực nhất định lên dự báo xuất khẩu vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng hoạt động sản xuất vẫn diễn ra mạnh mẽ trong tháng 7. Chỉ số PMI (dùng để đo lường hoạt động sản xuất và dịch vụ của một quốc gia hoặc khu vực) đạt 54,7 điểm nhờ lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh. Do đó, kịch bản tích cực của chúng tôi với VN-Index đóng cửa năm 2024 trên mức 1.400 điểm", ông Barry Weisblatt David nhận định.
Ngành nào sẽ sáng cửa?
Dự báo về những nhóm cổ phiếu tiềm năng đầu tư trong nửa cuối năm 2024 và xa hơn, ông Barry Weisblatt David nói: "Nhiều nhóm ngành sẽ mang lại cơ hội đầu tư tốt cho thời gian còn lại của năm 2024. Nhưng tôi nghĩ ngân hàng và thép là hai ngành mà các nhà đầu tư nên quan tâm".
Đối với các ngân hàng, mặc dù chất lượng tài sản đã suy giảm trong thời gian gần đây nhưng sẽ phục hồi trong những tháng tới khi nền kinh tế Việt Nam được cải thiện. Hơn nữa, luật bất động sản mới sẽ giúp các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc ghi nhận giá trị từ tài sản thế chấp.
VNDirect dự báo 3 kịch bản cho VNIndex từ nay đến cuối năm 2024. (Ảnh minh hoạ).
“Quan trọng hơn, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, vượt mục tiêu 15% của Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy thu nhập. Và đồng USD suy yếu sẽ giảm bớt sức ép phải có hành động thắt chặt chính sách nhằm hỗ trợ tỷ giá từ phía Ngân hàng Nhà nước, từ đó giảm nguy cơ khiến mặt bằng lãi suất tăng cao, điều vốn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng”, ông Barry Weisblatt David phân tích.
Đối với ngành thép, ông Barry Weisblatt David cho rằng, ngành này sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ là 437,3% so với cùng kỳ trong quý II/2024. HPG đã tăng trưởng 129%. HSG tăng 18 lần còn NKG tăng 75% dù chủ yếu đến từ lợi nhuận tài chính.
“Xuất khẩu thép cuộn và tôn mạ tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm sẽ thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản Việt Nam (sau khi Luật Đất đai mới được triển khai) cũng sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa”, ông nói.
VN-Index đã có cú giảm mạnh ngày 5/8, nhiều ý kiến cho rằng một phần nguyên nhân là do chịu tác động của việc thị trường Nhật Bản đi xuống Tuy nhiên ông Barry Weisblatt David cho rằng, VN-Index không bị ảnh hưởng bởi quyết định của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ)
“VN-Index giảm gần 4% hôm 5/8. Cùng thời điểm đó, chỉ số Nikkei đã giảm mạnh 12,4%. Đây là mức giảm theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất kể từ thứ hai đen tối vào tháng 10/1987. Cả hai điều này đều do tin tức từ Mỹ gây ra. Quyết định tăng lãi suất của BOJ, theo tôi, có lẽ chỉ tác động nhỏ đến Việt Nam”, ông Barry Weisblatt David nói.
Đồng Yen đã suy yếu xuống mức thấp nhất trong 38 năm là 161,99 so với đồng Dollar Mỹ, khiến BOJ phải nâng lãi suất cơ bản lên khoảng 0,25% để hỗ trợ đồng Yen. Đồng Yen mạnh hơn gây áp lực lên chứng khoán Nhật Bản vì thị trường chứng khoán Nhật Bản bị chi phối bởi các doanh nghiệp có thiên hướng xuất khẩu - không giống như thị trường Việt Nam vốn bị chi phối bởi các ngành nội địa như ngân hàng, bất động sản và các công ty tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc Nhật Bản tăng lãi suất có rất ít tác động đến Việt Nam. Nhật Bản chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam. Và hầu hết khoản đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam là nguồn vốn hỗ trợ phát triển (giữa các Chính phủ) hay nguồn vốn FDI dài hạn.
“Dòng vốn này vốn không nhạy cảm với những biến động tiền tệ ở mức vừa phải. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng các nhà đầu tư toàn cầu sẽ rời khỏi Việt Nam để chuyển sang Nhật Bản chỉ để nhận thêm được 25 điểm cơ bản lãi suất đồng Yen”, ông Barry Weisblatt David nêu quan điểm.
Ngày đăng: 08:32 | 07/08/2024
Phạm Duy / VTC News