Tiêm kích J-10 Trung Quốc mạnh hơn trong cận chiến, nhưng mẫu F-2 tối tân của Nhật chiếm lợi thế trong tác chiến tầm xa.
Tiêm kích F-2 của Nhật. Ảnh: Airliners. |
Tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông là điểm nóng trong quan hệ hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản, khi số lần chạm mặt gần nhóm đảo Senkaku giữa máy bay, tàu tuần tra hai bên ngày càng tăng. Theo các chuyên gia quân sự, vùng biển nhỏ như Hoa Đông sẽ là "sân khấu" phô diễn sức mạnh của tiêm kích hạng nhẹ hai nước, trong đó nổi bật là mẫu J-10 của Trung Quốc và F-2 của Nhật, theo National Interest.
Mitsubishi F-2 là kết quả của FSX, dự án hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ để phát triển mẫu tiêm kích đa nhiệm cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
F-2 mang thiết kế cơ bản của tiêm kích F-16, nhưng có diện tích cánh lớn hơn 25%, giúp nó mang được nhiều vũ khí lớn và có khả năng cơ động tốt hơn. Tuy nhiên, nó cũng làm khối lượng máy bay tăng thêm, ảnh hưởng tới khả năng tăng tốc, leo cao và tầm bay.
Với tải trọng vũ khí tới 8 tấn, tiêm kích F-2 có thể mang tên lửa đối không tầm ngắn AAM-3 và AAM-5 và tầm xa AAM-4. F-2 cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ chống đổ bộ nhờ 4 tên lửa chống hạm ASM-2 có tầm bắn 170 km và bom thông minh. Hệ thống vũ khí của F-2 được hoàn thiện với một pháo M61 cỡ nòng 20 mm.
Sử dụng một động cơ turbine GE F110-IHI-129, tiêm kích F-2 có tốc độ tối đa 2.125 km/h, gấp hai lần âm thanh, tầm bay tối đa 4.000 km, trần bay 18 km và tỷ lệ lực đẩy trên khối lượng là 0,89.
F-2 là một trong những tiêm kích đầu tiên trên thế giới được lắp radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) J/APG-1, cho phép máy bay theo dõi và tấn công nhiều mục tiêu hơn so với các loại radar cơ khí đời cũ.
Trong khi đó, J-10 là tiêm kích đa nhiệm hiện đại đầu tiên của Trung Quốc, được Tập đoàn thiết kế máy bay Thành Đô ra mắt vào năm 2005.J-10 được nhận xét là có nhiều nét giống tiêm kích IAI Lavi, sản phẩm hợp tác giữa Mỹ và Israel.
J-10 áp dụng thiết kế cánh tam giác, được trang bị một động cơ turbine phản lực Saturn AL-31F do Nga chế tạo, đạt tốc độ tối đa 2.450 km/h, tầm bay tối đa 1.850 km và trần bay 18 km. Tỷ lệ lực đẩy/khối lượng của J-10 đạt mức 1,15, mang lại khả năng tăng tốc khá tốt.
J-10 được trang bị 11 giá treo vũ khí, có thể gắn tên lửa đối không tầm ngắn PL-9, tên lửa dẫn đường bằng radar PL-12 và pháo GSh-23 cỡ nòng 23 mm. Ngoài ra, nó còn có thể mang theo nhiều loại bom laser và bom dẫn đường bằng vệ tinh.
J-10 sử dụng radar điều khiển hỏa lực đa chế độ do Trung Quốc thiết kế. Radar sử dụng cơ cấu chảo quét cơ học, có khả năng bám bắt đồng thời 10 mục tiêu và dẫn bắn tiêu diệt tối đa 4 mục tiêu cùng lúc.
Kịch bản đối đầu
Với bán kính chiến đấu 840 km, Mitsubishi F-2 có tầm hoạt động vượt trội so với mức 545 km của J-10. Nếu cùng xuất kích từ khoảng cách như nhau, F-2 sẽ có nhiều nhiên liệu dự trữ, cho phép phi công thực hiện nhiều động tác cơ động và bật tăng lực lâu hơn.
Radar J/APG-1/2 của Nhật được cho là có tính năng và chất lượng cao hơn so với radar AESA nội địa của Trung Quốc. Lợi thế này cho phép tiêm kích F-2 phát hiện và tấn công đối phương sớm hơn.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định dòng F-2 chiếm ưu thế trong không chiến tầm xa, với khả năng phóng tên lửa AAM-4B từ khoảng cách 100-120 km, sau đó chủ động tăng tốc thoát ly. Nhờ liên kết dữ liệu mới, các biên đội F-2 có thể điều phối những loạt phóng tầm xa này để đạt hiệu quả tối đa.
Tiêm kích J-10 sẽ chịu tổn thất nghiêm trọng trước cả khi kịp khóa mục tiêu và khai hỏa, do tên lửa PL-12 của chúng chỉ đạt tầm bắn khoảng 70-100 km. Điều này có thể sẽ thay đổi với việc Bắc Kinh trang bị mẫu PL-15 cho tiêm kích J-10C, với tầm bắn ước tính trên 120 km. Loại tên lửa này mới chỉ được triển khai với số lượng nhỏ, chưa phổ biến cho các đơn vị J-10.
Tiêm kích J-10 mang cấu hình tên lửa đối không. Ảnh: Sina. |
Tuy nhiên, nếu các phi công Nhật để J-10 áp sát, họ sẽ gặp bất lợi nghiêm trọng. Tiêm kích Trung Quốc được trang bị hệ thống cảm biến hồng ngoại và đo xa laser (IRST), cho phép phát hiện và khóa mục tiêu mà không đánh động đối phương. Với tầm bắn 22 km của tên lửa hồng ngoại PL-9, phi công Trung Quốc có thể tung đòn đánh bất ngờ, trước khi những chiếc F-2 kịp phát hiện.
Tỷ lệ lực đẩy trên khối lượng ưu việt hơn của tiêm kích J-10 cũng là một lợi thế không nhỏ trong cận chiến. Điều này giúp máy bay Trung Quốc thực hiện cơ động liên tục mà không sợ mất tốc độ, trong khi tiêm kích F-2 có phần nặng nề, khó xoay trở hơn trong các trận không chiến tầm gần.
Một yếu tố khác cần xem xét là Bắc Kinh sở hữu 400 chiếc J-10 các loại, trong khi Tokyo chỉ có 94 máy bay F-2. Trung Quốc có thể lợi dụng số lượng để áp đảo ưu thế của tiêm kích Nhật trong không chiến tầm xa, sau đó tiếp cận và hủy diệt đối phương trong cận chiến.
Nguy cơ nổ ra xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông là vô cùng thấp, nhưng nếu xảy ra,
cuộc đối đầu giữa J-10 và F-2 sẽ rất khốc liệt. Nếu máy bay F-2 có thể duy trì khoảng cách 80-100 km, họ sẽ giành chiến thắng. Nhưng nếu những chiếc J-10 rút ngắn được khoảng cách xuống dưới 40 km, tiêm kích Nhật Bản sẽ trở thành mục tiêu tuyệt vời cho phi cơ Trung Quốc, chuyên gia Mizokami nhận định.
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/quan-su/kich-ban-doi-dau-giua-tiem-kich-hang-nhe-trung-nhat-3618751.html?vn_source=box-Topstory&vn_medium=fo&vn_campaign=vn
Ngày đăng: 12:30 | 07/10/2017
/ vnexpress.net