Việc bóng đá Việt Nam đang “khủng hoảng” tiền đạo ở đội tuyển quốc gia liên quan đến câu chuyện các câu lạc bộ đang ưu ái ngoại binh tại V.League.
Tại lễ trao giải Quả bóng Vàng Việt Nam 2020, điều mà giới chuyên môn nhận thấy là sự thiếu vắng của các tiền đạo trong danh sách đề cử và giải thưởng ở các hạng mục. Đây là một vấn đề đáng báo động khi những năm gần đây, bóng đá Việt Nam không còn sản sinh ra những tiền đạo chất lượng.
Đánh giá về điều này, HLV Lê Huỳnh Đức cho biết: “Tôi nghĩ việc các tiền đạo vắng bóng trong danh sách đề cử cũng như không đoạt danh hiệu này, xuất phát từ thực tế ở V.League. Làm việc ở câu lạc bộ, áp lực về thành tích rất lớn. Do đó, các huấn luyện phải sử dụng nhiều các tiền đạo ngoại với mục tiêu thành tích. Tôi nghĩ ông Park nếu làm câu lạc bộ thì cũng thế thôi”.
|
|
Hà Đức Chinh (thứ 2 từ trái sang) phải cạnh tranh vị trí ở V.League. Ảnh: VPF |
Đây là một nhận xét khá thực tế và sâu sắc về thực tế V.League hiện nay. Bởi lẽ, áp lực thành tích buộc các đội bóng V.League phải sử dụng nhiều cầu thủ ngoại trong đội hình. Ngay cả một đội bóng mạnh như Hà Nội cũng phải sống nhờ ngoại binh. Những thành tích ấn tượng thời gian gần đây của Hà Nội có dấu ấn rõ rệt của các ngoại binh.
Cũng chính vì điều này khiến cho các tiền đạo nội không có cơ hội. Do đó mà khi tập trung Đội tuyển Quốc gia, HLV Park Hang-seo không có sự lựa chọn chất lượng cho vị trí tiền đạo. Sau khi Anh Đức giải nghệ, ông Park đã và đang gặp khó trong việc tìm người thay thế khi cả Tiến Linh và Đức Chinh đều chưa thể đạt đến độ chín.
HLV Park Hang-seo từng đưa ra quan điểm rằng: “Ở giải đấu cao cấp nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay, có tới 70-80% đội sử dụng tiền đạo ngoại. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, bóng đá Việt Nam khó sản sinh ra những tiền đạo nội chất lượng. Tôi không có ý công kích cầu thủ ngoại.
Họ có thể hình, thể lực và các đội bóng đều tập trung chơi bóng bổng xoay quanh các tiền đạo này. Rõ ràng thể hình, thể lực của hàng phòng ngự Việt Nam khó lòng cạnh tranh với các tiền đạo kiểu này. Vậy liệu điều đó có thực sự phù hợp với sự phát triển của bóng đá Việt Nam hay không?
Việc tăng thêm một cầu thủ ngoại có ảnh hưởng trực tiếp tới bóng đá Việt Nam. Nếu như Đà Nẵng sử dụng 2 tiền đạo ngoại thì Hà Đức Chinh làm gì còn cơ hội cạnh tranh?”.
Trong cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện với Tổng cục TDTT và VFF đã bàn đến vấn đề này. Về những vấn đề khó khăn của đội tuyển, nhất là việc khó tìm ra nhân sự mới, các tiền đạo nội ít được thi đấu tại các câu lạc bộ nên phong độ chưa thực sự tốt khi lên tuyển, Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục TDTT, VFF nên làm việc lại với các địa phương, câu lạc bộ để có cơ chế hỗ trợ các tài năng bóng đá trẻ, để họ có thể ra sân thi đấu nhiều hơn.
Thế nhưng, đây là vấn đề không rõ khi quyền lợi của câu lạc bộ và quyền lợi của Đội tuyển Quốc gia trong trường hợp này có độ vênh nhất định. Rõ ràng, sức ép về mặt thành tích khiến cho các câu lạc bộ buộc phải sử dụng đến các ngoại binh chất lượng.
Chính các lãnh đạo VPF cũng thừa nhận rằng, các đội bóng ở V.League cần ngoại binh để hướng đến những mục tiêu về mặt thành tích. Bên cạnh đó, nếu không có ngoại binh, chất lượng V.League sẽ bị giảm, điều này ảnh hưởng đến công tác vận động tài trợ. Đó là câu chuyện khá nan giải.
Ngay như câu chuyện tại Cúp Quốc gia cũng đã nảy sinh dấu hỏi chất lượng. Bởi theo điều lệ, các đội V.League khi đối đầu các đội hạng Nhất không được sử dụng ngoại binh vì các đội hạng dưới chỉ được sử dụng cầu thủ nội.
HLV Vũ Tiến Thành của CLB Sài Gòn đã chia sẻ rằng: “Cúp quốc gia không có cầu thủ ngoại thì đội V.League hay hạng nhất đều tương đồng nhau về trình độ. Vì thế, đây cũng là bất cập giữa cúp quốc gia và V.League. Tôi nghĩ các nhà tổ chức phải tính toán lại. Các đội chuyên nghiệp ở giải hạng nhất cũng nên có cầu thủ ngoại. Lúc đó, sân chơi sẽ tương đồng hơn và tốt hơn”.
Quay trở lại quan điểm của HLV Lê Huỳnh Đức cho rằng HLV Park Hang-seo nếu làm câu lạc bộ thì cũng sẽ khó tránh được việc sẽ phải dùng ngoại binh vì áp lực thành tích. Đây là điều khá thực tiễn. Trong trường hợp này, có lẽ ông Park sẽ bảo vệ quyền lợi cho câu lạc bộ mà ông dẫn dắt hơn là đội tuyển. Câu chuyện ở đây về bản chất quan điểm của người cầm quân.
Các sân mở cửa đón khán giả Cuối tuần này, các trận đấu tại vòng 1/8 Cúp Quốc Gia Bamboo Airways 2020 sẽ khởi tranh với nhiều trận đấu hấp dẫn. Theo thông báo của ban tổ chức các địa phương, việc mở cửa đón khán giả trở lại đang được tiến hành. Trên sân Cẩm Phả, trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Nam Định đang nhận được nhiều sự chú ý, khi đây là 2 đội bóng đều có lực lượng cổ động viên hùng hậu. Ban tổ chức sẽ mở cửa trận đấu này. Trong khi đó, trên sân Thống Nhất, trận đấu giữa TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng bán 10.000 vé từ 10h sáng ngày 29-5. Ở mùa giải 2020 TP Hồ Chí Minh đang nhận được nhiều sự chú ý khi đưa về một loạt ngôi sao: Công Phượng, Bùi Tiến Dũng, Võ Huy Toàn... Ở Hàng Đẫy, đương kim vô địch Hà Nội sẽ tiếp đón Đồng Tháp. Sở VHTT Hà Nội đã cho phép ban tổ chức sân Hàng Đẫy mở cửa đón khán giả. Tuy nhiên, Hà Nội chỉ phát hành vé mời và vé dành cho Hội cổ động viên chứ không bán vé. Bởi theo lý giải của đại diện đội bóng Thủ đô thì điều này giúp khống chế và kiểm soát tốt nhất khán giả vào sân, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. - H.H |
Hưng Hà
Văn Quyết là tiền vệ hay nhất lịch sử Châu Á cùng huyền thoại Park Ji-sung
Đội trưởng câu lạc bộ Hà Nội Nguyễn Văn Quyết được Fox Sport Asia đưa vào danh sách 9 tiền vệ hay nhất lịch sử ... |
Tiền đạo Real trốn cách ly đi dự sinh nhật bạn gái
Luka Jovic bị Thủ tướng Serbia chỉ trích dữ dội khi lén rời Tây Ban Nha trở về quê nhà dự tiệc. |
Ngày đăng: 22:32 | 30/05/2020
/ cand.com.vn