Các khu xử lý rác thải ở Đà Nẵng, Huế đang quá tải; còn hai bãi rác chôn lấp ở thành phố Hạ Long thì đóng cửa vì ô nhiễm. Hà Nội mới trải qua một cuộc khủng hoảng khi người dân sống gần bãi rác chặn xe đổ rác vào vùng họ sống. Quảng Ngãi, Hà Tĩnh cũng đã có những cuộc gặp căng thẳng giữa chính quyền và người dân về bãi rác chôn lấp gây ô nhiễm.
Giải pháp "đối thoại" giữa nhân dân và chính quyền sẽ không bao giờ giải quyết triệt để được vấn đề, nếu cách xử lý rác chủ đạo vẫn là chôn lấp. Chỉ có một cách, nhưng Việt Nam chưa bắt đầu.
Khi mới dọn đến thành phố tây nam nước Pháp, tôi thấy lá thư "mời" ra phường nhận túi đựng rác. Thư nhắc nhở: "khi đi nhớ mang theo thẻ cư trú và một hóa đơn điện hoặc nước để chứng minh chỗ ở".
Khi tới nơi, tôi thấy khá nhiều người đã xếp hàng. Trong lúc chờ đợi, trò chuyện, tôi mới biết rằng hàng năm thành phố có hai đợt phát túi đựng rác cho dân. Chính quyền khuyến khích mọi người phân loại rác bằng cách tặng họ loại túi màu đen và màu vàng, dành cho rác tái chế và không tái chế, đủ dùng cả năm.
Rồi gia đình tôi chuyển từ căn hộ chung cư xuống nhà đất. Chính quyền tặng thêm hai thùng đựng rác miễn phí bằng nhựa. Một thùng đựng rác thường và một thùng đựng rác tái chế, mỗi thùng cỡ 240 lít. Vì nhà có vườn nên chúng tôi còn được nhận thêm một thùng sử dụng để làm phân hữu cơ từ rác nhà bếp.
Các loại rác được nhân viên vệ sinh thu gom vào ngày khác nhau. Và được quy hoạch theo những địa điểm tập kết khác nhau. Rác tái chế như đồ nhựa, bìa giấy và rác bẩn được thu dọn tại nhà; thùng nhận quần áo cũ được đặt rải rác khắp thành phố; đồ đạc cũ như bàn ghế, tủ, tivi, tủ lạnh có bãi phế liệu riêng; rác vườn lại được quy định tập kết ở khu khác. Đặc biệt, siêu thị nào cũng có thùng nhận các loại pin và bóng đèn cũ - loại rác cần xử lý đặc biệt.
Người dân Pháp, từ bọn trẻ đi học, cũng có thể nhắc lại cho bố mẹ rằng lối sống của con người ảnh hưởng tới môi trường, trái đất, hệ sinh thái, tác động trực tiếp tới sức khỏe của chính mình và thế hệ sau. Việc tuân thủ phân loại rác thải một cách nghiêm túc, hoặc cao hơn là hạn chế thải rác, vừa hạn chế khối lượng rác sinh ra vừa thúc đẩy việc tái chế.
Khi đi mua bánh mì, họ thường mang theo một túi giấy dùng rồi đựng bánh, để người bán hàng không cần đưa thêm túi mới. Họ dùng nó đến khi rách mới thôi. Ý thức như vậy không đơn giản bởi họ "sợ" khoản tiền phạt treo lơ lửng nếu vi phạm, nhẹ là 35-75 Euro, nặng là 150-450 Euro. Thái độ nghiêm túc và có trách nhiệm với môi trường đã thành văn hóa từ lâu, và gia đình tôi cũng thấm lối sống đó rất tự nhiên.
Nhiều người Việt Nam vẫn nghĩ rằng, ốc còn chưa lo nổi mình ốc, hơi đâu lo hộ toàn thiên hạ. Hay là, bao nhiêu năm qua Việt Nam không phân loại rác mà vẫn sống tốt đấy thôi, có sao đâu. Nhưng đồng thời, họ không ngừng phàn nàn, thành phố bẩn quá, sao mùa hè càng lúc càng nóng, mùa đông lạnh bất thường, thời tiết càng ngày càng "giở chứng". Một số báo cáo khoa học cho biết, 2016 là năm khí hậu toàn cầu nóng nhất kể từ năm 1880, và là năm thứ ba nhiệt độ trái đất tăng liên tiếp. Nếu con người tiếp tục tạo ra khí nhà kính, nhiệt độ có thể tăng thêm 6 độ C trong thế kỷ này. Tới năm 2030, nạn lũ lụt sẽ tăng lên gấp ba về quy mô và gấp nhiều lần về mức thiệt hại.
Số liệu từ Diễn đàn kinh tế thế giới: Đức dẫn đầu trong danh sách các quốc gia thực hiện tái chế rác của dân chúng, theo sau là Áo, Hàn Quốc và xứ Wales. Bốn quốc gia này đã tái chế thành công từ 52%-56% rác thải mỗi năm. Vậy mà tại Việt Nam, chúng ta vẫn còn loay hoay với câu hỏi có nên phân loại rác hay không, nếu thực hiện có khả thi hay không.
Một túi nylon mất hơn 100 năm để phân hủy hoàn toàn, một chai nhựa cần gần 500 năm, còn một chai thủy tinh sẽ cần hơn 4.000 năm. Nếu những chai nhựa và thủy tinh được tái chế, chúng ta đã góp phần hạn chế rất lớn rác thải chôn lấp, tiết kiệm nhiên liệu và năng lượng sản xuất những sản phẩm mới, tạo thêm công ăn việc làm trong những xưởng tái chế. Và trên hết, ta đã đảm bảo một tương lai bền vững cho con cháu mình. Người ta đã tính toán, nếu toàn bộ số báo giấy ở nước Mỹ được tái chế, họ cứu được 250 triệu cây xanh mỗi năm. Với Việt Nam, tôi tin con số này là rất nhiều khu rừng.
Quay trở lại câu hỏi về phân loại rác ở Việt Nam. Nó hoàn toàn khả thi nếu như người dân được hướng dẫn kỹ lưỡng thông tin để thay đổi nhận thức qua các kênh từ trực tiếp tới online chứ không chỉ hô hào cho có. Ngay tại nhiều chung cư cao cấp ở Hà Nội, mặc dù ban quản lý đã tích cực kêu gọi phân loại rác, trang bị đầy đủ mấy loại thùng rác, nhưng người dân vẫn không thực hiện. Họ đưa ra nhiều lý do: không biết phân loại thế nào, không có thói quen ấy, chẳng thấy ai làm cả, để làm gì...
Nỗ lực phân loại rác tại Việt Nam hồi đầu thế kỷ đã thất bại, và trở thành câu chuyện con gà quả trứng: người dân giờ nhìn thấy chính quyền cho tất cả lên một xe chứa rác lớn, và tin rằng việc mình tự phân loại là vô nghĩa; chính quyền cũng không phân loại xe chứa rác làm gì khi người dân không phân loại từ đầu nguồn; và vì không phân loại tại nguồn, công nghệ xử lý rác thải đi theo thực trạng để mãi dừng lại ở... chôn lấp.
Trong một nhận thức đúng đắn về môi trường, thì việc không phân loại rác là một tội. Nó khiến hành vi đổ rác trở thành vô nghĩa. Em trai tôi đã trải nghiệm một hình phạt ở Anh. Một số bạn người Việt cùng nhà không tuân thủ quy tắc phân loại rác của thành phố, bỏ tất vào một túi. Kết quả là họ phải sống chung với rác suốt hai tuần vì bị cơ quan vệ sinh từ chối phục vụ. Từ đó về sau, không ai còn dám tái phạm.
Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một việc đúng đắn với quốc gia.
\'Nội thành 3 ngày không chịu được rác, vậy mà chúng tôi đã phải chịu đựng hơn 20 năm nay\'
Trong khi ở nội thành Hà Nội, người dân đang căng mình với rác thải thì cách đó vài chục cây số, nhiều người dân ... |
Ngày đăng: 21:30 | 19/02/2019
/ VnExpress