Cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 dù có quy mô tương đương với Đại suy thoái 1930 nhưng có thể ít gây hậu quả lâu dài hơn.
Các nhà kinh tế cho rằng có sự khác biệt lớn giữa cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay với các giai đoạn suy thoái năm 1930 và khủng hoảng 2009. Cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke cho rằng nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng cũng rất khác nhau và dự đoán thời gian suy thoái lần này sẽ ngắn hơn nhiều.
"Sự sụp đổ của hệ thống tài chính là nguyên nhân chính của Đại suy thoái và khủng hoảng giai đoạn 2007-2009", ông Bernanke nói. Tuy nhiên, hiện giờ thì "các ngân hàng mạnh hơn và có vốn hóa tốt hơn nhiều". Theo hầu hết ước tính, suy thoái hiện tại có thể tương đương về quy mô và thời gian với cuộc khủng hoảng năm 2000 và cuộc suy thoái lớn sau Thế chiến II, vào đầu những năm 1980.
Còn việc so sánh với Đại suy thoái 1930 cũng rất khó khăn vì hầu hết bộ dữ liệu được thu thập ngày này không tồn tại vào những năm 1930 để có đối chiếu. Nhưng có vài thông tin sơ bộ, như chỉ số thương mại toàn cầu của Hội Quốc liên (League of Nations), dữ liệu của Fed về các nhà máy và hồ sơ của Cơ quan Quản lý Tiến độ công việc (Works Progress Administration – WPA) về tình trạng thất nghiệp.
Trong những năm 1930, sản xuất công nghiệp đã giảm hơn một nửa và ảm đạm nhất vào giai đoạn 1937-1938. Trong khi đó, sản xuất giảm khoảng 15% trong giai đoạn 2007-2009 và 10% vào đầu những năm 1980.
Khi Covid-19 tấn công, sản xuất công nghiệp tại Mỹ đã giảm từ trước do các cuộc chiến thương mại. Trong khi nhiều nhà máy đóng cửa bởi nhu cầu thu hẹp, thì một số nhanh chóng chuyển công năng. Chẳng hạn, General Motors và Ford đã chuyển từ chế tạo ôtô sang máy thở. Các nhà máy cung ứng vật tư y tế thì đang vật lộn để theo kịp nhu cầu.
Từ năm 1929 đến 1933, nền kinh tế suy giảm trong 43 tháng liên tiếp. Thất nghiệp đã tăng lên gần 25% trước khi từ từ giảm xuống, nhưng tỷ lệ này vẫn ở mức trên 10% trong cả một thập kỷ. Trong khi đó, cuộc suy thoái đầu những năm 1980 khiến kinh tế suy giảm 16 tháng, khủng hoảng 2007-2009 là 18 tháng. Còn với lần này, nhiều nhà kinh tế tin rằng kinh tế có thể phục hổi ngay trong năm nay hoặc đầu năm tới nếu virus được kiểm soát.
Tháng 4/2020, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đạt 14,7% và có khả năng tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, người thất nghiệp ngày nay được an toàn hơn bởi mạng lưới an sinh như bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp.
"Nhiều người đang đau khổ và nền kinh tế sẽ không hồi phục ngay chỉ sau một hoặc hai quý", ông Bernanke nói. "Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể kiểm soát virus một cách hợp lý, nền kinh tế sẽ phục hồi đáng kể và sự suy thoái này sẽ ngắn hơn nhiều so với cuộc Đại suy thoái", ông nhận định.
Quý II/2020 có thể sẽ là quý tồi tệ nhất đối với nhiều nền kinh tế. Ước tính trung bình của các nhà kinh tế được khảo sát bởi Wall Street Journal thì suy giảm kinh tế trong quý này của Mỹ có thể là 25%. Thậm chí một số ước tính gần 50%.
"Nền kinh tế giảm đột ngột, rất mạnh và ngay lập tức, do chính sách đóng cửa của nền kinh tế của các chính phủ. Và bởi nó rất đột ngột nên tạo ra những con số rất cao", ông Douglas Irwin, giáo sư tại Đại học Dartmouth, người đã nghiên cứu chính sách thương mại của Mỹ trong thời kỳ Đại suy thoái. Ngược lại, ông nói, cách mà thế giới phát triển thành Đại suy thoái là một sự suy giảm chậm và ổn định. "Đó là một sự bóp nghẹt chậm nền kinh tế", ông phân tích.
Tương tự Đại suy thoái, sự sụp đổ kinh tế ngày nay mang tính toàn cầu nhưng có quy mô nhỏ hơn, theo nhận định của ông Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF. Tổ chức này ước tính nền kinh tế thế giới đã giảm khoảng 10% trong cuộc Đại suy thoái, so với dự báo khoảng 3% trong năm nay và dự kiến tăng trưởng trở lại trong năm tới. Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển đã giảm khoảng 16% trong Đại suy thoái, còn cuộc khủng hoảng hiện tại được dự báo khoảng 6% năm nay.
Một loạt các sai lầm lớn về chính sách trên khắp thế giới đã làm trầm trọng thêm thời gian và mức độ nghiêm trọng của cuộc Đại suy thoái. Ví dụ, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ để duy trì tiêu chuẩn vàng, điều mà ngày nay không còn tồn tại. Kết quả là giảm phát nghiêm trọng, giá trị của nợ tăng lên còn thu nhập thì giảm.
Thời đó, các chính phủ ban đầu cũng cắt giảm chi tiêu để đối phó với doanh thu giảm. Và khi các nền kinh tế xấu đi, các quốc gia nâng cao các rào cản thương mại để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước của họ. Tuy nhiên, kết quả là nhu cầu toàn cầu co lại, làm cho tình hình tồi tệ thêm.
Lần này, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã nhanh chóng cắt giảm lãi suất và triển khai các chương trình để thúc đẩy thị trường tín dụng. Các chính phủ đã phê duyệt nhiều gói chi tiêu lớn, bao gồm khoản kích thích trị giá 2.000 tỷ USD của Mỹ, để giúp các doanh nghiệp hoạt động và bảo vệ công ăn việc làm. Và các nước cũng không cố nâng rào cản thương mại để đối phó với đại dịch.
"Tôi không nói là tất cả chính sách đưa ra đều đúng, nhưng chúng tôi hiểu rằng sự chậm trễ sẽ làm kinh tế xấu đi", Catherine Mann, nhà kinh tế trưởng của Citigroup, bình luận.
Hà Nội bỏ yêu cầu giãn cách ở quán ăn, chưa cho mở lại karaoke và vũ trường |
Anh lập chế độ cảnh báo 5 cấp nhưng chưa gỡ phong toả |
Hàng chục triệu người Tây Ban Nha ra khỏi phong toả |
Ngày đăng: 08:44 | 11/05/2020
/ vnexpress.net