Giá dầu tiếp tục lao dốc cảnh báo cuộc khủng hoảng giá dầu dưới ngưỡng 40 USD/thùng có thể xảy ra.
Sáng 25/12, giá dầu WTI mất 6,71% giá trị, giảm xuống còn 42,53 USD/thùng, giá dầu Brent cũng mất hơn 6% giá trị rớt từ 53 USD xuống còn 50,47 USD.
OPEC không đủ sức cứu giá dầu nữa? |
Cả hai loại giá dầu đều đang trong trạng thái suy giảm, trạng thái thị trường này xảy ra khi mà giá dầu giảm khoảng 20% so với mức đỉnh gần nhất.
Hiện tại giá dầu WTI thấp hơn khoảng 40,5% so với mức đỉnh gần nhất vào ngày 3/10/2018 còn giá dầu Brent thấp hơn khoảng 38% so với mức đỉnh thiết lập vào tháng 10/2018.
Các nước Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đạt được thỏa thuận với các nhà khai thác bên ngoài tổ chức về thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm giảm lượng dầu dư thừa trên thị trường, từ đó giúp nâng giá dầu. Theo cam kết, OPEC sẽ cắt giảm sản lượng khai thác xuống còn 2,5%, tương đương 1,2 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, diễn biến giá dầu mấy ngày qua khiến mục tiêu trên thất bại.
Giới phân tích hoài nghi rằng, OPEC giờ đây không còn là tổ chức đủ khả năng can thiệp giá dầu trên thị trường. Các thành viên trong OPEC đang rất cần giá dầu tăng cao nhằm mục tiêu cân bằng ngân sách. Nhưng các nước lại có độ lệch nhau về giá dầu khiến mục tiêu chung nâng giá dầu trở nên phức tạp.
Chẳng hạn, Saudi Arabia cần giá dầu lên tới 88 USD để đạt điểm cân bằng ngân sách, nhưng Libya đòi 114 USD, Nigeria là 127 USD, Venezuela đòi gấp đôi số đó là 216 USD, trong khi Kuwait chỉ cần 48 USD.
Nỗ lực của Saudi Arabia về việc sẽ giảm thêm khoảng 322 nghìn thùng/ngày từ đầu năm sau không đủ khiến thị trường lạc quan về lượng dầu dư thừa.
Trong khi đó, Mỹ là quốc gia đã vươn lên dẫn đầu thế giới về sản lượng khai thác dầu.
Tuy nhiên, bất chấp giá dầu đã lao dốc, Washington đứng ngoài cuộc cứu giá mà OPEC và Nga đang rất nỗ lực thực hiện.
Chuyên gia Edward Hirs thuộc Đại học Houston cho rằng lý do khiến Mỹ không tham gia vào việc làm thay đổi thị trường thế giới là do chi phí sản xuất của nước này so với các nước OPEC.
Nếu OPEC vẫn cùng với Nga phối hợp để duy trì mức giá bán cao, các nhà sản xuất Mỹ sẽ có thể duy trì việc khai thác. Ông cho biết, Mỹ phụ thuộc vào OPEC trong việc sản xuất dầu giá rẻ hơn kể từ năm 1974 và chiến lược này khiến Mỹ dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn nguồn cung và sự thao túng thị trường của OPEC.
Bên cạnh nguyên nhân giá dầu giảm vì lo ngại dư thừa nguồn cung, trên khắp toàn cầu, xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chững lại, ngoại trừ Mỹ.
Điều này không khỏi tác động đến nhiều thị trường chứng khoán, khiến cho nhu cầu của nhà đầu tư đối với các loại tài sản rủi ro giảm. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống có thể khiến cho nhu cầu năng lượng giảm.
Trưởng bộ phận kinh doanh năng lượng tại Oanda, ông Stephen Innes, trong nghiên cứu mới đây đã viết: “Rõ ràng ngay cả khi sản lượng đã được giảm, thị trường năng lượng vẫn rơi xuống những mức thấp mới.
Và khi mà việc giảm sản lượng có thể giúp mang đến phần nào cân bằng cung cầu trong nửa đầu năm 2019, những nỗi lo về tăng trưởng kinh tế cũng như hoạt động sản xuất dầu đá phiến vẫn khiến thị trường rung lắc hơn nữa”.
Thực tế này cho thấy một điều rằng, những nỗ lực của OPEC cho đến nay đã không còn tác dụng mạnh mẽ nữa và kịch bản giá dầu xuống dưới mức 40 USD/thùng là có khả năng tiếp diễn trong tương lai.
Sơn Dương
Iran kêu gọi OPEC không làm theo yêu cầu hạ giá dầu của Trump
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran thúc giục các nước thành viên OPEC không cúi đầu trước "những lời đe dọa" từ Tổng thống Mỹ. |
Ngày đăng: 01:42 | 26/12/2018
/ Báo Đất Việt