Người di cư thời gian qua trở thành con bài quan trọng của các nước châu Âu, được sử dụng phục vụ cho mưu đồ tác động, gây ảnh hưởng lẫn nhau.

Sáu năm sau cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu (2015), người già và trẻ em đến từ các khu vực bất ổn và nghèo đói ở Trung Đông vẫn đang lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất" giữa thời tiết giá lạnh khi họ kẹt lại giữa biên giới Belarus - Ba Lan trong những tuần gần đây. Người di cư rơi vào tình thế “không lối thoát”, bị chèn ép giữa một bên là hàng rào dây thép gai và một bên là binh lính.

“Lời qua, tiếng lại”, các nước đổ lỗi cho nhau trong khi dòng người di cư bị bỏ mặc ở biên giới. Giới chức hai Ba Lan - Belarus không thể che giấu thực tế rằng, chính người di cư đang là nạn nhân của cách hành xử của chính quyền Warsaw và Minsk. Họ không chỉ bị đẩy vào thế đường cùng mà còn bị các thế lực sử dụng như “con bài chính trị”, phục vụ cho ý đồ giới cầm quyền trong quan hệ đối ngoại.

Nguồn cơn khủng hoảng

Hiện có khoảng 3.000 - 4.000 người di cư đang tập trung tại khu vực biên giới giữa Belarus và Ba Lan và con số này có thể lên đến 10.000 người trong những tuần tới. Đây là những người chạy khỏi các quốc gia bị chiến tranh tàn phá từ khu vực Trung Đông như Syria và Iraq. Những người này đến Belarus với mục đích sang trời Âu, hiện thực hóa giấc mơ “đổi đời”.

Khủng hoảng di cư Ba Lan-Belarus: Tái lặp kịch bản 'ngã giá' biên giới châu Âu? - 1
Căng thẳng giữa Ba Lan và Belarus leo thang trong những tuần gần đây khi người di cư ồ ạt đổ về biên giới hai nước này. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, thực tế không như những gì người di cư mong đợi, “giấc mơ trời Âu” mà họ đón nhận là phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Số phận của người di cư trở nên mong manh hơn bao giờ hết khi sống giữa thời tiết giá lạnh, thiếu nước, lương thực, trong khi ngóng trông giải pháp cứu cánh từ chính quyền Warsaw và Minsk.

Làn sóng hàng nghìn người di cư ồ ạt kéo đến biên giới Belarus - Ba Lan gây nên cuộc khủng hoảng di cư trầm trọng ở châu Âu, khiến quan hệ giữa Ba Lan và Belarus nói riêng và Belarus - EU nói chung đang trở nên hết sức căng thẳng. Tương lai của mối quan hệ này đang trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết. Và trong khi chờ đợi giải pháp từ hai phía, nạn nhân chính hứng chịu hệ lụy, ảnh hưởng từ căng thẳng giữa Belarus và Ba Lan không ai khác ngoài người di cư.

Trước đối cảnh đó, Ba Lan đã điều động 15.000 binh sĩ tới biên giới để chặn dòng người di cư xâm nhập qua biên giới nước này. Ba Lan và EU cáo buộc Belarus để cho đoàn người di cư tự do di chuyển đến biên giới nhằm đáp trả việc các nước EU áp đặt lệnh trừng phạt nước này từ năm ngoái.

Phía Ba Lan cho rằng, người di cư được cung cấp visa, vé và máy bay sẵn sàng vận chuyển họ tới thủ đô Minsk trước khi đưa đến biên giới giáp với các nước thành viên EU là Litva, Latvia và Ba Lan. Kết quả là số người vượt biên trái phép vào Ba Lan từ Belarus tăng đột biến thời gian gần đây.

Tuy nhiên, Belarus phủ nhận việc khuyến khích dòng người di cư, cho rằng EU đang vi phạm quyền của người di cư bằng cách từ chối tạo cho họ một hành lang đi lại an toàn. Cách tiếp cận cứng rắn của EU khiến cuộc khủng hoảng di cư hiện nay thêm trầm trọng.

Trước đó, Mỹ và EU tăng cường các lệnh trừng phạt lên chính quyền Tổng thống Belarus Lukashenko sau sự cố Minsk chặn máy bay chở khách của hãng hàng không Ryanair (Ireland), yêu cầu hạ cánh khẩn cấp để bắt giữ một nhà hoạt động đối lập. Đáp trả, ông Lukashenko tuyên bố không tuân thủ thỏa thuận ngăn chặn di cư bất hợp pháp, với lý do các lệnh trừng phạt của EU đã tước đi của Minsk các khoản tiền cần thiết để chặn dòng người di cư.

Cuộc khủng hoảng năm 2015 chứng kiến hơn 1 triệu người vượt biên vào châu Âu. Vì thế, 3.000 - 4.000 người di cư trong cuộc khủng hoảng hiện nay không thể so sánh với con số đó. Số người di cư giờ đây hoàn toàn có thể nằm trong tầm kiểm soát của EU. Thế nhưng, thay vì quan tâm tới nguyên nhân những người di cư và bảo vệ họ, EU lại quá ám ảnh vấn đề nhân đạo, làm xói mòn khái niệm tị nạn và ảnh hưởng tới những nguyên tắc của khối.

Khủng hoảng di cư Ba Lan-Belarus: Tái lặp kịch bản 'ngã giá' biên giới châu Âu? - 2
Người di cư đối mặt với hiểm nguy khi ôm giấc mộng "đổi đời". (Ảnh: Belta)

Theo đó, Litva, Ba Lan và 10 quốc gia EU kêu gọi EU thay đổi khung pháp lý hiện có để phù hợp với thực tế mới. Thực ra, lời kêu gọi này phớt lờ Công ước Geneva về người tị nạn, hợp pháp hóa việc từ chối những người tị nạn yếu thế, đẩy họ vào tính cảnh hết sức nguy hiểm.

Tái diễn kịch bản người di cư của Thổ Nhĩ Kỳ

Không dễ để các bên liên quan đến khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan - Belarus có thể tìm kiếm được lời giải cho vấn đề này. Dù phán xét đúng, sai thế nào chưa rõ, song có thể nhìn nhận thực tế rằng, nạn nhân trong câu chuyện này chính là người di cư. Họ đang phải đối mặt với hiểm nguy, sống trong vô vọng trong khi trông chờ giải pháp từ các nhà chức trách.

Câu chuyện di cư giữa biên giới Ba Lan và Belarus dường như tái diễn những tranh cãi, mặc cả giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU sau làn sóng người di cư ồ ạt từ Trung Đông, châu Phi đổ về châu Âu năm 2015 và 2016. Thổ Nhĩ Kỳ chớp lấy thời cơ, sử dụng người di cư như con bài để gây sức ép lên EU trong các vấn đề chính trị và kinh tế.

Thời điểm đó, EU rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi những giá trị và lợi ích châu Âu bị thách thức bởi làn sóng di cư có quy mô chưa từng thấy. Cuộc khủng hoảng di cư tạo ra thách thức thực sự đối với EU, đe dọa sự gắn kết và tồn vong của liên minh này.

Khủng hoảng di cư Ba Lan-Belarus: Tái lặp kịch bản 'ngã giá' biên giới châu Âu? - 3
Ba Lan triển khai quân ở biên giới đẻ chặn người di cư xâm nhập vào nước này. (Ảnh: CNN)

Nhiều lo ngại ở châu Âu nổi lên khi người di cư tràn vào châu lục này. Các nước trong khu vực lo ngại các phần tử thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tràn trộn trong dòng người di cư từ Trung Đông, châu Phi để thâm nhập vào châu Âu, thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở đây.

Chưa hết, lo ngại rất lớn nữa là xung đột về văn hóa và tôn giáo. Người dân và chính phủ các nước châu Âu vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận đón nhận sự hiện hữu ồ ạt của cộng đồng người Hồi giáo ở châu lục này bởi người di cư phần lớn người theo đạo Hồi, đến từ Trung Đông và châu Phi. Ngoài ra, gánh nặng kinh tế, mất đoàn kết nội khối cũng bùng phát khi khủng hoảng di cư ập đến với EU.

Nắm được điểm yếu của EU, Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng tận dụng cuộc khủng hoảng này để gây sức ép buộc EU tăng thêm tiền viện trợ và đẩy nhanh tiến trình đàm phán kết nạp nước này làm thành viên. Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn gia nhập EU song vẫn chưa nhận được cái “gật đầu” từ liên minh này.

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ mở cửa cho người di cư vào châu Âu, nếu nước này không nhận được hỗ trợ phù hợp để thực hiện kế hoạch thiết lập “vùng an toàn” tại miền bắc Syria. Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ bị nhiều nước chỉ trích gay gắt, cho rằng Ankara đang sử dụng “con bài di cư” phục vụ mục đích chính trị khi châu Âu quá oằn mình đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư.

Khủng hoảng di cư Ba Lan-Belarus: Tái lặp kịch bản 'ngã giá' biên giới châu Âu? - 4
Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng người di cư như con bài để mặc cả với EU về chính trị và kinh tế. (Ảnh: Euractiv)

Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ một lần mà nhiều đợt lớn tiếng dọa “thả cửa” cho người di cư tràn vào châu Âu, gây áp lực với EU một khi quan hệ hai bên rơi vào cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố, Ankara sẽ cho phép hàng triệu người tị nạn tới châu Âu nếu khối này chỉ trích chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Ông Erdogan muốn các đồng minh NATO và EU hỗ trợ, ủng hộ vai trò lớn hơn Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột tại Syria

EU xem Thổ Nhĩ Kỳ được coi là bức tường thành ngăn người di cư đổ vào châu Âu. Vì thế, cuối cùng EU cũng đã phải nhượng bộ, ký thỏa thuận với Ankara. Theo thỏa thuận này, EU viện trợ 6 tỷ euro để Ankara giữ 4 triệu người tị nạn Syria trên lãnh thổ của mình, không để làn sóng người di cư tràn vào các nước châu Âu.

Làn sóng người di cư sẽ tiếp tục âm ỉ, và việc bùng phát thành cuộc khủng hoảng một khi không giải quyết gốc rễ vấn đề người di cư. Đó là chiến tranh, xung đột, nghèo đói.. ở những quốc gia mà người di cư xuất phát.

Tuy nhiên, hy vọng về một giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng người di cư vẫn còn xa vời chừng nào cuộc mặc cả, ngã giá giữa các bên còn chưa ngã ngũ, hoặc hai bên vẫn còn “cân đong, đong đếm” thiệt hơn.

KÔNG ANH

Belarus đưa 2.000 người di cư về nước Belarus đưa 2.000 người di cư về nước
Động cơ khiến hàng nghìn người di cư Haiti ào ạt đổ sang nước Mỹ Động cơ khiến hàng nghìn người di cư Haiti ào ạt đổ sang nước Mỹ

Ngày đăng: 08:17 | 18/11/2021

/ vtc.vn