Góp ý về phạm vi điều chỉnh của Luật Tố cáo, đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa nói: “Tôi nghĩ trong phạm vi áp dụng của Luật Tố cáo không nên đưa việc giải quyết tố cáo các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ công chức, viên chức nghỉ hưu vào luật… Tôi hiểu vấn đề này rất phức tạp. Cán bộ nghỉ hưu rồi trước đó qua nhiều văn bản điều chỉnh rồi. Không nên tiếp nhận đơn tố cáo đó”.
Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa còn lo lắng: “Nếu tố cáo như thế làm ảnh hưởng đến cán bộ nghỉ hưu”.
Ý kiến của đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa tạo ra phản ứng trong dư luận vì rất thiếu thuyết phục. Xin đặt ra hai câu hỏi với đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa: 1/ Phức tạp là phức tạp cái gì? 2/ Ảnh hưởng là ảnh hưởng cái gì?
Đúng ra, chính việc không tố cáo cán bộ về hưu mới phức tạp và ảnh hưởng đến sự công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật.
Xin thưa với đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa, một cá nhân phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình cho đến khi chết, kể cả sau khi chết ít nhất cũng chịu trách nhiệm về thanh danh, như cách nói “người ta chết để tiếng”.
Nếu một cán bộ về hưu là được miễn tố cáo, thì coi như cho họ cái quyền “hạ cánh an toàn”, về hưu là coi như xong việc. Chẳng lẽ trong khi đương chức, họ có hành vi tham ô, tham nhũng, nhưng do về hưu rồi nên không tố cáo vì “ảnh hưởng đến cán bộ”. Vậy thì chẳng khác gì khuyến khích cho người đương chức vi phạm, rồi chờ ngày nghỉ hưu là yên tâm hưởng thụ vì không ai đụng đến mình.
Cán bộ về hưu cũng như bao con người khác, và bất cứ ai cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật là sơ đẳng nhất, ai cũng phải biết nguyên tắc này, và đại biểu Quốc hội thì càng phải biết. Cho nên không thể có chuyện cán bộ về hưu lại không bị điều chỉnh bởi Luật Tố cáo.
Mục đích của Luật Tố cáo là để cho công dân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, không miễn trừ bất cứ đối tượng nào, không loại trừ bất cứ người có chức vụ, quyền hạn nào. Vấn đề là xử lý tố cáo, phải đúng các quy định của pháp luật, không để xảy ra bị hàm oan và cũng không để bỏ lọt tội phạm.
Cán bộ muốn đừng bị tố cáo, kê cao gối ngủ, sống ung dung tự tại cho đến hết đời thì hãy là một cán bộ liêm chính, chí công, vô tư. Ngược lại, nếu làm quan mà gian tham thì chưa biết khi nào bị lôi ra ánh sáng.
Không có chuyện về hưu rồi là xong chuyện đâu thưa quý vị.
Kiểm soát cho được tham nhũng!
Cần phải xây dựng cho được cơ chế quản lý bằng pháp luật để kiểm soát tham nhũng chứ chống tham nhũng bằng việc luân ... |
Chấp nhận đi tù, \'hy sinh đời bố\' để tham nhũng
Trao đổi bên lề QH chiều qua, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, nhiều đối tượng tham nhũng sẵn sàng “hy sinh đời ... |
Học viên trường cán bộ sẽ tham quan nơi nhốt tù tham nhũng
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay, chương trình đi tham quan của học viên Học viện cán bộ TP HCM sẽ bổ sung điểm ... |
(http://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khong-the-ve-huu-roi-la-xong-chuyen-575263.ldo)
Ngày đăng: 09:19 | 10/11/2017
/ Theo Lê Thanh Phong/Lao động