Ngày 26.10.2017, Báo Lao Động đã có bài điều tra “Lập Cty ma, bán thuốc ung thư giả” phản ánh việc Cty Bidu Pharma tại Hà Nội đã nhập và làm giả một số loại thuốc chữa ung thư để bán ra thị trường. Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Ông Chu Đăng Trung trả lời báo chí tại buổi họp báo bất ngờ của Bộ Y tế. Ảnh: N.P

Mua thuốc chữa ung thư không cần đơn

Theo một số thông tin, ngay tại Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều (Hà Nội), hiện người bệnh dễ dàng mua thuốc điều trị ung thư của bất kỳ loại nào. Kể cả loại thuốc không được phép bán tại Việt Nam như Vidatox 30CH. Không cần đơn thuốc của bác sĩ, chỉ cần khách có tiền là nhân viên có thuốc.

Cũng theo nguồn tin trên, nhân viên bán hàng khẳng định những hộp thuốc được nhập trực tiếp từ Cuba. Tuy nhiên, theo thông tin từ nhà sản xuất thuốc có hạn dung tốt nhất 2 năm nhưng các lọ thuốc ở đây đều ghi hạn 5 năm, thậm chí 10 năm.

Vụ việc được Báo Lao Động phản ảnh số ra ngày 26.10.

Sở Y tế Hà Nội đã từng tiến hành kiểm nghiệm 4 mẫu thuốc ung thư Vidatox trôi nổi trên thị trường. Kết quả cho thấy, 4 mẫu sản phẩm ngẫu nhiên trôi nổi mang tên là hàng xách tay được kiểm nghiệm không có hoạt chất hoặc hoạt chất bị pha loãng nhiều lần so với mẫu chuẩn của HT Pharma - công ty được phép nhập khẩu - đang nhập khẩu chính thức.

Theo kết quả của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, đến nay hệ thống kiểm nghiệm chỉ mới kiểm tra được khoảng 500 hoạt chất trên tổng số 1.000 hoạt chất đang lưu hành trên thị trường. Tỉ lệ thuốc giả qua các năm có giảm nhưng vẫn tồn tại.

T.S Nguyễn Bá Đức, Nguyên Giám đốc Bệnh viện K cho biết, thuốc giả ở đây được phát hiện hoặc bị làm giả hoàn toàn, nghĩa là trong viên thuốc không hề có hoạt chất kháng sinh hay hoạt chất cần thiết để điều trị bệnh hoặc có nhưng không đủ liều lượng, chẳng hạn như trên bao bì ghi là 500mg nhưng khi kiểm nghiệm, nó chỉ là 400mg hoặc thấp hơn.

Cũng không ít trường hợp thuốc đã hết hạn sử dụng nhưng được làm lại bao bì, in lùi thời gian thêm 2, 3 năm nữa. Hậu quả là trong các bệnh nhiễm khuẩn, chẳng những người bệnh đã không lành, mà còn sinh ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc, việc điều trị vừa khó khăn, lại vừa tốn kém.

Còn đối với thuốc hỗ trợ điều trị ung thư, TS Nguyễn Bá Đức cho biết, trong thời gian ông làm việc tại Bệnh viện K chưa từng gặp phải thuốc hỗ trợ điều trị ung thư giả. Điều này không có nghĩa là không có. Bởi trước đây, thuốc hỗ trợ điều trị ung thư còn khá ít được nhập về có nguồn gốc rõ ràng. Hiện nay, thị trường thuốc ngày càng sôi động nên việc làm giả thuốc ngày càng gia tăng.

Bộ Y tế lên tiếng về vụ VN Pharma

Chiều 26.10, Bộ Y tế bất ngờ tổ chức cuộc gặp gỡ “nóng” với báo chí để thông tin về một số vấn đề trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Y tế trong vụ VN Pharma.

Theo ông Chu Đăng Trung - Đại diện Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) - về việc có yêu cầu bắt buộc phải truy xuất, xác minh nguồn gốc trước khi cấp giấy phép hoạt động cho Cty Helix Pharmaceuticals Inc, cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita do Cty này sản xuất, Bộ Y tế khẳng định đã làm đúng các quy định của pháp luật về cấp phép, Văn bản Pháp luật quy định Cục Quản lý Dược không có trách nhiệm và không thể xác định được việc VN Pharma làm giả giấy tờ một cách có tổ chức và tinh vi như kết luận điều tra và Kháng nghị của VKS đã nêu. Việc cấp giấy phép hoạt động cho một Cty nước ngoài hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam hoặc cấp phép nhập khẩu cho lô thuốc H-Capita không được phép yêu cầu thêm hồ sơ, điều kiện, trình tự thực hiện thủ tục hành chính. Trong quá trình hoạt động của Cty hoặc quá trình lưu hành thuốc trên thị trường nếu có dấu hiệu nghi ngờ hoặc hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan cấp phép sẽ thực hiện việc rút giấy phép hoạt động, giấy phép lưu hành.

Sao nhập khẩu thuốc lại dễ dàng như vậy?

Trao đổi với Lao Động, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng: “Để thành lập công ty và nhập khẩu thuốc theo quy trình thì không hề dễ dàng. Nhưng trên thực tế tôi khẳng định có những trường hợp được cấp phép rất nhanh, nhưng cũng có những trường hợp chờ đợi hằng năm trời, không hiểu lý do vì sao. Cho nên vấn đề ở đây là con người thực hiện quy trình đó và người ta giám sát việc thực hiện quy trình đó như thế nào.

Thứ hai là chúng ta thiếu định hướng dẫn đến việc thành lập các công ty và những thuốc nhập khẩu không cần thiết. Nên hạn chế thành lập công ty bởi theo luật của chúng ta mặc dù khuyến khích thành lập doanh nghiệp, nhưng với riêng ngành dược thì khi thành lập quá nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong kinh doanh thì hầu như chỉ để tăng tầng lớp trung gian.

Một viên thuốc có thể đi qua rất nhiều tầng lớp trung gian trước khi đến tay người dùng. Chưa kể tới đạo đức kinh doanh, người ta có thể có những cái nâng khống giá, vượt qua hết các quy định để giá thuốc “trên trời”. Vấn đề ở đây vẫn là con người mà thôi.

Ở đây nhìn lại, việc lập công ty dược thì phải đạt những tiêu chí của kinh doanh có điều kiện, nhưng cuối cùng có vấn đề đặt ra là khi thẩm định có thể đạt, nhưng trong quá trình thì với cách thức và lực lượng thanh kiểm tra như hiện nay thì khó mà đảm bảo được. Đó là chưa kể tới những hạn chế của năng lực thanh tra.

Tôi khẳng định là các doanh nghiệp vẫn thường xuyên than phiền là việc cấp phép của chúng ta rất nhiêu khê. Thế nhưng trong trường hợp này chúng ta lại than phiền theo chiều ngược lại là cấp dễ quá. Chỉ dựa vào một ông trung gian nào đó có thật hay không cũng không ai biết, từ đó vào Việt Nam với danh nghĩa thuốc chất lượng. Ta còn thiếu một quy trình trong quy định để đi kiểm tra, kiểm soát trên thực tế nó có sản xuất đạt chuẩn hay không?

Nếu không đủ lực, thì chúng ta phải yêu cầu các hàng rào kỹ thuật, phải có sự kiểm tra. Có thể nhờ các bên trung gian, các tổ chức nước ngoài người ta thực hiện kiểm tra và phí tổn phải trả là cái phí mà công ty muốn đưa thuốc nhập khẩu vào thị trường chúng ta phải chịu.

Hãy nhìn trong thực tế con số đánh giá, hệ thống kiểm nghiệm của chúng ta kiểm nghiệm được thuốc giả giảm dần hằng năm. Tới giờ chỉ là 0,01% là con số của năm 2016. Nó có phản ánh thực tế hay không là câu hỏi cần phải đặt ra. Chưa kể khi bặt được một vụ thuốc giả, ta có biết được xử cuối cùng như thế nào hay không? Dù rằng trong luật hình sự hình phạt cao nhất là tử hình?

Khi mà một vụ việc như VN Pharma, việc giả mạo nguồn gốc xuất xứ, giả mạo hồ sơ thì ngay cả người không có chuyên môn về dược cũng thấy rõ ràng là thuốc giả, rõ như ban ngày.

TS-BS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng cho rằng: Thông tin về thuốc được cung cấp cho người bệnh không minh bạch, người bệnh chỉ dựa vào nhà cung cấp mà không có thêm bất cứ thông tin gì. Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý của ngành y tế với thuốc điều trị không minh bạch, thì đây là lỗ hổng lớn. Vấn đề không chỉ H-Captal của VN Pharma, chúng ta chỉ thông qua các vụ việc mới để ý đến thuốc nào giả. Với tình trạng quản lý như hiện nay, chỉ một mặt hàng “lọt lưới” người bệnh có quyền nghi ngờ còn nhiều loại thuốc không đảm bảo trôi nổi.
Bày bán tràn lan thuốc ung thư giả tại cổng viện

Thuốc Vidatox 30CH không được phép sử dụng trong bệnh viện cũng như bán tại các hiệu thuốc.

Phát hiện thêm một vụ "VNPharma thứ hai": Lập công ty ma, bán thuốc ung thư giả

Trong khi phiên tòa xét xử lãnh đạo Cty VN Pharma với nghi án thuốc ung thư H-Capita 500mg chữa ung thư là thuốc giả ...

Phá vụ buôn bán thuốc điều trị ung thư giả

Nguyễn Công Doanh là đối tượng buôn bán các loại thuốc điều trị ung thư, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư ...

http://laodong.vn/suc-khoe/khong-the-de-thuoc-ung-thu-gia-long-hanh-572445.ldo

Ngày đăng: 08:46 | 27/10/2017

/ Báo Lao động