Sau ba lần tăng vốn và bốn lần lùi tiến độ, Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến hoàn thành gói thầu tại khu depot Nhổn vào tháng 5/2023; nghiệm thu bàn giao, chứng nhận an toàn hệ thống vào tháng 8/2023.

Cùng với đó, các kịch bản vận hành, bảo trì sẽ được thực hiện trong 8 tuần theo lịch chạy tàu 3 ca/ngày, 7 ngày/tuần, bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 6.

Bước sang năm thứ 14, dự án đạt hơn 75% khối lượng công việc

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km. Depot đặt tại Nhổn có diện tích 15ha. Dự án được khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng sau bốn lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới của dự án dự kiến là 2027.

123
Nhiều tuyến đường đang bị thu hẹp để phục vụ công tác thi công dự án Đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (metro Nhổn - Ga Hà Nội). Lý giải việc chậm tiến độ khai thác đoạn trên cao, UBND TP Hà Nội cho biết năng lực của nhà thầu thực hiện gói thầu công trình depot Nhổn hạn chế; năng lực triển khai dự án của chủ đầu tư, tư vấn và sự phối hợp của các sở ngành chưa tốt. Ngoài ra, UBND thành phố chưa quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và có vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị.

Ngoài tiến độ đoạn trên cao, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị điều chỉnh mốc khai thác vận hành toàn tuyến vào năm 2027, chưa tính 24 tháng bảo hành. Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án kéo theo tăng chi phí thực hiện. Thành phố đề xuất điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư tăng thêm khoảng 1.900 tỷ đồng (lên hơn 34.820 tỷ đồng). Trước đó năm 2014, dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 18.000 tỷ đồng lên gần 33.000 tỷ đồng (tăng khoảng 50%).

Hiện nay, tổng thể dự án đạt khoảng 75,6%, trong đó tiến độ đoạn trên cao 97,6%, đoạn ngầm 33%. Tuy nhiên, dự án tiếp tục gặp khó khăn về thi công, thanh toán khối lượng đã hoàn thành cho các nhà thầu do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trước ngày 31/12/2022 như kế hoạch.

3/9 nhà thầu đã có văn bản tạm dừng thi công từ đầu tháng 2/2023. Thành phố cho rằng việc nhà thầu tạm dừng thi công nếu không sớm được giải quyết có thể khiến tiến độ toàn dự án không đảm bảo, bao gồm chạy thử tháng 6/2023, vận hành thương mại tháng 8/2023, chạy toàn tuyến năm 2027.

Các ga ngầm đang tiếp tục được triển khai

Ngày 10/4, trao đổi nhanh với phóng viên, ông Lê Trung Hiếu-Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã tiến hành thi công tường vây khu vực ga-ra và đường chuyển làn giai đoạn 1 thuộc gói thầu CP03 - Hầm và các ga ngầm. Song song với việc đảm bảo an toàn lao động, Dự án đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ trong quá trình thi công.

Hiện tiến độ trung bình là 2 ngày/tấm. Để phục vụ quá trình thi công, Dự án đã sử dụng 2 xe cần cẩu loại 80 tấn và 150 tấn để hạ xuống độ sâu 32m. Khối lượng bê tông dùng để đổ đầy 1 tấm tường vây là 280m3. Sau khi hoàn thành thi công tường vây khu vực ga-ra và đường chuyển làn, Dự án sẽ tiến hành đào và thi công bản đỉnh.

Trước đó, vào cuối năm 2022, Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chính thức bước vào giai đoạn chạy thử đoạn trên cao. Theo đó, các đoàn tàu chạy từ 9h đến 19h, từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần với tối thiểu là 4 đoàn tàu và tối đa là 8 đoàn tàu. Hiệu suất hoạt động của hệ thống được tóm tắt, báo cáo trong cuộc họp sau 19h mỗi ngày chạy tàu.

Quá trình chạy thử đã đạt khả dụng 99,6%. Trong những ngày chạy thử, quá trình này được thực hiện theo 5 bước: Kiểm tra tính sẵn sàng của hệ thống đường ray, kiểm tra khởi động; đưa tàu lên tuyến chính để sẵn sàng chạy theo biểu đồ chạy tàu; chạy tàu liên hoàn; đưa tàu trở lại khu vực tập kết tàu; hoàn thành đưa tàu về khu vực tập kết và tắt nguồn điện của tàu.

Với quá trình chạy thử thành công, Ban quản lý dự án sẽ vận hành thử (Trial Run) trong thời gian tới. Đơn vị đã tiến hành đào tạo modun chung cho vận hành nhà ga tại nhà điều hành tại Depot. Phía ban quản lý dự án cũng cho hay, ở bước này, đơn vị triển khai để kiểm tra quá trình vận hành, phát hiện và hoàn thiện các quy trình của vận hành như thẻ vé, các tình huống giả định, các kịch bản có thể xảy ra trong quá trình vận hành.

Sau khi kết thúc bước vận hành thử và công tác đánh giá an toàn hệ thống của tư vấn đánh giá an toàn hệ thống các bước tiếp theo sẽ là Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện công tác thẩm định báo cáo đánh giá an toàn hệ thống; Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu các công trình xây dựng tiến hành rà soát hồ sơ dự án, các báo cáo đánh giá và công nhận kết quả để nghiệm thu cuối cùng. Kết thúc các nội dung công việc trên sẽ tiến hành công tác nghiệm thu bàn giao đưa vào khai thác thương mại.

“Việc khai thác thương mại đoạn Nhổn - Cầu Giấy tuyến đường sắt này còn phụ thuộc bên ngoài, phụ thuộc vào Hội đồng nghiệm thu nhà nước. Nếu mọi việc theo đúng kế hoạch, dự kiến đầu Quý III/2023, tuyến đường sắt đô thị này sẽ đưa vào khai thác thương mại đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy”, lãnh đạo MRB thông tin.

Thông tin từ Ban QLDA Đầu tư các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho biết, đơn vị này đang ưu tiên cải tạo đồng bộ hè, đường, tổ chức giao thông từ Nhổn đến Xuân Thủy (từ ga số 1 đến ga số 6). Đây là hợp phần của dự án do UBND TP Hà Nội giao đơn vị thực hiện thuộc "Dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội". Đối với dự án này, thành phố đầu tư hơn 1.282 tỷ đồng (54,75 triệu USD) từ nguồn vốn vay Quỹ Công nghệ sạch CTF, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng từ ngân sách TP (5,8 triệu USD). Trước đó, người dân phản ánh trên đường Hồ Tùng Mậu đoạn bên dưới ga Lê Đức Thọ  từng là khu vực xuống cấp nghiêm trọng, chằng chịt lưng lươn, sống trâu, gây mất an toàn giao thông.

 

Ngày đăng: 08:15 | 13/04/2023

Nhật Uyên / CAND