Sau những ồn ào về cải tiến chữ viết, dư luận xã hội lại hướng sự quan tâm đến thông tin sẽ tiến tới không phân biệt bằng chính quy và tại chức. Từ một chủ trương được đánh giá là tiến bộ, phù hợp với xu hướng thế giới, lại đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận.

khong phan biet chinh quy va tai chuc chuyen khong cua rieng tam bang

Hằng năm, thí sinh phải vất vả vượt qua kỳ thi THPT Quốc gia để giành suất vào một trường chính quy. Ảnh: Hải Nguyễn

Tại sao người dân lại có sự kỳ thị với bằng tại chức như vậy?

Lo cào bằng chất lượng

Tỉnh Quảng Ngãi vừa đưa ra quy định cán bộ công tác ở các sở, ban ngành của tỉnh này phải “cắp sách” đi học lại... đại học chính quy nếu muốn thăng quan tiến chức. Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân về Dự thảo Luật giáo dục Đại học, trong đó có quy định: Giáo dục đại học được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo tập trung và đào tạo không tập trung. Điều đó đồng nghĩa hai hình thức đào tạo chính quy và tại chức sẽ không còn ghi trên văn bằng nữa.

Bằng đại học tại chức sẽ có giá trị giống như bằng đại học chính quy, thông tin này đang vấp phải ý kiến trái chiều từ phía người dân và các chuyên gia giáo dục. Bởi chất lượng đào tạo giữa hệ chính quy và tại chức ở Việt Nam vẫn là một khoảng cách khá xa, từ đầu vào, thi cử đến đầu ra. Nếu giá trị như nhau, tại sao một số địa phương như Quảng Ngãi lại không tuyển dụng hoặc bổ nhiệm những người có bằng tại chức vào vị trí lãnh đạo?

Theo đánh giá của TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), việc tiến tới thống nhất văn bằng đại học thể hiện sự tiến bộ, cập nhật xu hướng thế giới. Tuy nhiên, những lo lắng của người dân về việc vàng thau lẫn lộn trong việc cấp văn bằng hoàn toàn có cơ sở, bởi có một thực tế, nhiều người học tại chức chỉ đến ghi danh, “nộp tiền” để qua các kỳ thi. Nếu bằng tại chức và chính quy là như nhau, nhiều người cảm thấy không công bằng với người học. Việc này cũng sẽ tạo điều kiện cho những người muốn lợi dụng bằng cấp để thăng tiến.

“Ở nước ta lâu nay, chương trình đào tạo giữa chính quy và tại chức có sự khác nhau. Hệ chính quy đầu vào cao, học nghiêm túc hơn. Hệ vừa học vừa làm chương trình học bị cắt xén, đánh giá lỏng lẻo hơn. Tôi nghĩ, khi chất lượng không như nhau chưa thể cấp một loại văn bằng” - TS. Lê Viết Khuyến chia sẻ.

PGS.TS Trần Văn Tớp (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) nêu ra một loạt những bất cập nếu quy định không phân biệt bằng chính quy và tại chức đi vào thực tiễn. “Hệ chính quy tuyển rất khắt khe, một số trường xét tuyển theo hồ sơ nhưng chỉ nhằm vào học sinh khá, giỏi. Trong khi đó, việc tuyển sinh hệ đào tạo tại chức dễ hơn. Nếu hệ tại chức tuyển sinh chặt chẽ và lấy điểm chuẩn đầu vào như đại học chính quy thì rất khó, thậm chí không thể tuyển được thí sinh. Ngay cả khi xét tuyển được, khả năng tốt nghiệp của sinh viên hệ này cũng rất thấp” - PGS.TS Trần Văn Tớp phân tích.

“Dốt như chuyên tu - ngu như tại chức” có đúng?

Nhân câu chuyện tranh cãi về bằng chính quy và tại chức, lãnh đạo một trường đại học lớn ở Hà Nội thừa nhận, hiện nay rất ít trường đại học ở nước ta thực hiện nghiêm việc siết chặt đào tạo hệ tại chức. Bởi hệ tại chức được xem là “nồi cơm” của nhiều trường đại học.

Thậm chí, có trường phải cố “phớt lờ” chuyện kiểm định chất lượng. Vì nếu thực hiện nghiêm túc, rất ít người học tại chức lấy được bằng, tốt nghiệp ra trường. Mà không tốt nghiệp được sẽ không có người học và không có nguồn thu. Từ thực tế này, quan niệm phân biệt và kỳ thị bằng cấp đã “ăn sâu bám rễ” trong tư tưởng của người dân. Đến nỗi các cụ còn đúc rút “dốt như chuyên tu - ngu như tại chức”.

Về điều này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Trường - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Kinh Bắc cho rằng, đã đến lúc người dân nên xóa bỏ sự kỳ thị với việc học chuyên tu, tại chức. “Có giai đoạn, gần như giám đốc, tổng giám đốc các doanh nghiệp lớn đều học tại chức. Vì người ta không có thời gian đi học hoặc có những lý do cá nhân. Chẳng lẽ người ta dốt mà gây dựng được sự nghiệp như vậy? Hiện nay, xu hướng của thế giới là người tốt nghiệp phổ thông không nhất thiết phải vào đại học ngay. Họ thường đi làm lấy kinh nghiệm rồi quay lại học kiến thức. Vì thế, người dân Việt Nam cũng nên bỏ sự kỳ thị kiểu như “dốt như chuyên tu - ngu như tại chức đi” – PGS Nguyễn Ngọc Trường chia sẻ.

“Vấn đề nằm ở chỗ phương thức đào tạo quản lý, giám sát của chúng ta làm chưa tốt, chưa nghiêm. Lỗi không phải ở văn bằng. Tôi biết bây giờ nhiều trường coi đào tạo tại chức là “nồi cơm”, nhưng nếu dễ dãi trong việc cấp bằng sẽ tự đánh mất thương hiệu của mình” - PGS Nguyễn Ngọc Trường nói thêm.

Tuy nhiên, dù có ghi hay không ghi vào văn bằng chữ “chính quy” hay “tại chức” thì ranh giới của sự phân biệt hai hệ đào tạo này vẫn khó xóa bỏ. Câu chuyện không còn dừng ở riêng tấm bằng nữa. Bởi do việc kiểm định chất lượng đào tạo lâu nay chúng ta làm chưa tốt, để xảy ra tiêu cực trong đào tạo tại chức, lẫn trong tuyển dụng, mới khiến người dân mất đi niềm tin.

Chỉ khi nào chất lượng đào tạo hệ tại chức như hệ chính quy, được thực hiện trên một chuẩn chương trình, từ đầu vào đến đầu ra, đánh giá chất lượng như nhau, lúc đó những lo lắng của người dân mới được cởi bỏ.

Giá trị không nằm ở tấm bằng!

Cách đây chưa lâu, câu chuyện về nữ thủ khoa Bùi Thị Hà - người tốt nghiệp xuất sắc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 - nhưng thất nghiệp và ở nhà nuôi lợn đã thu hút sự chú ý của dư luận. Hà chỉ là một trong số hàng nghìn cử nhân trên cả nước đang ngày ngày chạy đôn chạy đáo, tìm cách chen chân vào thị trường lao động. Chỉ khác cô là thủ khoa và công việc cô chọn là ở nhà nuôi lợn.

Những năm qua, mỗi khi có một tổ chức đưa ra con số hàng chục nghìn cử nhân, thạc sĩ ra trường thất nghiệp, dư luận lại rộ lên những tranh cãi. Nhất là trong thời kỳ cả thế giới đang tiến tới cách mạng 4.0, công nghệ phát triển, nguy cơ thất nghiệp có thể sẽ tăng, bởi tương lai nhiều công việc của con người có thể sẽ được thay thế bằng máy móc.

TS. Vũ Thu Hương (giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã đưa ra những ví dụ trên để nói về câu chuyện tranh cãi việc không phân biệt bằng chính quy và tại chức. Theo bà, phân biệt bằng cấp lúc này không quan trọng nữa. Bởi giá trị không nằm ở tấm bằng, mà nằm ở việc xã hội sử dụng bằng cấp đó như thế nào. Với nhiều nhà tuyển dụng, họ không phân biệt bằng cấp mà dựa vào năng lực làm việc của mỗi người.

“Việc không phân biệt bằng chính quy và tại chức là một đề xuất hay. Vì khi xóa bỏ, các sinh viên đã tốt nghiệp chính quy hay tại chức sẽ có một bước đệm như nhau khi vào đời. Trong quá trình giảng dạy, tôi từng chứng kiến những sinh viên có được tấm bằng chính quy, nhất là bằng giỏi sẽ tự hào lắm, có thái độ coi thường mọi thứ. Có rất nhiều trường hợp kỹ năng làm nghề rất kém, nhưng lại đòi hỏi quá nhiều. Bởi các em đang quá ảo tưởng về tấm bằng mình đang có.

Trong khi với những em có bằng tại chức, hoặc những bằng kém hơn, lại biết khiêm tốn, sẵn sàng học hỏi mọi thứ. Với những nhà tuyển dụng, chắc chắn họ sẽ thích người chịu khó học hỏi hơn là người luôn nghĩ mình giỏi và đòi hỏi” - TS. Thu Hương chia sẻ.

Chính vì thế khi ranh giới bằng cấp bị xóa bỏ, bản thân người học sẽ tự thay đổi quan niệm của chính mình, không nhất thiết phải “vào đại học bằng mọi giá”. Việc chuẩn đầu ra cũng không nằm trong tay các trường đại học nữa, mà nằm trong tay các nhà tuyển dụng. Nếu học dễ dãi, cấp bằng dễ dãi, thì các trường sẽ tự hạ thấp uy tín của mình.

khong phan biet chinh quy va tai chuc chuyen khong cua rieng tam bang Không phân biệt bằng chính quy và tại chức: Khó khả thi

Theo PGS Trần Văn Tớp, loại hình đào tạo chính quy và tại chức hiện vẫn có khoảng cách lớn do cách thức tuyển sinh, ...

khong phan biet chinh quy va tai chuc chuyen khong cua rieng tam bang Bộ GDĐT lên tiếng về việc không phân biệt bằng chính quy và tại chức

Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) đã có ý kiến chính thức về việc hai hình thức đào tạo chính quy và ...

Ngày đăng: 22:30 | 01/01/2018

/ Lao động