Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới trình Chính phủ đề xuất bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh được cho là những giấy phép con cản trở doanh nghiệp. Đáp lời, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương giai đoạn 2017-2018. Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Đây là con số lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công thương.
Trần Hồng Hải – Người “nhóm lửa” thành công cho các doanh nghiệp |
Vực dậy một Nhà máy đang chông chênh, lạc hướng… |
Ý thức được “vấn nạn” điều kiện kinh doanh (ĐKKD) hành doanh nghiệp (DN), trước đó, vào thời điểm tháng 10-2016, Bộ Công thương cũng cắt giảm một loạt các thủ tục hành chính (TTHC) theo Quyết định số 4846, gồm: bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục, tương đương 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có của Bộ Công thương.
Tại cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Công thương hôm qua 22-9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có nói rằng, việc Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký quyết định cắt giảm 675 ĐKKD là “tích cực hơn mong đợi của Thủ tướng, của Tổ công tác”. Đây là việc làm đáng được khen ngợi. Bởi, TTHC được sinh ra nội hàm của nó để giúp quản lý nhà nước tốt hơn. Bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý nhận cái khó về mình.
Cái khó của cắt giảm ĐKKD không dừng lại ở việc cơ quan quản lý sẽ khó khăn hơn trong thực hiện nhiệm vụ của mình mà nó nằm ở những điều “tế nhị” hơn. Thực tế, ĐKKD ở Việt Nam có một điểm “độc đáo” là do mỗi bộ “thiết kế” và đều có những “dấu ấn” riêng. Chính vì vậy, việc cắt bỏ không hề dễ dàng. Nói cách khác là không ai tự mình rà soát, rồi “đập vỡ chính niêu cơm” của mình. Cắt giảm thủ tục, ĐKKD chẳng khác gì một cuộc “nội chiến”.
Dù động viên ngành Công thương có nhiều nỗ lực nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý rằng, “hoạt động kiểm tra chuyên ngành nói chung đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Mỗi năm, các DN tốn khoảng 30 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng cho hoạt động này. Điều đáng nói là lượng “giấy phép con” của Bộ Công thương sau rà soát, cắt bỏ cao hơn dự kiến ban đầu, nhưng vẫn còn tới 541 điều kiện gây khó DN. “Chúng ta không thể buông lỏng quản lý nhà nước nhưng phải xem xét thực tế tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN”. Đây là đầu bài được đưa ra yêu cầu các bộ ngành phải suy nghĩ, tiếp tục cắt giảm các điều kiện được cho là làm khó cho DN.
Phải rà soát và loại bỏ những điều kiện bất hợp lý. Không thể để thực trạng các ĐKKD được đặt ra nhờ nhân danh quản lý nhà nước nhưng sự thật là mảnh đất để tạo cơ chế xin - cho, vòi vĩnh, hạn chế quyền kinh doanh của người dân, gây phiền hà cho DN, đó là yêu cầu đặt ra của toàn xã hội. Cắt giảm TTHC, ĐKKD chắc chắn không chỉ dừng lại ở Bộ Công thương. Mà những bộ ngành được cho là lắm thủ tục, nhiều điều kiện như Bộ Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế.... cũng phải tiếp tục con đường rà soát, cắt giảm và loại bỏ những thủ tục bất hợp lý, gây khó cho người dân, DN.
Nói rõ vì sao nhiều ĐKKD vô lý mà chưa được bãi bỏ, ông Ngô Văn Điểm- phó chủ tịch Hội DN tư nhân Việt Nam chỉ rõ: Sở dĩ quá nhiều ĐKKD vô lý vẫn tồn tại vì không có cơ quan nào tự “lấy đá đập chân mình”. Anh nào cũng muốn giữ lại lợi ích nên co kéo về mình. Cải cách TTHC của bộ ngành cũng vậy. Không bộ ngành nào tự cắt bỏ cái mà mình đã ban hành. Thế nhưng, thực tế thì việc rà soát, cắt giảm TTHC vẫn được giao cho chính bộ ngành đó rà soát.
“Việc hiện nay chúng ta đang giao cho bộ, ngành tự rà soát nhưng lại không có chỉ tiêu rõ ràng, không có cơ quan giám sát và không cơ quan thẩm quyền quyết định kết quả rà soát nên hiệu quả sẽ không đạt được như kỳ vọng”- ông Điểm nói. Do vậy, không để các bộ ngành rà soát từng ngành, từng thủ tục nữa mà phải có cơ quan độc lập chuyên môn rà soát, chí ít là rà soát song song, chắc chắn sẽ “lòi” ra nhiều ĐKKD cần được bãi bỏ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã khẳng định: Chính phủ sẽ rà soát từng bộ, đi vào từng thủ tục, chứ không dừng lại chung chung mà yêu cầu giải trình cụ thể, thủ tục nào cần, thủ tục nào không. Đây tiếp tục là động thái cho thấy Chính phủ đang rất quyết liệt với “cuộc chiến” cắt bỏ ĐKKD, quyết không để những “khẩu hiệu quyết tâm” của các bộ ngành trở thành “lời hứa suông”.
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/khong-la-loi-hua-suong-380440
Ngày đăng: 16:25 | 23/09/2017
/ Lục Bình/daiddoanket.vn