Dù giá xăng dầu đã liên tiếp giảm sâu nhưng giá rau củ, thịt cá không hề giảm, thậm chí còn nhích tăng.
Chiều 24/7, khảo sát tại nhiều chợ trong khu vực quận Đống Đa, Hà Nội như chợ Thành Công, chợ Vĩnh Hồ, chợ Văn Chương, chợ Ngô Sỹ Liên…cho thấy, giá các loại rau xanh, thực phẩm không những không giảm mà có loại còn tăng mạnh.
Điển hình nhất là thịt heo. Giá bán lẻ thịt heo dao động trong khoảng 100.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại. Ở một số nơi, giá từng loại thịt cụ thể đã tăng thêm 20.000 đồng/kg so với 1 tuần trước đó.
Cụ thể, thịt ba chỉ tại chợ Thành Công hiện được bán với giá 140.000 đồng/kg, đắt hơn 20.000 đồng mỗi kg so với trước
Chị Thu Lan, tiểu thương bán thịt heo tại chợ này nói: “Tôi cũng không thể hiểu tại sao giá thịt heo lại tăng trong khi giá xăng đã giảm khá mạnh”.
Theo chị Lan, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, giá thịt heo đã tăng khoảng 10 - 20 giá. Thịt ba chỉ từ 120.000 đồng tăng lên 140.000 đồng/kg, bắp giò tăng từ 110.000 lên 130.000 đồng/kg. Tương tự, thịt nạc vai, mông sấn cũng tăng từ 110.000 đồng lên 120.000 đồng/kg.
Một tiểu thương bán thịt tại chợ Vĩnh Hồ lý giải: “Giá thịt heo bán lẻ tăng là vì gần đây giá heo hơi tăng mạnh. Đây là hệ quả của việc giá thức ăn chăn nuôi tăng. Mất một thời gian dài tỷ lệ tái đàn trong dân giảm dẫn đến hiện nay sản lượng thịt heo giảm. Nguồn cung giảm đã đẩy giá tăng".
Tiểu thương này cũng cho rằng, mức giảm của giá xăng, dầu chưa đủ thời gian để tác động đến giá thịt heo ngoài chợ, vì giá thịt heo chịu ảnh hưởng lớn từ nguồn cung, giá heo hơi ở từng thời điểm.
Ngoại trừ thịt heo, các loại thịt khác hầu như giá không đổi, chưa có dấu hiệu giảm.
Trong khi thịt heo tăng giá mạnh, các loại thịt khác vẫn giữ nguyên mức giá so với lúc xăng chưa giảm. Thịt bò dao động từ khoảng 240.000 - 300.000 đồng tùy loại. Thịt gà công nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức 60.000 - 80.000 đồng tùy loại, gà ta nguyên lông khoảng 120.000 - 150.000 đồng/kg. Cá điêu hồng vẫn giữ giá 60.000 - 70.000 đồng/kg...
Hầu hết các loại rau xanh cũng đứng giá, duy chỉ có rau cải xanh là chợ nào cũng tăng giá mạnh. Cô Hoa, chủ sạp rau tại chợ Văn Chương nói: “Xăng giảm như thế mà rau có giảm đâu. Như rau cải xanh chẳng hạn, mới sáng nay vừa tăng 10 giá, từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng/kg”.
Cô Hoa cho biết thêm: “Giá rau xanh chúng tôi nhập thay đổi từng ngày. Từ sau Tết Nguyên đán, xăng dầu tăng giá liên tục, rau xanh cũng tăng theo gấp 2 - 3 lần. Ấy thế mà bây giờ, sau khi xăng dầu đã giảm mạnh 2 lần liên tiếp, giá rau xanh vẫn chẳng thấy giảm chút nào”.
Các loại rau khác như bắp cải đang có giá từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, hầu hết là giữ nguyên so với trước kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/7. Ở một số chợ, loại rau này còn tăng nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
5 bó rau muống, mỗi bó giá 15.000 đồng tại chợ Thành Công.
Rau muống vẫn khoảng 12.000 - 15.000 đồng/mớ, cải ngọt giá vẫn khoảng 15.000 đồng/kg, dưa chuột giữ nguyên giá 25.000 đồng/kg.
Vì sao giá hàng hóa "cố thủ"
Theo các chuyên gia, việc giá xăng giảm mạnh nhưng giá hàng hóa không giảm, dù trước đó đã tăng mạnh theo đã không còn là chuyện hiếm. TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc xăng lên kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá là quy luật tất yếu của thị trường, bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, khi xăng dầu tăng thì hàng hoá bán lẻ sẽ tăng theo. Tuy nhiên, khi xăng dầu giảm giá, các mặt hàng khác không giảm theo ngay cũng là điều dễ hiểu, vì tâm lý của người tiêu dùng đã chấp nhận mặt bằng giá mới và hoàn toàn phụ thuộc vào các tiểu thương, tư thương kinh doanh tại các chợ truyền thống.
“Hệ thống phân phối bán lẻ của Việt Nam chủ yếu là chợ truyền thống, do tư thương quyết định, còn hệ thống chuỗi siêu thị chiếm thị phần rất ít. Bên cạnh đó là thói quen tát nước theo mưa nên khi giá xăng dầu tăng thì tất cả các mặt hàng cũng tăng theo, còn khi giá xăng dầu giảm xuống thì các tư thương ở chợ truyền thống vì lợi ích cá nhân nên không chủ động giảm giá”, ông Lâm phân tích.
Một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến việc điều chỉnh giá cả các mặt hàng hiện nay là câu hỏi xăng giảm có mang tính bền vững, ổn định hay không, hay chỉ giảm một thời gian ngắn rồi lại tiếp tục tăng. Do đó, phần lớn người bán và kể cả doanh nghiệp cũng chần chừ điều chỉnh sản phẩm, hàng hóa.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - cho rằng, giá hàng loạt mặt hàng tăng mạnh thời gian vừa qua là quy luật cung cầu của thị trường. Theo đó, các mặt hàng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh tăng giá như nhân công, xăng dầu, logistic kéo hàng hóa đắt đỏ lên là điều dễ.
“Tuy nhiên, chúng ta đã có hai bộ quản lý giá gồm Bộ Công Thương với Tổng cục quản lý thị trường và Bộ Tài chính với Cục Quản lý giá. Họ phải xem giá xăng dầu, giá cả đầu vào tăng bao nhiêu, tác động tới giá thành thế nào. Từ cơ sở đó thì mới tính toán giá bán tăng như thế nào. Ngoài ra, khi xăng dầu giảm thì cần có độ trễ nhất định để hàng hóa điều chỉnh giá, theo chu trình sản xuất thì phải ít nhất 1 tháng. Nếu hàng hóa không giảm thì hai đơn vị quản lý này phải vào cuộc”, ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, ông Thịnh thừa nhận, các mặt hàng tự do hiện đang không theo quy luật này vì người kinh doanh càng giữ được giá cao thì lợi nhuận càng cao. "Chính vì thế, đã đến lúc cần sự vào cuộc của Tổng cục quản lý thị trường và Cục Quản lý giá, nếu các mặt hàng có điều kiện giảm giá mà vẫn bảo thủ không chiụ điều chỉnh”, ông Thịnh nói.
Ngày đăng: 07:48 | 25/07/2022
HẠO NHIÊN / VTC News