Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, đến sáng 31/8, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 85.298 người, trong đó có 60.581 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 24.717 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 22.245 người.
Thành phố đã tổ chức hơn 400 Trạm Y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà. Khi xét nghiệm test nhanh và phát hiện F0, các Trạm y tế lưu động sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện. Triển khai chương trình điều trị thuốc Molnipiravir có kiểm soát dành cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trạm y tế chậm phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà.
Lý giải tốc độ phát các túi thuốc chưa thực sự khẩn trương đến các F0 điều trị tại nhà, bác sĩ (BS) Nguyễn Xuân Huân, Giám đốc Trung tâm y tế quận 4 cho biết, Trung tâm đã nhận được 1.260 túi thuốc và đã cấp được hơn 800 túi rồi. Những người có kết quả test nhanh dương tính cần được cập nhật lên phần mềm rồi mới phát thuốc để tránh thuốc thất lạc. Nhân viên y tế lo làm xét nghiệm cả ngày nên thường buổi tối mới cập nhật được F0 lên phần mềm và sáng hôm sau mới phát được túi thuốc. Đó là chưa kể thuốc nhận về còn phải phân chia ra các túi cũng đòi hỏi cần có thời gian.
BS Trần Đình Nho phụ trách Trạm Y tế lưu động số 6 (quận 4) cho biết, hiện đang quản lý, chăm sóc gần 190 F0 tại nhà. Túi thuốc mới của ngành y tế thì đã phát đến khoảng 40 người. Trước đó còn phát cho các F0 thuốc hỗ trợ của phường hoặc Cục Quân y.
Liên quan đến việc phối hợp xác định F0 và phát túi thuốc, BS Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Trạm Y tế xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) thông tin: “Thường sau khi test nhanh có kết quả dương tính xong, chúng tôi sẽ tiến hành sàng lọc, lập hồ sơ và làm xét nghiệm khẳng định bằng PCR. Từ đó, lập danh sách F0 đủ điều kiện ở nhà theo từng ấp rồi chuyển cho Trạm Y tế lưu động để phát thuốc và chăm sóc”.
Chấn chỉnh tình trạng chậm phát túi thuốc cho F0 tại nhà, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo, các trung tâm y tế quận, huyện khi nhận được các túi thuốc cho F0 phân bổ xuống thì phát ngay cho các trạm y tế lưu động để đưa đến các F0 nhanh nhất. Cần ưu tiên phát túi thuốc ngay cho F0 mà không cần phải chờ tới sau khi cập nhật ca của họ lên phần mềm.
Theo hướng dẫn mới, nếu test nhanh cho kết quả dương tính, quyết định cho F0 cách ly ở nhà thì không cần xét nghiệm lại bằng PCR ngay. Nếu trông chờ xét nghiệm PCR sẽ vừa mất thời gian, vừa gây quá tải cho bộ phận xét nghiệm. Cứ ai có kết quả dương tính sau test nhanh, đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phát ngay túi thuốc cho họ. Ai bắt buộc phải đưa đi cách ly tập trung, thì mới lấy mẫu xét nghiệm PCR. Nếu kết quả của họ có nồng độ virusthấp (Ct ≥ 30) thì cũng cho về nhà theo dõi. Người có nồng độ virus cao thì ở lại khu cách ly. Các địa phương cùng lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn và phát bộ test nhanh cho người dân “vùng đỏ”, “vùng cam” tự xét nghiệm tại nhà để tránh lây nhiễm chéo cũng như giúp người dân nắm bắt được diễn biến sức khỏe của mình, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các trạm y tế lưu động, đội y tế, đội an sinh khác phát nhanh nhất túi thuốc cho F0. “Họ cần được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản sớm nhất. Các trạm y tế cần phải phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn giữa y bác sĩ với các các tình nguyện viên và những bộ phận khác trong quá trình theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà”, ông Sơn nhấn mạnh.
Để việc điều trị F0 tại nhà hiệu quả, những ngày vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác của Bộ Y tế thường xuyên đi kiểm tra các trạm y tế; đồng thời chỉ đạo các thành viên trong đoàn điện thoại đến các F0 để hỏi rõ xem đã được các phường, xã hỗ trợ những gì, túi thuốc phát thế nào, gói an sinh có được hỗ trợ hay không…
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần phải cung cấp cho người dân và các F0 ít nhất các số điện thoại của trạm y tế lưu động, trạm y tế cố định, trung tâm an sinh phường, xã, đội y tế địa bàn. Ngoài thông báo trên mạng, phải in ra giấy phát cho các hộ gia đình để hướng dẫn người dân thực hiện điều trị tại nhà. Đồng thời, phải cấp phát túi thuốc, túi an sinh một cách kịp thời nhất cho người dân. Cùng với đó, cần tư vấn, hướng dẫn cụ thể và động viên, không để những người nhiễm COVID-19 hoảng loạn, thiếu thuốc.
Nguyễn Cảnh
Quảng Ngãi: Phát hiện 90 F0 liên quan ổ dịch ở khu công nghiệp VSIP |
Thứ trưởng Y tế: Không được để F0 điều trị tại nhà thiếu thuốc |
Ngày đăng: 14:25 | 31/08/2021
/ cand.com.vn