Rất nhiều thuật ngữ “được lòng dân” đã được một vị thứ trưởng đương nhiệm sử dụng trong một phát biểu không dài, nhưng được nhiều người cho rằng đã “đủn trách nhiệm một cách thậm tệ”.

Trạm BOT Cai Lậy đang là điểm nóng. Ảnh: Báo Giao thông.

Vị thứ trưởng là ông Đặng Huy Đông, Bộ KHĐT. Những lời lẽ ông dùng, xin mở ngoặc kép “BOT là chi phí không hợp lý mà cả xã hội chúng ta đang phải chịu đựng”, rồi “Chúng ta làm BOT không theo một quy định nào cả”. Cả chuyện “các cơ quan chức năng không công khai, minh bạch”!

Phát biểu của Thứ trưởng Đông đánh trúng tâm lý, trúng thời điểm scandal Cai Lậy đang trở thành điểm nóng, được chia sẻ với mật độ dày đặc trên mạng. Nhất là khi ông khẳng định BOT dày đặc và thu phí không hợp lý là “nguyên nhân tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp”!

Nhưng Bộ KHĐT hay các bộ ngành khác có “ngoại phạm” trong trường hợp những gì Thứ trưởng Đông phát biểu là đúng?

Câu trả lời là không.

Thực tế BOT ở VN cho thấy bất cứ trạm BOT nào muốn dựng lên phải có ít nhất 7 chữ ký cứng và hàng trăm chữ ký thủ tục.

Địa phương phải đồng ý. Bộ GTVT đồng ý, đương nhiên. Bộ KHĐT giữ quyền to không kém là cấp phép đầu tư. Bộ Xây dựng có thẩm quyền thẩm định giá và phương án xây dựng. Bộ Tài chính, còn to quyền hơn: Quyết định mức phí và thời gian thu hồi vốn. Ngân hàng nữa, NH chính là người thẩm định khả năng trả nợ và xuất cấp tiền vay để làm BOT...

Xin nhắc thêm: Mỗi một dự án có riêng một thông tư của Bộ Tài chính về phí.

Xin mở ngoặc, kể cả trong trường hợp “bán” dự án- dưới danh nghĩa thay đổi hoặc chuyển nhượng, thì ngoài Bộ GTGT đồng ý, thủ tục bắt buộc là phải được sự đồng ý của Bộ KHĐT. Nếu không, còn lâu mới có thể thay đổi giấy phép đầu tư.

BOT đang chứng tỏ có những lỗ hổng mà cơ quan chịu trách nhiệm đầu tiên phải là Bộ GTVT. Nhưng sẽ là cưỡng từ đoạt lý, thậm chí các bộ ngành khác phủi tay bằng cách đổ thêm dầu vào lửa.

Hạ tầng, trong đó quan trọng nhất là hạ tầng giao thông chính là một đột phá được xác định trong các nghị quyết TƯ để tháo gỡ các nút thắt tăng trưởng.

BOT, bản chất là một hình thức huy động mang tính “du kích” nhưng vô cùng hữu dụng và phù hợp với tình hình thực tế.

Điều người dân mong muốn bây giờ không phải là những “người hùng anti BOT” với những phát ngôn ai nói cũng được.

Nếu là người hùng thực sự, phải là người chỉ ra cái sai thuộc phần trách nhiệm của mình, chứ không phải là cách né trách nhiệm. Phải là người khắc phục được những lỗ hổng đang bị lợi dụng để người dân được hưởng đúng với những gì mình bỏ ra với BOT.

(https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khong-co-hai-tu-ngoai-pham-551313.ldo)

Ngày đăng: 07:35 | 26/08/2017

Theo Đào Tuấn/Lao động. /