Đó là khẳng định của lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam tại cuộc trao đổi với báo chí vào chiều 9-6 liên quan vụ việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng "tố" cơ quan chủ quản
Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU), tiền thân là Trường ĐH Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng do LĐLĐ TP HCM sáng lập, được thành lập theo Quyết định 787/TTg ngày 24-9-1997 của Thủ tướng Chính phủ; sau đó chuyển thành trường bán công và đổi tên thành Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc UBND TP HCM theo Quyết định 18/2003/QĐ-TTg ngày 28-1-2003 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, trường này được chuyển thành trường ĐH công lập trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam theo Quyết định 747/QĐ-TTg ngày 11-6-2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Được Đảng, nhà nước và Công đoàn đầu tư rất lớn
TDTU được hình thành từ chủ trương của LĐLĐ TP HCM nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn (CĐ) và của TP HCM trong những năm đầu đổi mới, dù qua nhiều lần thay đổi nhưng toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất với giá trị đầu tư gần 3.000 tỉ đồng và trên 100 ha đất cùng bộ máy, nhân sự kể từ ngày đầu thành lập cho đến nay đều thuộc về tổ chức CĐ.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã phát triển khá nhanh, mạnh trong mấy năm gần đây Ảnh: TẤN THẠNH |
Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết theo điều 28 Luật CĐ, về tài sản thì khi TDTU chuyển giao về cho Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2008, tại biên bản bàn giao của UBND TP HCM ngày 23-9-2008 xác định đất và tài sản trên đất thuộc sở hữu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, gồm: cơ sở 1 tại địa chỉ 98 Ngô Tất Tố (phường 9, quận Bình Thạnh) có diện tích 2.800 m2; cơ sở 2 có diện tích 90.725 m2 tại phường Tân Phong (quận 7, TP HCM). Về tài sản trên đất nguyên giá theo biên bản bàn giao là hơn 80 tỉ đồng và giá trị còn lại là hơn 51 tỉ đồng.
"Như vậy, nếu theo điều 28 Luật CĐ, khi UBND TP HCM bàn giao cho Tổng LĐLĐ Việt Nam thì 2 cơ sở nhà đất này cộng với tài sản trên đất sau đó Tổng LĐLĐ Việt Nam giao lại cho TDTU" - ông Phan Văn Anh nói.
Ngoài ra, từ năm 2008 đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện cho trường một số cơ sở nhà đất và tài sản trên đất, các khoản cấp, cho vay… Cụ thể: Giao quyền quản lý và sử dụng cơ sở tại 22 Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Phúc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với diện tích 29.189 m2 và tài sản trên đất. Tài sản này được xác định trị giá mấy trăm tỉ đồng. Tiếp đó là cơ sở tại khóm 6, phường 9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau có diện tích 21.616 m2 trị giá khoảng 100 tỉ đồng.
Về hỗ trợ tài chính, TDTU được LĐLĐ TP HCM cấp hơn 8,3 tỉ đồng; được Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng LĐLĐ TP HCM cho vay không tính lãi hơn 187 tỉ đồng đầu tư cơ sở vật chất giai đoạn 2009-2015.
"Đến bây giờ, tôi khẳng định không có chuyện Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu hoặc có bất cứ một văn bản nào đó buộc TDTU phải trích 30% chênh lệch thu chi từ hoạt động sự nghiệp của nhà trường nộp về Tổng LĐLĐ Việt Nam" - ông Phan Văn Anh khẳng định và nói thêm rằng thông tin nói rằng Tổng LĐLĐ Việt Nam có 3 văn bản buộc TDTU phải nộp 30% chênh lệch thu chi là hoàn toàn không đúng.
Nhiều thế hệ cán bộ Công đoàn đã chắt bóp xây dựng
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết từ khi trường được thành lập, dù khi còn trực thuộc LĐLĐ TP HCM hay sau này trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, thì chủ tịch hội đồng trường luôn là chủ tịch LĐLĐ TP HCM và bây giờ là chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Điều này đã tạo uy tín, vị thế lớn cho trường trong xã hội. Nếu trường không thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, chắc chắn UBND TP HCM sẽ không cấp đất ở 2 cơ sở của trường, cũng như tài sản trên đất theo nguyên giá là 81 tỉ đồng. Ở thời điểm năm 2008, giá trị của nó rất lớn.
"Ngoài ra còn chưa kể khi TDTU về Tổng LĐLĐ Việt Nam, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ cấp khoảng 81 tỉ đồng để xây 2 khối nhà ở cho sinh viên, rồi nhà nước cũng cho vay gói kích cầu hơn 100 tỉ đồng" - ông Phan Văn Anh nói.
Còn ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh các thế hệ cán bộ CĐ đã dành sự quan tâm lớn cho trường, bởi lẽ, trường ra đời là xuất phát từ Chương trình 17, Chỉ thị 13 của Thường vụ Thành ủy TP HCM về xây dựng giai cấp công nhân. Chính vì vậy, những số tiền ban đầu có thể nhỏ so với bây giờ nhưng đó là tiền của công nhân, viên chức, đoàn viên CĐ. Các thế hệ cán bộ CĐ đã chắt bóp, dành dụm để xây dựng những viên gạch ban đầu, trong đó có đóng góp vô cùng lớn là cơ sở Ngô Tất Tố. Đó là cơ sở đầu tiên của TDTU, để từ cơ sở đó, trường mới từng bước phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng dần uy tín của mình, tạo đà để sau này nhà trường có những bước phát triển tiếp theo.
Ông Trần Thanh Hải phân tích: "Không đơn giản chỉ trong khoảng thời gian ngắn, TP HCM có thể bỏ ra phần đất rất lớn ở quận 7 để xây trường. Đó là cả quá trình từ lãnh đạo LĐLĐ TP HCM, sau đó là Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhiều lần làm việc, trên cơ sở vì trường này là trường được ra đời để xây dựng giai cấp công nhân".
Theo ông Trần Thanh Hải, đóng góp rất quan trọng là khi về Tổng LĐLĐ Việt Nam, được Chính phủ đồng ý là trường công lập, nhưng cơ chế tài chính vẫn được thu như trường dân lập. Vào năm 2008, lúc đó chuyển đổi các trường ĐH, chỉ có công lập chuyển sang dân lập. Giữ công lập để tạo uy tín xã hội cho trường của tổ chức CĐ, cơ chế tài chính cho phép được thực hiện linh hoạt và tự chủ cao hơn của trường.
"Tóm lại, ngay từ ban đầu đến nay, các thế hệ lãnh đạo cán bộ CĐ đều quan tâm chăm sóc; Đảng, nhà nước tạo cơ chế; cùng với đóng góp rất lớn của các thế hệ thầy và trò thì trường mới có điều kiện phát triển như hôm nay" - ông Hải nói.
Về trích nộp 30% chênh lệch thu chi, ông Trần Thanh Hải khẳng định Tổng LĐLĐ Việt Nam không hề đòi hỏi phải nộp cho Tổng LĐLĐ Việt Nam. Và đặc biệt, trước nhu cầu bức xúc về đời sống vật chất, tinh thần, nhất là nhà ở, văn hóa, nơi giữ trẻ cho công nhân ở các KCX - KCN, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thiết chế CĐ và đã thực hiện 2 năm qua. "Đó là số tiền tiết kiệm của cả hệ thống tổ chức CĐ, từ cơ sở đến Tổng LĐLĐ Việt Nam, tiết kiệm từ 10% chi hành chính, chi phong trào để xây dựng. Hoàn toàn không có việc Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu nhà trường phải nộp 30% để xây dựng thiết chế CĐ" - ông Trần Thanh Hải tái khẳng định.
Luôn tạo điều kiện cho trường hoạt động
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải, nói thế nào thì nói nhưng phải để các thế hệ cán bộ CĐ và những người có công âm thầm đóng góp cho nhà trường thấy có trước có sau. "Công lao (của trường) lớn nhưng cũng không quên những viên gạch ban đầu. Trên cơ sở những viên gạch ban đầu đó làm nền móng mới có thể xây được những tòa nhà cao sau này".
Ông Hải khẳng định Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn tạo điều kiện và sẽ tiếp tục tạo điều kiện để trường hoạt động theo Luật Giáo dục ĐH mới, để phát huy tự chủ theo đúng đường lối của Đảng và pháp luật nhà nước đã quy định.
Văn Duẩn
Đại học Tôn Đức Thắng phản đối cơ quan chủ quản
Trường cho rằng Tổng Liên đoàn Lao động có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ đại học, trái với các quy định hiện ... |
Bảng xếp hạng top 200 của ĐH Tôn Đức Thắng thực chất như thế nào?
Thời gian qua, ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) hai lần lọt vào danh sách xếp hạng của THE (Times Higher Education, Anh). |
Ngày đăng: 09:47 | 10/06/2019
/ nld.com.vn