Theo Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng hơn 490.000 trẻ; tỷ lệ tử vong thấp hơn người lớn, song có ghi nhận tử vong và tiềm ẩn nguy cơ trẻ diễn biến nặng, nguy kịch. Học sinh trở lại trường, đặc biệt là học sinh từ 5-11 tuổi chưa tiêm vaccine, nguy cơ mắc COVID-19 rất cao, đặc biệt chú ý tới nhóm trẻ có bệnh nền, thừa cân, béo phì. Làm thế nào để phòng ngừa cho trẻ em là điều mà nhiều phụ huynh đang lo lắng.

Tỷ lệ tử vong chiếm 0,42%

Khi khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh về cho trẻ tới trường, nhiều phụ huynh cho biết, trẻ mắc COVID-19 thường triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với người lớn, đặc biệt trẻ nặng, nguy kịch và tử vong thấp. “Tôi nghĩ con đã tiêm 2 mũi vaccine nên ủng hộ việc cho con đến trường trở lại”, một phụ huynh ở quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ. Theo nhiều phụ huynh có con học tiểu học ở 12 quận nội thành của Thủ đô đang khá lo lắng khi các con chuẩn bị đến trường vì các con chưa tiêm, nhiều anh chị lớn sau khi đến trường đã mắc COVID-19.

Tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ mắc COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức ngày 16/2, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, tính từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 của trẻ em dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi. Toàn quốc ghi nhận 165 trẻ mắc COVID-19 tử vong, chiếm 0,42% so với tử vong chung, cụ thể trẻ 13 - 17 tuổi 0,11%; 6 - 12 tuổi 0,1% và 0 - 2 tuổi 0,18%.

Không chủ quan dù tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 tử vong thấp -0
Trẻ em mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Tú

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) TS Nguyễn Trọng Khoa, tính đến ngày 7/2, trong tổng số 516.163 ca mắc COVID-19 của TP Hồ Chí Minh có 32.429 F0 là trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, chiếm tỉ lệ 6,3%. Số ca tử vong trẻ em là 48 ca/tổng số ca tử vong cộng dồn 20.379 người (chiếm 0,23% tổng số ca tử vong). Tỉ lệ tử vong/mắc 0,15%. Qua phân tích 2.478 ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh cho thấy có 165 ca trẻ ở mức độ nặng, nguy kịch, trong số này có 13,9% trẻ thừa cân, béo phì, 8,5% có bệnh đi kèm.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổng số trẻ được khám và chẩn đoán COVID-19 đến nay là 611 trẻ, trong đó có 545 ca được chuyển khám, cách ly tại địa phương; 66 ca điều trị nội trú tại bệnh viện. Hiện bệnh viện này đang điều trị 10 bệnh nhân COVID-19, thời gian qua đã có 5 trẻ mắc COVID-19 tử vong (gồm 3 bệnh nhân sơ sinh, 1 bệnh nhân 2 tháng tuổi có viêm não liên cầu B, 1 bệnh nhân 6 tháng tuổi ở Bắc Ninh chuyển lên).

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có tổng 617 bệnh nhân COVID-19 là trẻ em dưới 16 tuổi trên tổng số 6.484 F0 đã điều trị tại đây; có 21 trẻ nặng, nguy kịch. BS Nguyễn Mạnh Trường, Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, theo ghi nhận trẻ em mắc COVID-19 bệnh nhẹ hơn so với người lớn. Tuy nhiên, tại Khoa Nhi vẫn tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng phải thở oxy, thở oxy mask, có những trường hợp phải thở máy.

Theo ghi nhận, trẻ em mắc COVID-19 có tử vong. Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ, tuy hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Thở máy, lọc máu do hậu COVID-19

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, gần đây gặp một số trường hợp nặng và tử vong, do trẻ này nằm trong nhóm nguy cơ cao. Các bệnh nhi nguy cơ cao khi mắc COVID-19 thường tiến triển nặng hơn nhóm khác và gặp một số biến chứng đáng lo ngại. Ngay cả khi khỏi COVID-19, nhiều trẻ gặp phải hội chứng hậu COVID-19 khá nặng nề.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương thường có khoảng 6-10 trẻ nhập viện cấp cứu vì hậu COVID-19. Các cháu vào nhập viện trong tình trạng rất nặng. Sáng 16/2, tại Khoa Điều trị tích cực của Bệnh viện, có 2 bệnh nhi đang điều trị hậu COVID-19 tại đây. Một bé ở Bắc Giang (8 tuổi) và 1 cháu ở Hải Phòng (7 tuổi) trước đó nhiễm COVID-19, sau khi khỏi bệnh, các cháu có những dấu hiệu bệnh nặng, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc, suy giảm chức năng tim mạch, huyết áp giảm, có rối loạn đông máu.

“Các cháu được chấn đoán hội chứng Mis-C (hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em) và được tiến hành điều trị theo phác đồ Mis-C Bộ Y tế ban hành. Cả hai cháu đều phải thở máy, riêng bé ở Hải Phòng phải điều trị chống sốc, lọc máu, sử dụng nhiều thuốc vận mạch... Sau điều trị, sức khỏe cháu tiến triển tốt, bé ở Bắc Giang đã cai thở máy, dừng thuốc vận mạch, được theo dõi chức năng tim mạch. Sau 1-2 ngày nữa tình trạng ổn có thể ra viện và tiếp tục theo dõi nội trú, sau 1 tháng chúng tôi sẽ kiểm tra đánh giá chức năng tim mạch của cháu. Cháu bé ở Hải Phòng đến sáng nay chức năng thận được cải thiện, bỏ được lọc máu, tuy nhiên cháu vẫn còn thở máy”, TS. Đậu Việt Hùng, Phó trưởng Khoa Điều trị tích cực cho biết.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), viêm đa hệ ở trẻ em là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm. Vì vậy, việc tiêm chủng có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.

Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, tuy tỷ lệ tử vong ở trẻ em mắc COVID-19 rất ít, song phải làm sao bảo vệ nghiêm ngặt nhóm thừa cân béo phì, đang điều trị bệnh nền, mạn tính, những trẻ bị suy giảm miễn dịch bởi khi các nhóm này nhiễm COVID-19 thì khả năng nguy cơ tử vong cao hơn...

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dịch tễ, trong bối cảnh mở cửa, thích ứng linh hoạt an toàn với dịch, số ca mắc trong cộng đồng sẽ còn cao, việc tiêm vaccine cho trẻ là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với trẻ 5-11 tuổi, để phòng, chống dịch và đảm bảo sức khỏe cho nhóm lứa tuổi này khi các em mắc COVID-19.

Để giảm nguy cơ trẻ mắc COVID-19, các nhà trường phải tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo như vệ sinh trường học, phân luồng đón tiếp học sinh, nhắc nhở tuyên truyền các em thực hiện 5K, bố trí phòng cách ly tạm thời tại các trường học… Y tế cơ sở phải tăng cường tập huấn về chăm sóc, theo dõi, phân loại bệnh nhân COVID-19 trẻ em. Việc phân loại tình trạng bệnh của trẻ rất quan trọng, đặc biệt kỹ năng chuyên môn phát hiện trẻ chuyển nặng để kịp thời chuyển đến viện.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc COVID-19? Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc COVID-19?

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên với cha mẹ khi trẻ mắc COVID-19.

Hơn 22 triệu trẻ em sẽ được chăm sóc sức khoẻ ban đầu ngay từ trong trường học Hơn 22 triệu trẻ em sẽ được chăm sóc sức khoẻ ban đầu ngay từ trong trường học

Chiều 10/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn ...

Vì sao trẻ từ 5-11 tuổi cần tiêm vaccine COVID-19? Vì sao trẻ từ 5-11 tuổi cần tiêm vaccine COVID-19?

Chuyên gia Bộ Y tế lý giải sự cần thiết tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Ngày đăng: 11:03 | 17/02/2022

/ cand.com.vn