Philippines đang có những động thái cứng rắn, cả bằng những tuyên bố cũng như hành động trên thực tế, nhằm kiên quyết đương đầu, không chấp nhận để Trung Quốc lấn tới hòng hiện thực hóa tham vọng chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Lực lượng Cảnh sát biển của Philippines diễn tập trên Biển Đông cuối tháng 4 vừa qua |
Sự đáp trả mạnh mẽ của Philippines
Trong tuyên bố mới nhất đưa ra ngày 3-5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định, nước này sẽ tiếp tục duy trì các cuộc diễn tập hàng hải trên Biển Đông, bất chấp cảnh báo từ Trung Quốc. Theo đó, các hoạt động diễn tập, tuần tra hàng hải trên Biển Đông của Cảnh sát biển và Cục Ngư nghiệp Philippines sẽ tiếp diễn. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Philippines nhấn mạnh thêm, đây là quan điểm của Chính phủ nước này và quyết “không lung lay”.
Trước đó, lực lượng Cảnh sát biển Philippines đã tiến hành cuộc diễn tập bắt đầu từ ngày 25-4 vừa qua tại một số khu vực ở Biển Đông mà Philippines tuyên bố là thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, trong đó có bãi cạn Scarborough cùng những khu vực phía Nam và phía Đông Philippines. Theo Người phát ngôn của Cảnh sát biển Philippines Armando Balilo, cuộc diễn tập bao gồm các nội dung như: định vị di chuyển, vận hành tàu thuyền nhỏ, bảo trì và hoạt động hậu cần. Đáng chú ý, Phát ngôn viên của Cảnh sát biển Philippines tuyên bố rằng: “Cuộc diễn tập này nhằm đối phó với sự hiện diện mang tính đe dọa của tàu thuyền Trung Quốc trong khu vực”.
Trong phản ứng trước tuyên bố trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã lớn tiếng yêu cầu Philippines chấm dứt điều mà Bắc Kinh cho là “các hoạt động gây phức tạp tình hình và leo thang tranh chấp trên Biển Đông”. Ông Uông Văn Bân còn ngang nhiên cho rằng, “Trung Quốc có chủ quyền” với khu vực bên trong “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò 9 đoạn”) mà Bắc Kinh đơn phương đưa ra yêu sách ở Biển Đông.
Thế nên, việc tổ chức diễn tập và tuyên bố tiếp tục diễn tập ở Biển Đông bất chấp yêu cầu phi lý của Trung Quốc được xem là sự đáp trả cứng rắn của Philippines đối với Bắc Kinh. Bộ trưởng Delfin Lorenzana nhấn mạnh, các hoạt động diễn tập, tuần tra trên Biển Đông của các lực lượng Cảnh sát biển và Ngư nghiệp Philippines “phản ánh quan điểm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte”, trong đó yêu cầu quân đội Philippines “bảo vệ chủ quyền nhưng không sử dụng biện pháp quân sự và duy trì hòa bình trên các vùng biển”.
Lực lượng Cảnh sát biển và Ngư nghiệp Philippines đẩy mạnh các hoạt động diễn tập và tuần tra trong bối cảnh Trung Quốc có những động thái gây căng thẳng, gây hấn với những toan tính nguy hiểm ở Biển Đông. Trong đó, đáng chú ý nhất là triển khai hàng trăm tàu vỏ sắt được cho là lực lượng dân binh biển của Trung Quốc tới tập trung bất thường ở khu vực gần đá Ba Đầu nằm trong lãnh hải cụm đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sự tập trung bất thường của những tàu dân binh biển Trung Quốc, thời điểm nhiều nhất lên tới hơn 200 chiếc, kết thành bè và kéo dài suốt nhiều tuần lễ liền, khiến giới phân tích chỉ ra rằng Bắc Kinh đang toan tính tái áp dụng “chiến thuật vùng xám” ở đá Ba Đầu, một bãi cạn hình chữ V có tổng diện tích khoảng 10km2 thuộc lãnh hải cụm Sinh Tồn Đông của Việt Nam. Gần 10 năm trước đó, vào năm 2012, Trung Quốc đã dùng lực lượng tàu dân binh biển áp đảo với sự hậu thuẫn của các tàu vũ trang đã cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough vốn do Philippines kiểm soát.
Không để Trung Quốc một lần nữa dùng “chiến thuật vùng xám”
Phản ứng trước việc hàng trăm tàu Trung Quốc tập trung bất thường ở đá Ba Đầu, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động xâm phạm; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; nghiêm chỉnh tuân thủ Tuyên bố về ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC), đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán DOC; đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.
Từng bị Trung Quốc dùng “chiến thuật vùng xám” cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough vốn trước đó do Philippines kiểm soát, Manila đã phản ứng mạnh mẽ, kiên quyết. Trong tháng 4-2021, Philippines đã nhiều lần gửi Công hàm phản đối việc Trung Quốc đưa hàng trăm tàu vỏ sắt tập trung bất thường ở đá Ba Đầu.
Philippines cáo buộc, các tàu dân binh biển này của Trung Quốc đã có hành vi “đe dọa an toàn hàng hải và tính mạng” của ngư dân Philippines. Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố điều tàu hải quân Philippines tuần tra Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines trong phát biểu ngày 28-4 vừa qua đã gọi thẳng Trung Quốc là “kẻ xâm lấn, nên dừng lại và rút khỏi” (các vùng biển ở Biển Đông). Bộ trưởng Delfin Lorenzana khẳng định, chính Trung Quốc đang làm phức tạp vấn đề bằng cách chiếm đóng và biến một số thực thể ở Biển Đông thành đảo nhân tạo phi pháp.
Đi đôi với tuyên bố mạnh mẽ, Philippines có những hành động kiên quyết, cứng rắn trên thực tế để đáp trả như triển khai tàu hải quân tuần tra, điều máy bay tuần tra trên khu vực hàng trăm tàu dân binh biển của Trung Quốc tập trung bất thường. Lực lượng Cảnh sát biển và Ngư nghiệp Philippines tiến hành cuộc diễn tập với mục đích được công bố công khai là để “đối phó sự hiện diện mang tính đe dọa” của tàu dân binh biển của Trung Quốc.
Lực lượng đặc nhiệm chuyên trách vùng biển phía Tây của Philippines (NTF-WPS) cho biết, tiến hành liên tục các cuộc tuần tra hàng hải. Trong khi đó, với sự hỗ trợ của Nhóm Hàng hải Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP-MG), Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) và các tàu thủy sản (BFAR) cũng phối hợp chặt chẽ, triển khai thường xuyên các tàu để thực thi pháp luật, giám sát, đảm bảo an toàn cho ngư dân và bảo vệ môi trường.
Cùng với những hành động mạnh mẽ ngăn Trung Quốc lấn tới ở Biển Đông của riêng mình, Philippines còn thúc đẩy hợp tác với các đồng minh, đối tác khác để tạo sức mạnh quốc tế. Bộ trưởng Delfin Lorenzana đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin để ngay sau đó hai nước có ký kết Hiệp ước đồng minh này tiến hành cuộc tập trận chung mang tên Balikatan với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ hai nước. Cuộc tập trận được cho là sự hợp tác, cùng hành động của Philippines và Mỹ để đáp trả một loạt hành động khiêu khích, gây hấn nhằm hướng tới toan tính nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc dù nguy hiểm, song xem ra khó tái sử dụng khi mà các quốc gia liên quan ở Biển Đông đã biết quá rõ và có những hành động mạnh mẽ, quyết không để cho Trung Quốc một lần nữa lấn tới ở vùng biển này.
Ngoại trưởng Philippines nổi giận với Trung Quốc
Ngoại trưởng Philippines Locsin viết thông điệp đầy giận dữ với Trung Quốc trên Twitter, sau khi nước này yêu cầu Bắc Kinh rút đội ... |
Tàu sân bay Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông
Nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông hoàn thành đợt diễn tập trên Biển Đông, nhưng quân đội Trung Quốc không cho biết vị ... |
Ngày đăng: 16:00 | 04/05/2021
/ anninhthudo.vn